Cam sành Hà Giang được biết đến là đặc sản vùng cao, được tiêu thụ mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Trong niên vụ 2020 – 2021, tổng diện tích cam sành toàn tỉnh Hà Giang ước đạt khoảng 6.570 ha, sản lượng ước đạt trên 68.000 tấn. Toàn tỉnh đã cấp chứng nhận VietGAP cho trên 4.269 ha, chiếm 96,7% diện tích cam sành cho thu hoạch. Cam Sành chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại các chợ đầu mối, cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Một số ít được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội. Giá bán cam tại vườn giao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên lượng tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung và cam nói riêng bị giảm mạnh. Đặc biệt, trong niên vụ 2019-2020 một lượng cam sành lớn trên địa bàn tỉnh đã bị rụng, gây thất thu lớn cho người dân.
Để tìm đầu ra cho mặt hàng nông sản này, mới đây UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam sành niên vụ 2020 - 2021. Đánh giá về khâu quảng bá, tiêu thụ cam sành trên địa bàn, ông Nguyễn Minh Tiến cũng cho biết: “Công tác này còn chậm và lúng túng. Các công đoạn nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chưa được quan tâm, vai trò cấp ủy chưa rõ nét”.
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam sành, cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành và người dân. Triển khai hướng dẫn quy trình chăm sóc, thu hái và dự báo sơ bộ nhu cầu thị trường để khuyến cáo người dân có giải pháp thu hoạch phù hợp; thành lập tổ công tác đánh giá các nhà vườn có nhu cầu tiêu thụ tại các siêu thị để xây dựng các tiêu chí, thương hiệu và cấp tem truy xuất nguồn gốc; tổ chức hội thi cam vào thời điểm bắt đầu vào vụ và đánh giá rút kinh nghiệm quy trình sản xuất để xây dựng thành vườn mẫu. Đặc biệt, với khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu đưa sản phẩm cam sành Hà Giang vào các trung tâm giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Các HTX, hộ trồng cam cũng được ngành chức năng yêu cầu tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, nâng cao chất lượng cam sành, áp dụng biện pháp bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đồng thời, sẽ hỗ trợ các HTX triển khai dây chuyền công nghệ mới để chế biến sản phẩm cam sành tại chỗ; liên kết các hộ trồng cam để đảm bảo ổn định giá; xây dựng hình ảnh, thương hiệu cam sành; phát triển du lịch sinh thái tại các vườn cam; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác sản phẩm, cước vận chuyển cho các HTX bán tại các siêu thị lớn.
Bằng những giải pháp mạnh mẽ, tích cực, Hiệp hội cam sành Hà Giang kỳ vọng niên vụ 2020 – 2021, lượng cam sành trên địa bàn tỉnh sẽ tiêu thụ đạt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, nhiều mặt hàng nông sản hiện cũng đang gặp khó về đầu ra, chính quyền cần có những giải pháp hỗ trợ người dân thúc đẩy tiêu thụ, tránh thất thu.