Bởi lẽ, một trong những tiêu chí rất quan trọng của giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực là xuất phát từ triết lý giáo dục tương tác, có nghĩa là SGK và chương trình học phải được xuất phát từ điều tra nhu cầu xã hội, điều tra người học và được thử nghiệm trên chính người học.
Sách giáo khoa lớp 1 không chỉ là câu chuyện “nhặt sạn”? (Ảnh minh họa) |
Lựa chọn có khách quan?
Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã phê duyệt 5 bộ SGK, với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy từ năm học 2020 - 2021. Tỉ lệ lựa chọn 5 bộ SGK lớp 1 trên toàn quốc như sau: Cánh Diều: 32%; Kết nối tri thức: 28%; Vì sự bình đẳng: 8%; Hai bộ sách Cùng học để phát triển và Chân trời sáng tạo: 32%.
Về tỷ lệ chọn SGK lớp 1, trong đó, riêng môn Tiếng Việt có những địa phương 100% chọn Cánh Diều, như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định. Tỷ lệ chọn SGK Cánh Diều tính theo số học sinh (HS) ở nhiều tỉnh khá cao, như Tây Ninh 95%, Tiền Giang 75,86%, Thái Bình 64,08%, Hậu Giang 77%. Riêng tại Hà Nội, nơi có số trường học và HS lớp 1 cao nhất cả nước, cũng có tới khoảng 50% số trường tiểu học chọn sách Cánh Diều...
Một điểm quan trọng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 thì lần đầu tiên hiệu trưởng là người quyết định chọn SGK nào để giảng dạy trong trường mình. Do đó, cũng có nhiều băn khoăn cho rằng, nếu hiệu trưởng thiếu kỹ năng quản lý chương trình học, kỹ năng lựa chọn SGK, cả nể trong quan hệ, do bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, tỷ lệ chia “hoa hồng”… thì việc lựa chọn sách sẽ khó khách quan và không vì người học.
Thực tế, ngay trong chương trình Bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông mà hiệu trưởng phải hoàn thành trước khi được bổ nhiệm cũng không có nội dung quản lý chương trình học. Điều này cũng khiến cho bản thân nhiều hiệu trưởng bối rối khi lần đầu tiên được giao nhiệm vụ chọn SGK. Ngoài ra, trong Hội đồng chọn sách của các trường, vẫn có tình trạng thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn cao, những người hiểu biết về dạy liên môn theo chương trình mới.
Một số hiệu trưởng cho rằng, việc thiếu thời gian nghiên cứu và dạy thử nghiệm SGK mới khiến cho Hội đồng lựa chọn sách của các trường gặp khó khăn khi không có nhiều thời gian nghiên cứu 32 SGK lớp 1 trước khi đưa ra ý kiến lựa chọn SGK nào phù hợp nhất… Để lựa chọn chính xác, hiệu trưởng phải là người công tâm, vững vàng mới loại bỏ được những ảnh hưởng đó, đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu trong việc quyết định chọn SGK nào. Chưa kể, đó còn là tiêu chí nào để lựa chọn một bộ sách giáo khoa phù hợp với học sinh?
TS Lê Viết Khuyến cũng cho biết, nếu nói về trách nhiệm của các trường trong lựa chọn SGK thì mức quản lý và mức tự chủ của họ khác rất nhiều so với bậc đại học - là trường nào cũng phải chịu trách nhiệm về chương trình (CT) của mình. Còn đối với giáo dục phổ thông, nhà trường không thể chịu trách nhiệm về chất lượng của CT, SGK, mà chất lượng CT, SGK là do Bộ quyết định. Các trường buộc phải chọn 1 trong 5 bộ sách Bộ đưa ra, dù có thể có chỗ này, chỗ khác họ không thích thì họ cũng phải chọn. Đơn cử, trước đó, với bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, có nhiều nơi đang dạy và vẫn muốn tiếp tục dạy nhưng do bộ sách này bị loại nên họ không được dạy.
Chương trình vừa sức hay quá tải?
Tuy nhiên, mới đây, Bộ GD-ĐT cho biết, khi tiếp cận các nhóm giáo viên trực tiếp dạy bộ Cánh Diều, nhất là GV dạy Tiếng Việt 1, hầu hết đều cho rằng Cánh Diều là một bộ sách hay, bám sát chương trình và không có ý kiến gì về sách Cánh Diều như dư luận phản ánh.
Cụ thể, Ban giám hiệu và giáo viên Trường Tiểu học Vietkids (Hà Nội) đánh giá Cánh Diều là một trong 5 bộ SGK phù hợp với lứa tuổi và mức độ chuẩn của HS lớp 1. Thời lượng giảng dạy các tiết học đảm bảo vừa sức. “Về những nội dung dư luận phản ánh, tôi cho rằng vấn đề không quá đến mức như mạng xã hội đánh giá, vì mỗi một bộ sách đều có cái hay, cái chưa hay riêng. Nếu bắt lỗi thì cả 5 bộ SGK lớp 1 sẽ đều có lỗi” - cô Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vietkids nhận định.
Theo TS Lê Viết Khuyến, để tránh những việc đáng tiếc như SGK lớp 1 vấp phải thì quy trình viết sách và quy trình thẩm định sách cần phải được chỉnh sửa, chứ chỉnh sửa SGK chỉ là phần “ngọn”. Bởi lẽ, một trong những tiêu chí rất quan trọng của giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực là xuất phát từ triết lý giáo dục tương tác, có nghĩa là SGK đưa ra, chương trình đưa ra phải được xuất phát từ điều tra nhu cầu xã hội, điều tra người học và được thử nghiệm trên chính người học.
Theo một số chuyên gia giáo dục, ngay khi ra chương trình môn học, có rất nhiều chuyên gia phản biện về chương trình, song có những ý kiến của chuyên gia không được các hội đồng biên soạn lắng nghe. Khi ấy, nhiều chuyên gia đã cho rằng chương trình quá tải, nên khi SGK viết theo chương trình môn học, mới bị phản ánh là nặng, đây là tình trạng chung của các bộ sách lớp 1. Nhiều giáo viên lớp 1 cho biết, mặc dù có những bài học quy định dạy trong 1 tiết, nhưng phải dạy đến cả buổi vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu chuẩn đầu ra của bài học. Nhiều trường phải mạnh dạn giãn thời gian dạy 1 bài để học sinh có thể tiếp thu. Như vậy, điều cần làm là phải xem lại chương trình môn học và điều chỉnh lại chương trình môn học, vì đây là kim chỉ nam cho các tác giả viết SGK.
Như vậy, để chuẩn bị cho việc triển khai SGK lớp 2, lớp 6 trong năm học tới thì không chỉ sửa phần “ngọn”, tức là sửa SGK như hiện nay, mà cần phải sửa từ “gốc”, nghĩa là phải sửa chương trình, sửa chuẩn đầu ra và cả quy trình thẩm định sách. Điều này phải xuất phát từ điều tra thực tế, xem xã hội chấp nhận chuẩn đầu ra như thế nào. Ở đây trách nhiệm cao nhất vẫn phải là Bộ, vì thế trước hết Bộ phải rà soát lại chuẩn chương trình, rà soát lại quy trình thẩm định sách, Hội đồng thẩm định sách.
Do đó, nhân dịp này Bộ GD-ĐT nên có một diễn đàn sâu rộng để lắng nghe ý kiến về chương trình môn học. Việc này tuy muộn, nhưng vẫn phải làm, bởi nếu giáo viên quá tải với phân phối chương trình sẽ không thể truyền tải được hết những mong muốn của SGK đến học sinh. Vấn đề quá tải chương trình là câu chuyện lâu dài, một vài câu chữ gây tranh cãi có thể thay được, nhưng chính chương trình môn học mới là điều quyết định…
* TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
SGK không phải là một sản phẩm bình thường
SGK không phải là một sản phẩm bình thường dành cho khách hàng bình thường. Đây là sản phẩm giáo dục được đưa vào cho học sinh lớp 1. Nó không đơn thuần là có lỗi thì có thể thu hồi, trả lại kinh phí. Thay thế cũng không hề đơn giản khi liên quan đến kế hoạch giảng dạy. Hiện nay, với những bài đã thực hiện rồi, Hội đồng thẩm định phải lắng nghe ý kiến từ dư luận một cách nghiêm túc để tiếp thu, sửa chữa hoàn thiện tối đa. Ở phần còn lại, tác giả phải hết sức cầu thị tiếp thu đầy đủ trực tiếp từ phụ huynh, giáo viên, chuyên gia. Những gì chưa đúng thì phải có hiệu chỉnh để đảm bảo việc tổ chức dạy học được liên tục, đúng kế hoạch. Năm học sau, cuốn sách này có được tái bản, sử dụng hay không thì thuộc về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố và sẽ có quy trình lựa chọn SGK khác. Ở đây, bài học cho công tác quản lý cần rút kinh nghiệm nhiều hơn. Đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình SGK mới, chắc chắn có khó khăn nhất định và các cơ quan quản lý phải lường tính trước vấn đề để xử lý phù hợp.
* Tiếp tục rà soát 5 bộ SGK và thẩm định SGK lớp 2, lớp 6
Bộ GD-ĐT cho biết, cùng với điều chỉnh, bổ sung sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, sẽ tiếp tục rà soát lại 5 bộ sách giáo khoa lớp 1. Đồng thời, đăng tải lấy ý kiến công khai bản thảo sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6. Theo dự kiến, sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 sẽ được thay mới từ năm học 2021-2022.
Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT thông tin, Bộ đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định sách lớp 2 của 4 nhà xuất bản với 33 bản mẫu SGK của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2. Đối với lớp 6, có 43 bản mẫu SGK. Việc thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 đã hoàn thành vòng 1, các nhà xuất bản đang chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. Dự kiến, thẩm định vòng 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 (đối với lớp 2) và trung tuần tháng 11 (đối với lớp 6).