Gần đây có một số vấn đề tranh luận liên quan đến những lỗi sai về mặt từ ngữ, hình ảnh, và nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - bộ sách “Cánh diều”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
Khẳng định về việc thực hiện chỉnh sửa các nội dung này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sách Cánh Diều sẽ được chỉnh sửa lại sớm, trên tinh thần sẽ yêu cầu in bổ sung tài liệu chỉnh sửa, phát bổ sung miễn phí cho các thầy cô giáo.
Nhiều bạn đọc cho rằng, với tư cách là khách hàng, khi mua phải sản phẩm bị lỗi như thế này thì pháp luật quy định như thế nào? Nhà xuất bản, các tác giả và Bộ GD&ĐT có trách nhiệm như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). |
Liên quan về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - nhận định: Câu chuyện sách giáo khoa đang được mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm, vì nó liên quan, ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân. Sách giáo khoa thuộc danh mục hàng hóa do Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý về chất lượng theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 32 Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007.
Trong Thông tư 11/2018/TT-BGDĐT, xác định hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục, nêu rõ, hàng hóa phải đảm bảo tính sư phạm, phù hợp với mục tiêu, chương trình ở các cấp học, trình độ đào tạo; đảm bảo mục tiêu của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đồng thời Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 cũng quy định: Hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan (khoản 1 Điều 4). Như vậy, sách giáo khoa cần phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn do Bộ GD&ĐT đưa ra, đồng thời còn phải đáp ứng chung quy chuẩn của hàng hóa thông thường.
Việc đưa bộ sách giáo khoa phổ thông ra bán và sử dụng rộng rãi trong các trường phổ thông sau đó mới bị phát hiện ra sai sót đã gây tác hại không nhỏ kể cả vật chất lẫn tinh thần đối với học sinh và phụ huynh. Trẻ thơ như những tờ giấy trắng. Người lớn vẽ cái gì vào đấy phải hết sức cẩn trọng. Những hạt sạn trong sách giáo khoa sẽ để lại những hệ lụy, những tác hại, tổn thương trong tâm hồn, ký ức trẻ thơ rất lâu dài.
Do đó, với tư cách là khách hàng, khi mua phải sản phẩm bị lỗi không đúng quy chuẩn thì khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010. Theo đó, người tiêu dùng có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.”
Trách nhiệm bồi thường thuộc về nhà sản xuất (Nhà Xuất bản) và tác giả khi sản phẩm có lỗi do lỗi của người sản xuất không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài (khoản 1 Điều 61 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007). Ngoài ra nếu phát hiện sai phạm trong quá trình sản xuất, các đơn vị, cá nhân này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng theo yêu cầu của tiêu chuẩn về hệ thống quản lý đã công bố áp dụng.
Trong trường hợp này có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT khi kiểm duyệt chất lượng của sách. Khoản 3 Điều 32 Luật giáo dục ban hành năm 2019 quy định: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông, phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định”. Bộ GD&ĐT và nhà xuất bản, Ban biên soạn sách giáo khoa phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho phụ huynh học sinh và học sinh do lỗi của mình gây ra, chứ không phải chỉ xin lỗi và chỉnh sửa lại các lỗi trong sách giáo khoa.
Có thể thấy rằng, việc sách bị lỗi như thế đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh, phụ huynh như làm mất thời gian, làm trẻ khi học sách này sẽ có suy nghĩ không đúng,… Vì thế, phụ huynh và học sinh khi sử dụng sản phẩm giáo dục cũng chỉ đơn thuần là người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất.
Do đó, quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Trường hợp này, thiệt hại nằm trong mục “thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản” được quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007. Phụ huynh học sinh có thể yêu cầu bồi thường từ các cơ quan chức năng theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010.
Theo quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010 thì phụ huynh học sinh có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên để đánh giá mức độ thiệt hại của sách giáo khoa sai sót không đơn giản như bồi thường thiệt hại các hàng hóa thông thường có thể cân, đong, đo đếm được, mà cần phải có sự thỏa thuận giữa hai bên và cần có sự phán xét của Tòa án.