Qua đó, tạo thuận lợi, thông thoáng, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động lưu thông xuất nhập cảnh (XNC) và xuất nhập khẩu (XNK), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Hiệu quả ở tỉnh đầu tiên thí điểm nền tảng cửa khẩu số
Đến nay, BĐBP đã triển khai 19 hệ thống cổng kiểm soát tự động có tính năng nhận diện khuôn mặt, vân tay ở tất cả cửa khẩu tỉnh tuyến biên giới đất liền; ứng dụng công nghệ mã vạch trong kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với cư dân biên giới tuyến Việt Nam - Trung Quốc và cấp kiểm soát các loại giấy tờ, giấy phép; cấp giấy phép bằng hình thức chữ ký số cho toàn bộ các thuyền viên đi bờ và tàu, thuyền cập mạn.
Hệ thống cổng kiểm soát XNC tự động hóa được triển khai đã rút ngắn thời gian làm thủ tục XNC của hành khách, bảo đảm thông thoáng, tạo hình ảnh cửa khẩu văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế và khu vực.
Đại tá Ninh Văn Hợp, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Lạng Sơn, cho biết: BĐBP tỉnh Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên được Ủy ban Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giao thực hiện thí điểm nền tảng cửa khẩu số. Từ ngày 21/2/2022, nền tảng cửa khẩu số được áp dụng thí điểm tại Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Hữu Nghị, áp dụng cho phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với quy trình 8 bước.
Nền tảng cửa khẩu số ứng dụng công nghệ camera, trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận dạng biển số xe, kết nối với bản đồ số và hệ thống định vị để điều tiết, giám sát mật độ lưu lượng xe, kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu đăng kiểm Bộ Giao thông vận tải và các ngành chức năng có liên quan. Nhờ ứng dụng công nghệ số, thời gian hoàn thành thủ tục biên phòng đối với mỗi hành khách (chưa được cấp mã QR) được rút từ 3-5 phút xuống còn 30 giây; đối với phương tiện xuất, nhập cảnh, thời gian đăng ký dữ liệu chỉ cần 1-2 phút (trước là 5-10 phút). Đây là kết quả của nỗ lực cải cách TTHC gắn với CĐS...
Hiện nay, tại các cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma, Hữu Nghị đều đã sử dụng “Cổng kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động” gắn với hệ thống camera giám sát ứng dụng AI. Việc áp dụng cổng kiểm soát tự động đã rút ngắn thời gian làm thủ tục cho mỗi khách (đã được cấp mã QR) từ 1 phút xuống còn 10-15 giây.
Những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong BĐBP đã tạo điều kiện thông thoáng trong giải quyết TTHC tại các cửa khẩu, cảng biển, đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, khách du lịch, nhà đầu tư khi đến Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thực hiện 21 thủ tục biên phòng điện tử tại 89 cửa khẩu
Hiện nay, BĐBP đang thực hiện 21 thủ tục biên phòng điện tử tại 89 cửa khẩu; đồng bộ kết quả giải quyết TTHC của 19 thủ tục biên phòng điện tử tại 89 cửa khẩu lên Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng. Đến ngày 31/12/2023, đã đồng bộ hơn 31.100 bộ hồ sơ thủ tục lên Cổng dịch vụ công Bộ Quốc phòng, 100% hồ sơ giải quyết đúng thời hạn. Triển khai phần mềm quản lý, kiểm soát XNK theo mô hình dữ liệu tập trung kết nối với 109 cửa khẩu (trong đó, 71 cửa khẩu tuyến biên giới đất liền và 38 cửa khẩu cảng) về Bộ Tư lệnh BĐBP và đồng bộ với dữ liệu của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) qua đường truyền kết nối trực tiếp; đồng thời tham mưu giúp Bộ Quốc phòng công bố 35 TTHC lĩnh vực quản lý biên giới liên quan đến hoạt động hỗ trợ kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý; hoàn thành cập nhật, tính chi phí tuân thủ đối với 35 TTHC và đưa lên Cổng tham vấn quy định kinh doanh theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ…
Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP cho biết, để đạt được mục tiêu đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với CĐS, thời gian qua, BĐBP đã tăng cường phối hợp với các lực lượng, cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành Trung ương và chủ động phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thống nhất nội dung, phương thức kết nối đồng bộ khai thác thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh để phục vụ cho các yêu cầu công tác cải cách TTHC và CĐS.