Theo Ban tổ chức, qua 119 bức tranh của các họa sĩ trong nước, Triển lãm giúp chúng ta hiểu hơn về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác thi ca của Hồ Xuân Hương; từ đó có thể khẳng định hơn những đóng góp của bà cho nền văn học Việt Nam nói chung cũng như sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Triển lãm nằm trong chuỗi hoạt động vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ “bà chúa thơ Nôm”, đồng thời nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam khi trình hồ sơ lên UNESCO để cùng tôn vinh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Danh nhân Hồ Xuân Hương.
Nhiều em nhỏ thích thú với các bức tranh về "bà chúa thơ Nôm". |
Hồ Xuân Hương là nữ sĩ Việt Nam duy nhất trong số 6 danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh và kỉ niệm năm sinh, năm mất: Nguyễn Trãi (1980), Hồ Chí Minh (1990), Nguyễn Du (2015), Chu Văn An (2019), Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu (2021).
Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Văn bản 211 EX/30.INF, Quyết định số 211 EX của Hội đồng Chấp hành và Nghị quyết số 41C/15 (Nghị quyết số 41C/52): UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-1822) Nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Việt Nam vào năm 2022 (với sự hỗ trợ của Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan).
Nghị quyết 41C/15 của UNESCO đã xác định 7 điểm cốt lõi về danh nhân Hồ Xuân Hương: 1/ Hồ Xuân Hương có tư tưởng nhân văn mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người - con người với tư cách là những thực thể tồn tại trên mặt đất với mọi nhu cầu, khát vọng sống trần thế. 2/ Hồ Xuân Hương là hiện tượng văn hóa - thẩm mỹ đặc biệt với hệ thống quan niệm độc đáo qua các tác phẩm thi ca. 3/ Hồ Xuân Hương có đóng góp lớn cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của phụ nữ. 4/ Di sản của Hồ Xuân không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử - tinh thần - ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp. 5/ Hồ Xuân Hương không chỉ đấu tranh, bảo vệ mà còn có ý thức cảnh báo, phê phán, chống lại, phủ định những gì ngăn cản sự tiến bộ của con người. 6/ Hồ Xuân Hương và di sản của bà có sức sống mãnh liệt, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng đến nhiều dân tộc, nhiều quốc gia. 7/ Tác phẩm của Hồ Xuân Hương đã được giới nghiên cứu nhiều nước thừa nhận và dịch sang tiếng nước mình (đến năm 2021 là 12 thứ tiếng).