Nhìn lại sự phát triển kinh tế năm 2018, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Năm 2018 có nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, cùng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
12/12 chỉ tiêu KT-XH năm 2018 theo nghị quyết của Quốc hội đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong đó tám chỉ tiêu vượt và bốn chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH 5 năm đã đề ra.
Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2018 ở vị trí 77/137 quốc gia. Chất lượng Môi trường Kinh doanh (DB) đứng thứ 69/190 nền kinh tế. Chỉ số Đổi mới Sáng tạo (GII) đứng thứ 45/126 quốc gia. Chỉ số Quan sát Doanh nhân toàn cầu (GEM) xếp thứ 15/54 nền kinh tế được xếp hạng. Đặc biệt, khảo sát của EuroCham gần đây cho thấy gần 70% DN phản hồi “Tốt” và “Rất tốt”, 90% DN đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam ổn định và cải thiện trong thời gian tới.
Theo thông tin công bố tại Hội thảo “Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018” do Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) tổ chức, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ước đạt 6,9-7%, là mức cao nhất 10 năm nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ; nông, lâm thuỷ sản tăng trưởng tốt. Trong đó, lạm phát cả năm ước đạt khoảng 3,6%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 4%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao, nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát đảm bảo các mục tiêu Quốc hội đề ra…
Nhận định tình hình thế giới sẽ rất khó đoán định, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục khả quan nhờ Chính phủ vẫn kiên trì với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, với việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại của nước ta.
“Mặc dù thế giới dự báo xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trung bình đạt 6,5 - 6,6% giai đoạn 2019 - 2020, song nếu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tăng trưởng khu vực tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động, tích cực thực hiện các hiệp định thương mại tự do thì tốc độ tăng trưởng có thể đạt khoảng 6,9% - 7,1%”, ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH Quốc gia (NCIF) (Bộ KH&ĐT) nêu quan điểm.
Với những kết quả đạt được trong năm 2018, cũng có chuyên gia đặt vấn đề liệu kinh tế Việt Nam đã đạt đỉnh trong năm 2018? Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ bắt đầu có dấu hiệu đi xuống theo chu kỳ của quỹ đạo parapol. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao từng đạt được trong giai đoạn 1990 - 2006. Do đó, trợ giúp đà tăng trưởng của năm 2018, trong năm 2019 này Chính phủ nên tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro cho khu vực kinh tế tư nhân trong lúc môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động. Bên cạnh đó, cần linh hoạt trong việc điều hành giá xăng dầu để kiểm soát áp lực lạm phát.
Theo dự báo của NFSC, trong năm 2019 này, tăng trưởng của Việt Nam vẫn có khả năng đạt 7%. “Phân rã tăng trưởng cho thấy, thành phần xu thế đã liên tục được cải thiện trong năm qua và được dự báo tiếp tục trong năm 2019. Ngoài ra kinh tế Việt Nam có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố quốc tế như: Hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại và triển vọng từ các hiệp định mới như CPTPP và các FTAs khác…”, quyền Chủ tịch NFSC, ông Trương Văn Phước, đưa ra nhận định.
Theo NFSC, lạm phát năm 2019 có thể chịu tác động từ các yếu tố giá cả thực phẩm và chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, áp lực khiến CPI tăng mạnh là không nhiều do giá hàng hóa thế giới dự báo chỉ tăng nhẹ. “Tính toán cho thấy, nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công, CPI bình quân năm 2019 có thể ở mức dưới 3,6%...”, ông Phước nói.
“Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm 0,2 điểm % dự báo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2018 và 2019, xuống còn 3,7%. Điều này cho thấy kinh tế thế giới 2018 đã không thực sự thuận lợi như kỳ vọng trước đó và năm 2019 có khả năng cũng như vậy. Thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách lớn, trong đó có sự nổi lên của tư tưởng bảo hộ, chiến tranh thương mại, nguy cơ xói mòn niềm tin vào hệ thống thương mại tự do. Tuy nhiên, với sự lạc quan của những người yêu toàn cầu hóa, đề cao những lợi ích của thương mại tự do, chúng ta vẫn luôn tìm thấy các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính vẫn là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa”.
(Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2018)