Năm 2019: Lội ngược dòng ngoạn mục
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hôm 11/12/2019 đã quyết định điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,8% lên 6,9% trong năm 2019; và từ 6,7% lên 6,8% trong năm 2020. Quyết định điều chỉnh này trong bối cảnh ADB điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của châu Á xuống 0,2 điểm phần trăm (từ 5,4% cho năm 2019 và 5,5% vào năm 2020 xuống còn 5,2% cho cả năm 2019 và 2020).
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với DN hôm 23/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo, trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu suy giảm, tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 là trên 7%, là một trong những nước tăng trưởng cao nhất châu Á và thế giới. Môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp. Cán cân thương mại thặng dư kỷ lục, trên 9 tỷ USD.
Lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cán đích 500 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục chưa từng có. Thâm hụt ngân sách và nợ công giảm đáng kể, từ trên 64% năm 2016 xuống còn 56% GDP. Thu hút dòng vốn quốc tế tiếp tục tăng cao, trên 32 tỷ USD, giải ngân trên 17,7 tỷ USD, con số cao nhất trong các năm gần đây.
Khẳng định năm 2020 Việt Nam có nhiều sự kiện lớn và là năm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), Thủ tướng kỳ vọng 2020 phải là năm đạt nhiều nền tảng quan trọng cho một phần tư thế kỷ tới. Ông cho hay Việt Nam có vươn lên đến cột mốc lịch sử đó hay không phụ thuộc rất lớn vào những thành quả, nền tảng mà DN tạo ra hôm nay.
Mới đây nhất, ngày 17/12/2019, trong báo cáo “Điểm lại”, cập nhật tình hình kinh tế bán thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, tăng thêm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, nợ công giảm gần 8 điểm phần trăm GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp 4 năm qua. WB bình luận đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại; tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng, đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Năm 2019 cũng là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh canh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.
Đây được xem là những xung lực giúp Việt Nam tăng trưởng cao và bền vững trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Năm 2020: Không được chủ quan
Mặc dù nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng tưởng cao so với thế giới nhưng nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2020 có xu hướng chững lại.
ADB đưa ra mức dự báo GDP của Việt Nam năm 2020 khả năng đạt 6,8%, tăng 0,1% so với dự báo trước đó nhưng mức này cũng thấp hơn mức dự báo 6,9% của năm 2019. Đây cũng mà mức mà Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 Quốc hội đã thông qua. Trong khi đó, WB dù đưa ra dự báo GDP 2019 tăng thêm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó nhưng vẫn giữ nguyên dự báo 6,5% cho năm 2020 và những năm tiếp theo.
Theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng. Chính phủ đã tạo được dư địa tài khóa nhất định thông qua chính sách tài khóa thận trọng.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn “miễn dịch” với các cú sốc bên ngoài, minh chứng là tăng trưởng xuất khẩu (XK) giảm từ 21% xuống còn 8% từ năm 2017 đến năm 2019. Tăng trưởng XK còn giảm rõ rệt hơn nếu nhìn vào các thị trường XK ngoài Mỹ, chỉ tăng được 3,6% trong 11 tháng đầu năm 2019. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm lại 30% so với hai năm trước đó, kể cả sau khi đã tính đến sự tăng trưởng trong đầu tư qua kênh mua bán sáp nhập (M&A).
Tại báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam 2019-2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dù đánh giá cao kết quả năm 2019 (CIEM dự báo GDP dao động quanh ngưỡng 7,2%) song lại đưa ra góc nhìn tương đối thận trọng với tình hình vĩ mô 2020 khi dự báo GDP 2020 chỉ ước đạt 6,72%.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức khi cả động lực, tiềm năng và chất lượng tăng trưởng đều đang có vấn đề, trong khi sự chuẩn bị trong nước dường như chưa tương xứng với tiềm năng của các hiệp định thương mại tự do mới. “Ðộng lực cho tăng trưởng kinh tế vừa qua chủ yếu dựa vào XK, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và khu vực FDI, nhưng tới đây, XK sẽ không còn dễ dàng”, ông Dương nhận định.
Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS Nguyễn Đức Thành phân tích: Ngành sản xuất chủ lực như công nghiệp, chế biến chế tạo có mức tăng trưởng giảm hơn so với năm trước, nên có thể ảnh hưởng tăng trưởng năm sau. “Vì thế chúng ta không thể chủ quan. Các cơ quan quản lý phải theo dõi sát sao về tình hình thị trường, nguồn lực, động lực cùng sự tăng trưởng của các ngành khác để có quyết sách đúng đắn cho kinh tế phát triển”, ông Thành lưu ý.
Không đưa ra con số dự báo tăng trưởng cho năm 2020, nhiều chuyên gia cho rằng có nhiều cách để thúc đẩy tăng trưởng, vấn đề chính không phải là tăng bao nhiêu, mà là tăng trưởng bền vững hay không? “Việc cần thiết lúc này là, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng thiết chế để nền kinh tế ổn định và phát triển lâu dài”, TS Thành bình luận.
Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2020, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ vẫn sẽ là hai khu vực dẫn dắt tăng trưởng chung.
Điều đáng lo là mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét; tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn, đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tính chất gia công còn lớn; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistics còn cao.
Bên cạnh đó, điểm đáng lo ngại trong tăng trưởng dài hạn là giai đoạn vừa qua hầu như không có công trình đầu tư quy mô lớn, tạo nền tảng cho giai đoạn tới. Đây sẽ là những điểm nghẽn cần tiếp tục tháo gỡ trong năm 2020 để làm tiền đề cho giai đoạn 2021 - 2025.