Triệt tiêu cạnh tranh khi xăng dầu “đồng giá”…

(PLVN) - Có lẽ chưa có mặt hàng nào ra thị trường mà “đồng giá” ở tất cả các cửa hàng như xăng dầu ở Việt Nam dù các cửa hàng ấy của rất nhiều đơn vị, từ tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến cả các công ty tư nhân…
Mỗi mặt hàng xăng dầu hiện nay chỉ có duy nhất một giá bán ra
Mỗi mặt hàng xăng dầu hiện nay chỉ có duy nhất một giá bán ra

Thị trường, có cũng như không…

Xăng vừa tăng giá rất cao. Sau đợt xả quỹ bình ổn giá xăng dầu kỷ lục ở kỳ điều hành cuối tháng 3 thì đầu tháng 4, xăng dầu lại lập kỷ lục mới, tăng hơn 1.300 đồng/lít mỗi loại (dù vẫn tiếp tục xả quỹ ở mức cao). Nhưng dẫu xăng dầu tăng giá thì người tiêu dùng vẫn phải sử dụng hàng ngày. Vấn đề là người tiêu dùng không được lựa chọn về mặt giá khi tất cả các cửa hàng ở trên các tỉnh cùng một vùng đều “đồng giá”. Giá bán xăng  dầu được chia làm 2 vùng (vùng 1 và vùng 2).Vùng 2 giá cao hơn vùng 1 do địa bàn xa hơn. 

Giá xăng dầu rõ ràng do Nhà nước điều hành theo chu kỳ thay đổi 15 ngày/lần. Trong tất cả các chu kỳ điều hành, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đều khuyến cáo giá bán “không cao hơn mức...” nhưng tất cả các công ty kinh doanh, cửa hàng xăng dầu đều bán với giá “mức trần” theo khuyến cáo. Tuyệt nhiên không có chuyện thấp hơn, dù chỉ 10 đồng/lít. Nhưng xăng dầu không chỉ “đồng giá” khi Nhà nước điều hành…

Xăng dầu “đồng giá” cả khi Nhà nước không tiến hành điều hành giá. Minh chứng rõ nét nhất chính là 2 tháng đầu năm 2018, khi Chính phủ quyết định dừng bán xăng A92, thay vào đó là xăng E5. Ngay sau khi triển khai quyết định này, trong quyết định điều hành giá của Liên Bộ Công Thương - Tài chính chỉ còn xăng E5. 

Nhưng kỳ lạ là mặt hàng xăng A95, dù không xuất hiện trong văn bản điều hành nhưng giá bán tại tất cả các đầu mối kinh doanh từ tập đoàn, tổng công ty đến các công ty tư nhân có quota nhập khẩu khác đều vẫn… như nhau. Có điều gì đó kỳ lạ ở đây không khi trong mọi trường hợp xăng dầu vẫn… “đồng giá”? 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã từng cho rằng, giá xăng dầu như nhau ở mọi thời điểm thì không có thị trường. Theo ông, có thị trường thì phải có cạnh tranh, cạnh tranh không bằng giá thì cạnh tranh bằng gì? Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Công ty kinh doanh thương mại Ngọc Sơn cũng cho rằng, việc xăng dầu “đồng giá” có thể mang lại thiệt hại cho các công ty sản xuất có nguồn nguyên liệu là xăng dầu lớn, bởi cửa hàng nào cũng giá như nhau thì các công ty không thể có được sự lựa chọn tốt nhất về giá, để có thể giúp giảm giá thành sản xuất.

Một chuyên gia xăng dầu khác lại nhận định, hiện nay, thị trường xăng dầu không cạnh tranh bằng giá bán lẻ mà cạnh tranh giành giật thị phần, thông qua đại lý bán lẻ. Theo dạng cạnh tranh này thì “anh nào” chiếm được nhiều đại lý bán lẻ hơn “anh ấy” thắng. Còn người tiêu dùng chả được lợi ích nào trong việc cạnh tranh trên thị trường xăng dầu. 

Cuộc chiến chiết khấu!

Một đầu mối kinh doanh xăng dầu ở phía Nam cho rằng, hiện nay, thị trường xăng dầu thể hiện qua việc cạnh tranh đại lý bán lẻ. Việc cạnh tranh này thực chất là một cuộc chiến về chiết khấu. Vị này cho biết, nếu không chiết khấu cao, các đại lý bán lẻ không lựa chọn nguồn cung cấp từ đơn vị mình hoặc trong nhiều thời điểm, các đại lý hoàn toàn có thể mua xăng từ nguồn nhập lậu về để bán với giá rẻ hơn.  

Ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) chia sẻ, PV Oil cũng đã từng rất khốn khổ khi không thể cạnh tranh được với các đầu mối nhập khẩu khác trong việc chiết khấu cho các đại lý bán lẻ khi có thời điểm, có đầu mối chiết khấu tới 3.200 đồng/lít. 

Theo quy định của Bộ Công Thương, tất cả các đại lý bán lẻ đều chỉ được mua xăng dầu từ một đầu mối duy nhất và tiến hành đăng ký ngay từ đầu khi tiến hành xin giấy phép mở cửa hàng xăng dầu. Điều này, theo một chủ cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Phú Thọ “là vô lý” vì thể hiện sự độc quyền ở đây bởi các đại lý bán lẻ không được lựa chọn nguồn cung có giá tốt nhất tùy từng thời điểm. 

Ông này cho biết thêm, trước đây, các “ông lớn” xăng dầu cũng cạnh tranh nhau rất quyết liệt trong việc xây dựng hệ thống bán lẻ. Và việc cạnh tranh, giành giật đại lý bán lẻ chỉ thông qua động thái duy nhất là chiết khấu giá bán ra. Trong khi việc chiết khấu giá bán ra lại không cố định, có khi chỉ 200 đồng/lít nhưng cũng có lúc ổn định tầm khoảng hơn 1.000 đồng/lít, thậm chí lên cao hơn nếu xăng dầu thế giới hạ nhiệt. Đây chính là lúc để các đại lý xăng dầu có thể tiến hành lựa chọn đối tượng nguồn cung thì hiện nay, ở Việt Nam lại quy định “chỉ được mua từ một đầu mối”. 

Chính những quy định này đã triệt tiêu sự cạnh tranh trên thị trường xăng dầu, dẫn đến việc xăng dầu “đồng giá”. Dù như theo lý giải của ông Lê Việt Hà, Giám đốc Công ty Giấy Hà Thắng: “Không ai đi thêm mấy km chỉ để đến cây xăng có giá rẻ hơn mà bơm xăng nhưng nếu có sự so sánh về giá thì người dân có thể để ý hơn đến những trạm xăng dầu bán rẻ hơn để lựa chọn. Các công ty sử dụng nhiều xe cũng có thể căn cứ vào đấy để lựa chọn nguồn đầu vào để giảm được chi phí ở mức cao nhất”.  

Rõ ràng, việc tạo ra một thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh thực sự là mong muốn của rất nhiều đối tượng tiêu dùng. Không chỉ thế, khi có sự cạnh tranh này, các đơn vị kinh doanh cũng sẽ có thêm động lực để tiết kiệm các chi phí vận hành, mang lại lợi ích tốt nhất cho chính đơn vị của mình cũng như mang đến giá tốt nhất cho người tiêu dùng, để thị trường xăng dầu không còn chuyện “đồng giá”.

Đọc thêm