Trò chuyện với người khai sinh "con đường gốm sứ"

 “Rất đẹp, yêu quá con đê ơi!” - đó là cảm xúc trào dâng của mỗi người dân khi đi qua Con đường Gốm sứ lộng lẫy với các họa tiết, hoa văn, khắc họa dấu ấn về văn hoá Việt Nam, về những di sản văn hoá thế giới của Việt Nam.

“Rất đẹp, yêu quá con đê ơi!” - đó là cảm xúc trào dâng của mỗi người dân khi đi qua Con đường Gốm sứ lộng lẫy với các họa tiết, hoa văn, khắc họa dấu ấn về văn hoá Việt Nam, về những di sản văn hoá thế giới của Việt Nam.

Một đoạn Con đường Gốm Sứ
Một đoạn Con đường Gốm Sứ

Người thổi hồn vào đê, khoác cho đê sông Hồng một tấm áo mới tươi sáng, quyến rũ thay thế vẻ già nua, khắc khổ, xám xịt do bị thời gian bào mòn đó là nữ nhà báo Nguyễn Thị Thu Thủy, phóng viên Báo Hà Nội Mới. Việc lựa chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu Hà Nội rất riêng đã khiến chị trở thành công dân ưu tú của mảnh đất ngàn năm tuổi. Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với tác giả Dự án Con đường Gốm sứ này.

Từ nguồn cảm hứng nào mà chị nảy sinh ý tưởng khoác tấm áo gốm cho dải đê này?

Nhà báo Thu Thủy
Nhà báo Thu Thủy

Dải đê sông Hồng chạy qua nội thành Hà Nội đã được bê tông hóa, có chức năng bảo vệ Thủ đô trước hiểm họa lũ lụt. Trong ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp, hình ảnh con đê Hà Nội hiện lên thật thân thương và thanh bình: “Nhớ những con đê thành lối xe, bước chân năm tháng đi về”.

Con đê gắn bó với Thủ đô, chứng kiến những thời khắc bi tráng và hào hùng. Con đê đi vào thơ, vào nhạc, vào những tác phẩm hội họa, vào nỗi nhớ niềm thương của người Hà Nội. Dẫu thế, hình ảnh thường ngày của con đê không khỏi có những chỗ làm buồn lòng những người yêu quý Thủ đô vì chưa thực sự đẹp đẽ, văn minh. Điều này khiến tôi day dứt rất nhiều.

Và cơ duyên đã tới khi tôi được chứng kiến cuộc khai quật khảo cổ tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào cuối năm 2003. Ngày đó, những đầu phượng, đầu rồng lớn bằng đất nung, những lá đề và đầu ngói ống trang trí kiến trúc, viên gạch trang trí hoa cúc dây thời Lý, thạp gốm lớn hoa nâu thời Trần, bình gốm men lam và men trắng rạn thời Lê... đã khiến tôi xúc động mạnh và nghĩ về một dòng chảy lịch sử xuyên suốt được lưu giữ trên chất liệu gốm, được cất giữ ngay giữa trái tim Thủ đô.

Hàng ngày, đi từ nhà ở Nghi Tàm tới cơ quan, nhìn những bức tường bê tông dọc đê sông Hồng, ý tưởng về một con đường được trang trí những bức tranh tường bằng gốm trong tôi bỗng nảy sinh. Một ước mơ rằng Hà Nội có “Con đường Gốm sứ” tái hiện dòng chảy lịch sử Việt Nam từ Phùng Nguyên - Đông Sơn đến thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn đã ngự trị trong tôi từ đó.

Để biến giấc mơ tuyệt đẹp ấy trở thành hiện thực, chị đã phải vượt qua những khó khăn nào?

- Quả là từ giấc mơ tới hiện thực là con đường rất chông gai. Việc thực hiện Con đường Gốm sứ đã phải đối mặt với chồng chất các khó khăn: Vấn đề tài chính, thời tiết khắc nghiệt, lưu lượng giao thông dày đặc, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người dân,... và đặc biệt là vấn đề quan điểm của mọi người về nghệ thuật công cộng cũng như việc thực hiện xã hội hóa nó như thế nào để đáp ứng hài hòa các quyền lợi. Không để dự án dở dang, tôi và các đồng nghiệp đã “tự bơi” bằng cách tìm nguồn trang trải chi phí cho dự án từ các nguồn xã hội và rất may mắn chúng tôi nhận được sự ủng hộ một phần từ chính quyền thành phố.

Con đường Gốm sứ vẫn được tiếp tục với những thể nghiệm mới thưa chị?

- Đúng vậy, tôi đang có một thể nghiệm mới khá thành công là in những bức ảnh Hà Nội cổ trên những cột gốm lớn đường kính 60cm, cao 180cm. Qua chế độ nung nặng lửa (trên 1.200 độ C), những bức ảnh này sẽ trở nên vĩnh cửu, chịu được mưa nắng ngoài trời. Tới đây, sẽ có một đoạn trên Con đường Gốm sứ lưu giữ những bức ảnh lịch sử của Hà Nội qua các thời kỳ: Hà Nội cổ cuối thế kỷ 18 đầu 19; Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp; Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ; Hà Nội trong công cuộc đổi mới và hiện đại hóa...

Xin cảm ơn chị, chúc chị có nhiều ý tưởng mới để Hà Nội lung linh và đẹp hơn nữa!

Vài nét về Con đường Gốm sứ


Bức tranh gốm tạo nên Con đường Gốm sứ có 21 trường đoạn chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp theo các chủ đề: Tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các hoạ tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn; tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - Thành phố vì hoà bình; tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế...

Con đường Gốm sứ đã thu hút 20 họa sĩ trong nước, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước trên thế giới, 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ nhiều địa danh và làng gốm truyền thống...

Ngày 5/10 tới đây, đại diện Kỷ lục Guinness Thế giới sẽ có mặt tại buổi lễ khánh thành Con đường Gốm sứ và trao bằng chứng nhận Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới cho Con đường Gốm sứ Việt Nam (dài gần 3.950m, diện tích khoảng 7.000m2). Trước đó, bức tranh gốm sứ ở Trung Quốc giữ kỷ lục chỉ có độ dài 200m, cao 7,47m.

Thùy Dương (thực hiện)

Đọc thêm