Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Rõ hơn trách nhiệm của người có thẩm quyền

(PLO) - Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) gặp gỡ, tiếp xúc và xác nhận về thời gian người thực hiện TGPL, đó là điểm đáng chú ý của dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Một phiên tòa xét xử lưu động.Ảnh minh họa.
Một phiên tòa xét xử lưu động.Ảnh minh họa.

Tạo thuận lợi cho người được TGPL

Ngày 04/7/2013, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng.

Theo Bộ Tư pháp, qua 04 năm thực hiện, Thông tư liên tịch số 11 đã góp phần củng cố cơ sở pháp lý về thực hiện TGPL, đặc biệt là công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Các Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp và phối hợp lắp đặt 4.000 Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận với dịch vụ TGPL; cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên thực hiện 45.567 vụ việc tố tụng, trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 29.543 vụ việc (chiếm 65% tổng số vụ việc tham gia tố tụng, tăng 50% so với giai đoạn trước khi thực hiện Thông tư liên tịch số 11).

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã cấp gần 46.000 lượt giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên. Người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc bị can, bị cáo, người tạm giam, tạm giữ. Chất lượng hoạt động TGPL trong tố tụng ngày càng được nâng cao, nhiều bản án được tuyên theo hướng chuyển đổi tội danh, thay đổi hình phạt ở mức nhẹ hơn hoặc bị cáo được tuyên vô tội.

Cấp giấy đăng ký tham gia tố tụng đối với hình sự là 24 giờ

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho biết, quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 11 cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc như chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng và Tổ giúp việc cho Hội đồng, dẫn đến các ngành chưa chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ theo Thông tư liên tịch số 11; quy định nhiệm vụ của các ngành thành viên, cơ quan lập dự toán kinh phí của Hội đồng địa phương trong ngành Tư pháp chưa rõ ràng nên các ngành thành viên khó lập dự toán kinh phí cho các hoạt động phối hợp; chưa quy định những nội dung cần thiết phục vụ công tác quản lý nhà nước về TGPL… Trong khi đó, sự thay đổi thể chế pháp luật về tố tụng, TGPL cùng với những hạn chế, vướng mắc nêu trên đòi hỏi việc ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11 là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. 

Về trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, dự thảo cơ bản kế thừa Điều 9 Thông tư liên tịch số 11, tuy nhiên có bổ sung trách nhiệm của người có thẩm quyền của cơ quan thi hành tạm giam, tạm giữ như Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng, người làm nhiệm vụ quản giáo, Đồn trưởng đồn biên phòng nơi có buồng tạm giữ của đồn biên phòng, Trưởng buồng tạm giữ của đồn biên phòng trong việc giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam; tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL gặp gỡ, tiếp xúc và xác nhận về thời gian người thực hiện TGPL cho phù hợp với Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.

Việc đăng ký tham gia tố tụng được sửa đổi nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của các Bộ luật và Luật Tố tụng theo hướng: tách riêng thủ tục đăng ký tham gia tố tụng trong lĩnh vực hình sự với tố tụng dân sự và hành chính. Trong tố tụng hình sự, người đến đăng ký ngoài việc xuất trình bản văn bản cử người tham gia tố tụng, Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư còn phải nộp bản sao chứng thực Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư; thời hạn cấp giấy đăng ký tham gia tố tụng đối với hình sự là 24 giờ, dân sự và hành chính là 03 ngày làm việc; trường hợp không trực tiếp xuất trình các giấy tờ khi làm thủ tục đăng ký thì gửi các giấy tờ nêu trên dưới hình thức bản sao chứng thực.

Việc từ chối việc đăng ký tham gia tố tụng cũng được sửa theo hướng quy định trường hợp từ chối việc đăng ký tham gia tố tụng trong lĩnh vực tố tụng hình sự được thực hiện sau 24 giờ kể từ khi nhận được văn bản cử; từ chối việc đăng ký tham gia tố tụng trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản cử.

Đọc thêm