Trong khuôn khổ hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam – Châu Âu (EVBC), hôm qua, 27/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội doanh nghiệp (DN) Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hành trình 01 năm Hiệp định EVFTA – Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo”.
“Trái ngọt” sau 1 năm thực thi
Với các cam kết có mức độ tự do hóa sâu rộng, các tiêu chuẩn cao về quy tắc, thể chế và với phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, EVFTA được đánh giá là bản thân nó đã mang theo rất nhiều kỳ vọng của DN về quan hệ thương mại – đầu tư giữa Việt Nam (VN) và Liên minh Châu Âu (EU) nói chung cũng như cơ hội cho từng DN nói riêng.
“Một Hiệp định như vậy có hiệu lực vào một thời điểm đặc biệt, khi kinh tế hai bên và cả thế giới đang phải vật lộn để vượt qua những khó khăn từ đại dịch thế kỷ Covid-19, EVFTA lại gánh thêm những kỳ vọng khác nữa, như là một trong những động lực và cách thức quan trọng để các DN và nền kinh tế hai bên, mà đặc biệt là VN, cầm cự qua dịch bệnh cũng như lấy lại đà tăng trưởng sau đó…” - Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc đánh giá.
Nếu như 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu (XK) của VN sang EU tụt dốc liên tục với mức giảm tổng cộng là -5.9% so với cùng kỳ 2019, cùng mức sụt giảm nhu cầu ở EU trong các giai đoạn đóng cửa kinh tế do dịch bệnh.
Tình thế hoàn toàn thay đổi trong 5 tháng cuối năm 2020, dưới tác động của EVFTA (có hiệu lực từ 1/8/2020), trong khi tổng nhập khẩu (NK) của EU từ thế giới vẫn sụt giảm tới 20%, NK từ VN sang thị trường này lại tăng 3.8%. Nửa đầu năm 2021, XK từ VN sang EU vẫn tăng liên tục và ổn định, ở mức 18.3% so với cùng kỳ, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản.
Ở chiều ngược lại, nếu như năm 2020, NK từ EU của VN tăng 4.3% (cao hơn mức 3.7% tăng trưởng NK từ tất cả các nguồn) thì 6 tháng đầu năm 2021, con số này là 19.8%.
Tỷ lệ kim ngạch XK sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của VN cũng đạt được mức cao nhất so với năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác. Nếu như 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ này là 14.8% (quan sát của VCCI cho thấy tỷ lệ này gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng ATIGA, gấp 7 lần AIFTA, gấp 2 lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của CPTPP trong năm đầu) thì nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên tới mức 29%.
Về đầu tư, tính đến tháng 6/2021, EU có 2.221 dự án (tăng 142 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại VN với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD (tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020).
Theo Chủ tịch VCCI, đây là “những thành công bước đầu hết sức khả quan và tích cực” trong thực thi EVFTA…
Tận dụng cơ hội từ EVFTA
Dưới tác động của dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, các DN ở nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt “đầu tàu” ở phía Nam đã và đang phải đối mặt với những tác động và thiệt hại nghiêm trọng, từ việc thiếu hụt nguồn đầu vào đến việc không thể giải phóng nguồn đầu ra do ách tắc trong khâu vận chuyển liên tỉnh, DN phải dừng sản xuất, không đáp ứng được đơn hàng, người lao động rời tâm dịch về quê…
“Để xử lý tất cả những nguy cơ cả hiện hữu và trong tương lai này thì cần rất nhiều giải pháp, từ cả chính sách của Nhà nước và chiến lược riêng của DN. Trong các giải pháp đó, EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho DN trong các nỗ lực vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới nếu chúng ta khai thác hiệu quả các khía cạnh thích hợp…”- TS Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Ông Lộc phân tích thêm, lợi thế về thuế quan trong EVFTA có thể là một lực hấp dẫn quan trọng để thu hút các khách hàng EU quay trở lại với VN sau thời gian đỉnh dịch. EVFTA cho Việt Nam lợi thế cực kỳ đáng kể trong cạnh tranh với các đối thủ khác ở thị trường EU. Hiện tại, ngoài VN, EU mới chỉ có FTA với 3 nền kinh tế ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, trong đó không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp nào với VN.
Và nếu XK sang EU qua EVFTA có thể giữ được nhờ lợi thế giá, đặc biệt trong lĩnh vực nông, thủy sản, tiềm năng lợi nhuận từ hoạt động XK sẽ là động lực để DN tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất sau dịch, thu hút người lao động trở lại cũng như thúc đẩy khôi phục nguồn nguyên liệu…
Tương tự, các lợi thế từ thuế quan trong NK máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU theo EVFTA cũng có thể giúp DN tiết kiệm được chi phí, đồng thời tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả cạnh tranh khi một lần nữa trở lại đường đua.
“Trong quá trình khai thác tối đa lợi thế EVFTA để khôi phục sản xuất kinh doanh, tôi tin rằng sự hợp tác giữa các DN VN và FDI đến từ EU sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Cùng nhau vượt qua khó khăn chắc chắn sẽ hiệu quả hơn đi một mình. Cùng nhau hiện thực hóa các cơ hội từ EVFTA sẽ mang lại lợi ích hài hòa, bao trùm và bền vững cho cả hai. Và đó cũng là lý do mà VCCI và Eurocham đã thành lập EVBC – Một nền tảng và cơ chế hợp tác quan trọng để chúng ta nắm tay nhau vượt qua khó khăn, cùng thắng vì lợi ích của cả 2 bên...”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"