Tự nhận sử dụng vốn hiệu quả chưa cao nhưng Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) vẫn kiến nghị Nhà nước “bơm” thêm hàng nghìn tỷ đồng…
Các kiến nghị của Vinacafe lên “trên” gồm: cho vay 1.969 tỷ đồng để thực hiện chương trình tái canh 11.000 ha cà phê; phê duyệt chương trình cải tạo, nâng cấp cấp bách 28 công trình thuỷ lợi với ngồn vốn 240 tỷ đồng; cấp bổ sung vốn điều lệ, hoặc cơ chế tạo vốn lưu động khoảng 1.000 tỷ đồng.
Chưa hết, tổng công ty này còn đề nghị xem xét xoá khoản nợ ODA (61 tỷ đồng), xử lý nợ AFD (211 tỷ đồng); đồng thời có cơ chế cho công ty mẹ - Vinacafe vay vốn để thu mua, tạm trữ phục vụ xuất khẩu 100.000 ngàn tấn/năm, tương đương 4.500 tỷ đồng…
Thông tin đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác sản xuất kinh doanh năm 2013 cho thấy, tổng công ty này còn lỗ luỹ kế 382,5 tỷ đồng.
Năm 2012, ngành cà phê cả nước xuất khẩu đạt 1,76 triệu tấn, trị giá đạt 3,74 tỉ USD, tăng gần 40 % về lượng và 36 % về trị giá so với năm trước. Tuy nhiên, đóng góp của Vinacafe vào con số kỷ lục này quá là khiêm tốn. Khối lượng xuất khẩu của tổng công ty chưa đầy 10.000 tấn, bằng 49% kế hoạch; kim ngạch được 20 triệu USD, bằng 43% kế hoạch. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp chưa được 1 phần trăm trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, nếu không muốn nói là mới được già nửa phần trăm.
Vinacafe dẫn ra nhiều nguyên nhân dẫn tới giảm sút nêu trên. Rằng là vì việc xuất nhập khẩu hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, lãi suất cao, thời hạn ngắn, tạo nên áp lực tài chính, nên rủi ro cao thị trường cà phê, thị trường tín dụng có biến động. Rồi thì, tổng công ty đã tích cực xử lý tồn tại tài chính nhưng chưa dứt điểm, nên chưa khai thông được ngồn vốn tín dụng tại các ngân hàng phục vụ cho nhu cầu kinh doanh, xuất khẩu cà phê; một số đơn vị kinh doanh xuất khẩu thua lỗ kéo dài, không vay được vốn. Rồi thì do đầu tư xây dựng cơ bản lớn, vốn vay đầu tư lãi cao, nên giá thành chế biến cao, chi phí lớn không hiệu quả…. vv và vv.
Nói chung nhiều nguyên nhân, nhưng chốt lại, tổng công ty này cũng đã thẳng thắn thừa nhận, trình độ nghiệp vụ kinh doanh chưa xứng tầm, chưa đáp ứng trình độ hội nhập thị trường quốc tế, cơ chế quản lý điều hành còn yếu kém, chưa được sức mạnh chung. Đặc biệt, Vinacafe đã nhìn thẳng vào sự thật: tổng công ty sử dụng vốn hiệu quả chưa cao.
Nghịch lý ở đây là, sử dụng vốn hiệu quả chưa cao, nhưng Vinacafe vẫn lại muốn được Nhà nước bơm thêm vốn “khủng”, đóng góp được chưa đầy 1% kim ngạch xuất khẩu cà phê, không đáp ứng vai trò chủ đạo nhưng vẫn muốn xài tiền Ngân sách.
Tuấn Ngọc