Ấm tình người trinh sát “cắm bản”

(PLO) - Những chiến sĩ Đội An ninh dân tộc, Phòng Bảo vệ chính trị (PA88 – Công an tỉnh Bắc Giang) đã không ngại khó khăn vất vả, thường xuyên "cắm bản" góp phần bảo đảm an ninh vùng đồng bào dân tộc và được bà con tin yêu. 

lLực lượng “cắm bản” trao đổi với cán bộ thôn, xã về tình hình địa bàn.
lLực lượng “cắm bản” trao đổi với cán bộ thôn, xã về tình hình địa bàn.
Người thân của bản
Vượt qua những con đèo khúc khuỷu, cua tay áo trong cơn mưa nặng hạt, chúng tôi cùng các cán bộ Phòng PA88 về thôn Niêng, xã Phong Vân (Lục Ngạn, Bắc Giang). Có lúc chiếc xe của Trung úy Phạm Văn Hạnh, cán bộ Đội An ninh dân tộc quay ngang đường, không thể di chuyển vì đường trơn.
Phải mất gần một giờ đồng hồ leo dốc, vượt đèo chúng tôi mới đến được nhà ông Hoàng Văn Bồ, người dân tộc Nùng, một trong những hộ di dân từ thôn Đèo Chũ về thôn Niêng. Vừa dừng xe, vợ ông Bồ đã chạy ra thân mật hỏi han các chiến sĩ công an như đón người thân trong gia đình: “Các chú đi đường có vất vả lắm không? Mưa bão thế này vào nhà nhanh kẻo ốm”, rồi bà đưa chiếc khăn khô cho chúng tôi lau mặt, ân tình như với người thân trong nhà.
Đi về các thôn, bản vất vả là vậy mà trung bình mỗi tháng, thời gian những trinh sát của Đội “cắm bản” thường chiếm quá nửa. Vào thời điểm xảy ra sự vụ thì có khi cả tháng các anh mới về nhà một lần. Qua câu chuyện của Trung úy Hạnh, tôi được biết trước đây khi mới về nắm địa bàn, do chưa hiểu phong tục, chưa tạo dựng được niềm tin với đồng bào nên nhiều khi các chiến sĩ bị người dân khước từ, không hợp tác. Tuy nhiên, những người “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với đồng bào dân tộc luôn nỗ lực hết sức giúp bà con hiểu biết pháp luật, xây dựng cuộc sống. Họ đã được đồng bào các dân tộc đón nhận và coi như người thân.
Đại úy Nguyễn Quang Bình, Phó Đội trưởng Đội An ninh dân tộc tâm sự: “Để tuyên truyền, vận động dân bản thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngoài kiên trì thì sự chân thành là yếu tố then chốt giúp chúng tôi giành được tình cảm, sự tin tưởng của bà con. Các trinh sát thường xuyên có mặt tại cơ sở, nắm rõ phong tục, tập quán và chia sẻ khó khăn, vất vả với người dân. Nhờ đó, lực lượng công an đã phát hiện sớm nhiều vụ việc tiềm ẩn yếu tố phức tạp, kịp thời ngăn chặn kẻ xấu tuyên truyền chống phá Nhà nước”. 
Ông Vi Văn Sút (thôn Niêng) kể lại: “Trước đây vì chưa hiểu rõ chính sách của Nhà nước nên gia đình tôi và 47 hộ tại thôn Đèo Chũ (xã Phong Vân), khu vực thuộc Trường bắn Quốc gia TB1 không chịu di rời khỏi nơi ở cũ. Sau nhiều lần các đồng chí cán bộ công an đến tuyên truyền, giải thích, chúng tôi đã hiểu ra vấn đề. Đầu năm 2014, tất cả các hộ đều đồng thuận chuyển về nơi ở mới”. Giờ đây, với sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ dân thôn Đèo Chũ năm xưa đang chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp trên quê mới. 
Nghe câu chuyện giữa các trinh sát và bà con nơi đây, tôi nhận thấy có sự gắn bó, yêu thương. Với họ, các anh không chỉ là những cán bộ công an mà còn là người thân chia ngọt sẻ bùi. Với tất cả tình cảm và trách nhiệm, những chiến sĩ công an đang từng ngày, từng giờ mang đến cuộc sống bình yên cho đồng bào các dân tộc thiểu số. 
Lội suối, vượt đèo đưa pháp luật đến bản làng.
Lội suối, vượt đèo đưa pháp luật đến bản làng. 
Đưa pháp luật đến bản làng
Chia tay bà con thôn Niêng, chúng tôi bắt đầu hành trình về với đồng bào người Dao ở thôn Khe Ang, xã Vân Sơn (Sơn Động). Mưa mỗi lúc một nặng hạt, con dốc dựng đứng nên không thể di chuyển bằng xe máy. Trên vai mang ba lô nặng trĩu, các trinh sát vững bước vượt qua đỉnh đèo lầy lội. Đến nhà một người dân ở thôn Khe Ang khi trời vừa chập tối, chúng tôi xin nghỉ lại qua đêm. Trong bộ trang phục dân tộc Dao, người phụ nữ trung tuổi với nụ cười hiền chuẩn bị đồ đạc và chỗ nghỉ cho khách. 
Khe Ang có 18 hộ, dân cư thưa thớt, đường từ nhà nọ đến nhà kia thường xuyên qua các cánh rừng. Hầu hết mọi người đi bộ, vừa lên rừng kiếm măng, kiếm củi, vừa tránh trường hợp sạt lở núi không thể dong xe qua được. Đêm trên núi lành lạnh, tiếng côn trùng kêu rả rích. Trong mái nhà đơn sơ, những câu chuyện rôm rả giữa đồng bào dân tộc với các đồng chí công an dường như không có hồi kết. 
Trưởng thôn Đặng Văn Đức vui vẻ nói: “Vừa mới về mà đã lên rồi à cán bộ, có chính sách gì mới phổ biến với bà con không? Lần này cán bộ ở đây bao lâu?”. “Trưởng thôn yên tâm, chúng tôi còn ở đây dài dài để cùng bà con nghiên cứu pháp luật nữa chứ” – Đại úy Bình đáp lời. 
Theo bước tuần tra mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cán bộ phụ trách an ninh vùng đồng bào dân tộc, vùng cao. Để nâng cao nhận thức pháp luật của bà con, trong những câu chuyện trên nương rẫy, khi lợp mái nhà hay bên mâm cơm đạm bạc đều được các trinh sát lồng ghép nội dung tuyên truyền. Với đặc thù công việc, người cán bộ phải hi sinh nhiều điều trong cuộc sống riêng tư nếu không tâm huyết, trách nhiệm với ngành thì khó có thể thực hiện được nhiệm vụ. Bởi thời gian giải quyết những vụ việc về an ninh chính trị, an ninh dân tộc luôn dài, ít thì cũng phải vài tháng, có những chuyên án kéo dài hàng chục năm, qua mấy đời trinh sát mới kết thúc. 
Huyện Sơn Động có nhiều dân tộc cùng sinh sống, toàn huyện có 6 hộ với 27 khẩu theo đạo Thiên Chúa tập trung ở thị trấn An Châu, xã An Bá, Tuấn Đạo. Qua công tác nắm tình hình và tin báo của quần chúng nhân dân, tháng 3/2014 lực lượng trinh sát phát hiện một số đối tượng ở tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên đến địa bàn các xã Quế Sơn, Cẩm Đàn, Giáo Liêm truyền đạo trái phép. Các tổ chức này thường lén lút vào trong các thôn bản tuyên truyền tôn giáo trái phép.
Để xử lý tốt tình hình, Phòng PA88 Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công an huyện Sơn Động và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nơi người dân bị ảnh hưởng để tuyên truyền, vận động. Ban đầu khi mới tuyên truyền, nhiều người bỏ. Không quản khó khăn, các trinh sát, cán bộ công an đã vượt đèo, lội suối để vận động bà con, không chỉ một vài lần mà có khi là  hàng chục lần. Sau gần ba tháng “cắm bản” đưa luật vào dân, đồng bào đã nhận ra hành vi vi phạm của kẻ xấu, từ bỏ theo đạo Tin Lành, tập trung phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đối với các tổ chức, cá nhân có biểu hiện hoạt động truyền đạo không đúng quy định của Nhà nước, lực lượng chức năng đã gọi hỏi, răn đe kẻ cầm đầu.
Với sự gắn bó cùng người dân, lực lượng công an đã làm tốt công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc, góp phần ổn định an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc. Đội ngũ này đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; vận động đồng bào các khu vực chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Một số người có uy tín đã cùng lực lượng công an tham gia và giải quyết được những mâu thuẫn, bất đồng xảy ra trong thôn, bản… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn./.

Đọc thêm