Bài học Thủ Thiêm

(PLO) - Những ngày qua “câu chuyện Thủ Thiêm” không chỉ nóng trong phòng tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) mà đã lan tỏa gây “ngột thở” xã hội. 
Một góc Khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Zing.
Một góc Khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Zing.

Chiều 9/5, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận 2, với sự có mặt của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP. Buổi làm việc diễn ra từ 14h đến hơn 20h30. Hơn 6 tiếng đồng hồ đối thoại được coi là buổi tiếp xúc cử tri kéo dài kỷ lục ở TP HCM.

Hơn 50 ý kiến cử tri, thành 4 nhóm vấn đề đã được những người đại biểu của dân ghi nhận.

Thứ nhất, các cử tri nêu cơ sở pháp lý nào mà TP tổ chức thu hồi đất của người dân để hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay.

Thứ hai, người dân quan tâm chính sách, cơ sở để tiến hành kiểm đếm, lập hồ sơ bồi thường cho người dân. Cử tri cho rằng, điều này chưa đúng quy định pháp luật và chưa chính xác hiện trạng nhà đất của cử tri, hoặc lập hồ sơ thiếu.

Thứ ba, người dân muốn tổ ĐBQH báo cáo Thường vụ, Quốc hội, thanh tra toàn bộ Khu đô thị Thủ Thiêm, bởi cử tri cho rằng, quá trình triển khai thực hiện Thủ Thiêm không đúng quy định của pháp luật.

Thứ tư, cử tri mong muốn lãnh đạo TP, tổ ĐBQH bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, thực thi nghiêm minh pháp luật, cái gì đúng, dân đồng tình, cái gì sai thì phải sửa.

Như vậy là người dân rất muốn được “Sống và làm việc theo pháp luật” như nỗ lực tuyên truyền và tiêu chí phấn đấu để một xã hội có văn hóa luật pháp. Phải hoan nghênh họ.

“Câu chuyện Thủ Thiêm” đã đến lúc không thể không giải quyết.

Bài học Thủ Thiêm là gì? 

Thứ nhất, để người dân tin vào chủ trương, chính sách, tin vào lãnh đạo, đồng thuận và ủng hộ trước hết bản thân lãnh đạo chính quyền địa phương phải làm đúng luật pháp. Không thể “dấm dúi”, “qua mặt” dân. Tất nhiên, với những khu “đất vàng”, đất kim cương giá trị sinh lời đến mức siêu lợi nhuận “nhóm lợi ích” khoác áo các nhà đầu tư, đại gia bất động sản thò “bàn tay” của họ vào rất nhanh. Không thể vì thế mà làm “biến dạng quy hoạch”, coi thường lợi ích của nhân dân nơi có quy hoạch.

Thứ hai, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn...”. Thử hỏi lãnh đạo chính quyền địa phương đã thực hiện thế nào di huấn này?

Thứ ba, Luật Đất đai đã nhiều lần được sửa đổi cho phù hợp thực tế, thế nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Cần làm rõ nội hàm về quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước; công khai, minh bạch, mở rộng quyền tiếp cận thông tin... của dân. Các quan hệ đất đai phải được vận hành theo các nguyên tắc, quy luật của thị trường, đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, “chặt đứt” các “vòi bạch tuộc” đã và đang thao túng, gây bất ổn xã hội. 

Đọc thêm