“Bám” thực tế để tránh thoát nghèo “trên giấy”

(PLO) - Thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia  giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình này giai đoạn 2016-2020 vào chiều qua (4/11), nhiều đại biểu đề nghị không hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để tránh việc ỷ lại, trông chờ chính sách.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm: "Các chương trình còn nặng cấp phát, chủ yếu cho cá, không cho cần câu khiến người dân ỷ lại"
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm: "Các chương trình còn nặng cấp phát, chủ yếu cho cá, không cho cần câu khiến người dân ỷ lại"
“Dàn mỏng” chính sách nên tái nghèo nhanh
Tình trạng người dân được thụ hưởng các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình) có tư tưởng  “không muốn ra khỏi diện nghèo” cho thấy chính sách chưa phù hợp khiến người dân ỷ lại. Trong khi đó, các quy định để thực hiện các chính sách lại phân tán, không được lồng ghép nên nguồn lực bị dàn trải, không đủ để đem lại hiệu quả mong muốn… 
Dẫn riêng chính sách giảm nghèo, đại biểu Quốc hội (ĐB) Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chỉ ra có đến 181 chính sách giảm nghèo nhưng hiệu quả thấp, tình trạng tái nghèo nhanh do thoát nghèo chưa bền vững. ĐB này cho rằng, một  phần do địa phương “chạy theo thành tích” nên ứng vốn trước rồi huy động quá sức dân. 
Không những thế, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) chỉ rõ, các Chương trình được thực hiện “còn nặng về cấp phát, chủ yếu là “cho cá chứ không cho cần câu” khiến người dân ỷ lại, không có ý chí vươn lên”. 
Những thực tế này được các ĐB phản ánh như nguyên nhân khiến dù nhiều Chương trình nhưng đời sống của người dân thuộc diện thụ hưởng không có khởi sắc bền vững. Nhìn nhận đánh giá qua 5 năm triển khai, theo ĐB Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) việc rà soát bố trí lại các Chương trình là cần thiết để khắc phục tình trạng nhiều Chương trình  phân bổ vốn còn thấp và chưa hợp lý, chủ yếu là ngân sách trung ương; nhiều chương trình có nhiều bộ, ngành cùng tham gia nên  trùng lắp về mục tiêu, nhiệm vụ.
“Ai cũng muốn nhận nghèo để được hỗ trợ” 
Đây không phải trường hợp hiếm hoi trong thực tiễn thực hiện các Chương trình, nhất là về giảm nghèo, xuất phát từ cách hỗ trợ chưa phù hợp. Do đó, trong thời gian tới, các ĐB kiến nghị Chính phủ “thiết kế chính sách gắn với trách nhiệm, tránh ỷ lại, đột phá lớn hơn về cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư huy động nguồn lực xã hội”.
Đặc biệt, theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), trong đầu tư cho người nghèo  cần nghiên cứu xem nhu cầu của họ là gì, không thể cứ “cấp gì nuôi đấy” là có thể giảm nghèo. Còn ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề nghị giảm nghèo nên có cách phân loại hộ nghèo chuẩn xác thì đề ra chính sách mới sát hơn và “nên giảm hỗ trợ mà tăng vốn vay để người nghèo vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập”. 
Các ĐB cũng lưu ý, trong các Chương trình cần rà soát danh mục và dự án thành phần, tiêu chí thành phần, ưu tiên công trình cấp thiết liên quan đến điện, đường, trường, trạm, tránh đầu tư dàn trải phân tán không hiệu quả. “Giảm nghèo tập trung vào vùng sâu, vùng xa, còn nông thôn mới phải tập trung cho xã khá chứ đi vào xã kém là khó vì nơi này cần nguồn lực rất lớn” - ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đưa ra giải pháp.
Dẫu đồng tình với việc giai đoạn 2016-2020 để lại 2 Chương trình là Chương trình về xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững song nhiều ĐBQH đề nghị cần xác định lại mục tiêu để đảm bảo tính khả thi, nhất là khi đầu tư công đang thu hẹp do ngân sách khó khăn nhưng các mục tiêu đề ra “quá lớn”.
Để thực hiện được các Chương trình, “cần phát huy sức mạnh trong dân, nghiên cứu phân loại có tiêu chí riêng, xét hộ nghèo phải dựa vào dân chứ không được thay đổi luân phiên. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững” - ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) kiến nghị. 

Đọc thêm