Bộ trưởng Ngoại giao nói về chiến lược bảo vệ chủ quyền

(PLO) - Hôm nay (22/8), Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII” sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G7 2016.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G7 2016.

Chia sẻ với báo chí, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Hội nghị sẽ là bước đổi mới tư duy một cách toàn diện trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là tư duy về ngoại giao phục vụ phát triển.

Đổi mới toàn diện tư duy về đối ngoại

Xin Phó Thủ tướng cho biết Hội nghị Ngoại giao 29 lần này có điểm gì mới?  

- Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 sẽ đánh giá lại những kết quả đạt được của công tác đối ngoại 5 năm qua, xác định kinh nghiệm để phát huy các kết quả đó và đề ra biện pháp để thực hiện cho được những gì chưa đạt được. Hội nghị Ngoại giao cũng sẽ phải bàn những biện pháp hết sức cụ thể để ngành Ngoại giao có thể đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước, không chỉ là những biện pháp trước đây đã từng làm như tham mưu cho Chính phủ về tình hình bên ngoài để đóng góp vào việc xây dựng hoàn thiện thể chế trong nước.

Hội nghị sẽ bàn các biện pháp để tạo thuận lợi cho các ngành nghề, doanh nghiệp, người dân tiếp cận thị trường bên ngoài. Chúng ta đã nêu thông điệp về Chính phủ kiến tạo, vậy thì ngoại giao kiến tạo là gì? Đó là phải hỗ trợ được cho người dân. Hiện chúng ta hội nhập quốc tế rất sâu rộng thì phải kiến tạo, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, người dân mở rộng thị trường, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, đồng thời giới thiệu về các lĩnh vực mà chúng ta muốn mở rộng đầu tư, trong đó chú trọng các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao.

Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về những kết quả của công tác đối ngoại và tiến trình hội nhập quốc tế trong thời gian qua và xin ông cho biết phương hướng thời gian tới để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng? 

- Các thành tựu đối ngoại của nước ta trong thời gian qua đã được tổng kết tại Đại hội Đảng XII. Thứ nhất, chúng ta đã giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, đưa các mối quan hệ đối ngoại quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Thứ hai, công tác đối ngoại đã đóng góp tích cực và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thứ ba, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Thứ tư, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Thứ năm, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được chú trọng và triển khai tích cực, qua đó xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ kiều bào ổn định địa vị pháp lý, củng cố đại đoàn kết dân tộc, khơi thêm nguồn lực cho đất nước.

Về phương hướng công tác đối ngoại trong thời gian tới, chúng ta về cơ bản tập trung thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XII, với mục tiêu là: “Vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”; phương châm là: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân”. 

Bảo vệ chủ quyền là do chính chúng ta

Thời gian qua xuất hiện một số ý kiến cho rằng Việt Nam có thể bị cuốn vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong khu vực. Ở trong nước, một bộ phận quần chúng nhân dân có tâm lý “bài Trung Quốc”, ủng hộ Mỹ, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Xin cho biết quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này?

- Lịch sử chứng minh cạnh tranh giữa các nước lớn luôn diễn ra vì nó xuất phát từ lợi ích chiến lược, lợi ích kinh tế và các lợi ích khác. Xử lý không tốt sự cạnh tranh giữa các nước lớn có thể dẫn đến đối đầu, chiến tranh. Việt Nam đã rút ra được những bài học kinh nghiệm về vấn đề này. Chúng ta không để cho bất cứ lực lượng nào có thể lôi kéo vào sự cạnh tranh vì chúng ta thực hiện đường lối độc lập, tự chủ và kinh nghiệm của chúng ta là chỉ thực hiện đường lối độc lập và tự chủ thì chúng ta mới bảo đảm được độc lập, chủ quyền của mình. 

Chúng ta cũng có chủ trương không tham gia vào bất cứ liên minh quân sự nào. Để thực hiện đường lối độc lập, tự chủ đó thì chúng ta phải phát triển quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở lợi ích chung. Do đó, chúng ta đã đi từ chính sách đối ngoại “thêm bạn bớt thù” đến chính sách “làm bạn với tất cả các nước” để không bị rơi vào cuộc cạnh tranh, không bị lôi kéo vào xung đột giữa các nước khác. Việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của chúng ta là do chính chúng ta, dựa trên cơ sở tranh thủ tận dụng được sự ủng hộ của các nước. Không nước nào đứng ra bảo vệ được độc lập, chủ quyền cho chúng ta. 

Những chiến lược và sách lược của ngành Ngoại giao trong thời gian tới nhằm giữ vững chủ quyền ở Biển Đông nói riêng và độc lập chủ quyền đất nước nói chung là gì, thưa ông?

- Biển Đông là một trong những vấn đề tác động đến môi trường an ninh. Chúng ta khẳng định chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông, chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đối với Trường Sa, chúng ta cũng cần phải hiểu được đây là khu vực có tranh chấp giữa 5 nước, 6 bên ở các đảo đá ở Trường Sa. Quan điểm của chúng ta là phải đảm bảo chủ quyền ở các đảo của chúng ta hiện nay đang quản lý, giữ vững đúng theo luật pháp quốc tế. 

Đại hội Đảng đã nêu rõ kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Điều này cần hiểu rằng kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở thương lượng, đàm phán. Các nước nhỏ và vừa phải dựa trên luật pháp quốc tế thì mới bảo vệ được chính mình và yêu cầu các nước cũng phải tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó là chủ trương của chúng ta. Và đương nhiên khi bất cứ vấn đề gì xâm phạm đến lợi ích của chúng ta thì chúng ta phải kiên quyết đấu tranh để chống lại, cũng bằng mọi biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền của chúng ta.

Có thông tin cho biết ASEAN và Trung Quốc đang đặt mục tiêu xây dựng được bộ khung Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào giữa năm 2017. Phó Thủ tướng có thể xác minh thông tin này?

- Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắt là DOC, trong đó có điều khoản là mong muốn sớm xây dựng COC. DOC chỉ là một tuyên bố chính trị, trong đó nói lên mong muốn của các bên về việc duy trì nguyên trạng ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế không sử dụng vũ lực. Còn mục đích đề ra của các bên khi hướng tới COC là xây dựng một văn kiện pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc để duy trì được hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Việc thảo luận về COC đã bắt đầu từ lâu. Quá trình này trong thời gian qua là quá chậm so với mong muốn của ASEAN và của Việt Nam. 

Việt Nam luôn thúc đẩy, thúc giục sớm hoàn thiện COC. Vì nếu COC đạt được những nội dung quan trọng, có tính chất ràng buộc thì sẽ là cơ sở pháp lý để kiềm chế, kiểm soát được tình hình Biển Đông, giải quyết được các tranh chấp. Vì vậy nên chúng ta luôn yêu cầu sớm ký kết COC. Khi chúng ta làm điều phối viên ASEAN – Trung Quốc, ta cũng đã đưa ra những thành tố của COC và cũng đã đạt được trong ASEAN với nhau về các thành tố của Bộ Quy tắc.

Nhưng tiến trình đó vừa qua chậm lại do tình hình Biển Đông phức tạp lên và do những yếu tố của một vài nước. Hy vọng là với tuyên bố vừa qua của Trung Quốc tại Hội nghị ASEAN là thúc đẩy nhanh tiến trình COC và thực tế trong vài tháng qua cũng đã có một số cuộc họp liên quan đến COC thì văn kiện này sẽ có thể đạt được trong năm 2017.

Xin Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ có thay đổi gì trong vấn đề Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philippines trên Biển Đông?

- Trong phán quyết còn nhiều yếu tố pháp lý, trong đó có những yếu tố liên quan lợi ích của Việt Nam nên chúng ta phải nghiên cứu kỹ để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Chúng ta sẽ có đánh giá để đưa ra quan điểm pháp lý của ta đối với nội dung phán quyết.

Về thay đổi của Việt Nam sau phán quyết, cần phải khẳng định rằng, quan điểm, chủ trương của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS. Lập trường của chúng ta không thay đổi, nhưng vấn đề đặt ra là trong thời gian tới phải hết sức kiềm chế trên thực địa để không làm ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định và cùng các nước khác tìm ra các biện pháp để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. 

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Đọc thêm