Cảm xúc Đồng Lộc

(PLO) - Hôm qua (4/7), Báo PLVN tiếp tục hành trình tri ân miền Trung năm 2018. Đây là ngày thứ ba cũng là ngày cuối cùng của chuyến thăm viếng, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và làm công tác xã hội của Báo PLVN năm nay, bắt đầu từ ngày 2/7.
TS Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo PLVN cùng Đoàn cán bộ, phóng viên dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
TS Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo PLVN cùng Đoàn cán bộ, phóng viên dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

1. Từ sáng sớm, nắng nóng đã thiêu đốt bỏng rẫy cả đất trời miền Trung. Đoàn công tác của Báo PLVN do Tiến sĩ Đào Văn Hội – Tổng Biên tập làm Trưởng đoàn cùng hơn 50 cán bộ, phóng viên của Báo đến dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. 

Đoàn công tác rưng rưng khi đứng trước hàng mộ hoa trắng của tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) cùng hy sinh vào ngày 24/7/1968. Đặc biệt, với những người lần đầu đến với Đồng Lộc, câu chuyện về mảnh đất một thời vùi trong bom đạn và sự hy sinh anh dũng của cả tiểu đội đã để lại xúc động sâu sắc. 

Nữ nhà báo Nguyễn Ngọc - Phó GĐ TT truyền thông - Báo PLVN- dâng hoa trên phần mộ các nữ liệt sỹ.
Nữ nhà báo Nguyễn Ngọc - Phó GĐ TT truyền thông - Báo PLVN- dâng hoa trên phần mộ các nữ liệt sỹ.

Từ năm 1964 đến năm 1972, tuyến đường QL1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị đánh phá và chia cắt hoàn toàn, thời điểm đó mọi thông thương từ miền Bắc vào miền Nam phải đi qua con đường 15A, trong đó Ngã ba Đồng Lộc là một địa điểm hiểm trở. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. 

Chính vì vị trí chiến lược như vậy, từ năm 1964 đến năm 1972, Ngã ba Đồng Lộc bị đế quốc Mỹ đánh phá liên tục, ác liệt nhất là năm 1968. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, nơi đây phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi 1m2 đất phải gánh chịu trên 3 quả bom. Mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom, Ngã ba Đồng Lộc như nổ tung, không có một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi.

Bên mộ các nữ chiến sĩ thanh niên xung phong.
Bên mộ các nữ chiến sĩ thanh niên xung phong.

Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng ngàn người đã ngã xuống. Trong đó có sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55.  Các chị đều sinh ra và lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh, người trẻ tuổi nhất sinh năm 1951, lúc hy sinh vừa tròn 17 tuổi. Ba người lớn tuổi nhất lúc hy sinh cũng mới 24 tuổi, sinh năm 1944.

Ngày 24/7/1968, trời Đồng Lộc cũng chang chang nắng. Suốt buổi sáng hôm ấy chiến trường Đồng Lộc máy bay giặc Mỹ kéo đến quần lượn liên tục. Mặt đường 15A đã nham nhở các hố bom. Nhận được lệnh của đại đội trưởng, khoảng 12h trưa, tiểu đội 10 cô gái do chị Võ Thị Tần làm đội trưởng chưa kịp ăn cơm, các chị vội chia nhau nắm mỳ luộc rồi trên vai cuốc xẻng, họ vừa nói vừa cười, gọi nhau ra mặt đường đào đất bê đá, san lấp hố bom, mở đường tránh. Công việc của các chị vốn làm chủ yếu vào ban đêm, nhiều hôm các chị còn mặc áo trắng cầm tay nhau làm hàng rào, cọc tiêu, làm ngọn đèn để dẫn đường, chỉ lối cho xe qua được an toàn. Nhưng hôm đó, để đảm bảo cho một đoàn xe chi viện đặc biệt đi qua được an toàn ngay trong đêm, các chị đã không quản hiểm nguy làm nhiệm vụ giữa cái nắng chói chang của trưa hè Hà Tĩnh.

Máy bay giặc Mỹ kéo đến trinh sát, trút bom dữ dội, nhiều lần tiểu đội bị bụi đất, khói bom phủ kín nhưng các chị lại tiếp tục rũ đất đứng dậy, người đào, người xúc, bê đá ném xuống hố bom. Để át tiếng bom, các chị cất tiếng hát.

Nhưng đến lượt bom thứ 15, vào hồi 16h cùng ngày khi công việc đang còn dang dở, một tốp máy bay Mỹ lao tới trút bom dữ dội xuống Ngã ba Đồng Lộc, nhằm vào mục tiêu bé nhỏ nơi các chị đang còn san lấp hố bom. Các chị buộc phải lánh tạm vào một căn hầm chữ A gần nhất ngay cạnh đường, chờ lượt bom đi qua để tiếp tục công việc. Nhưng bom đã dội ngay trước cửa hầm.

Khi đồng đội đứng trên đài quan sát nhìn xuống thấy nơi các chị vừa trú ẩn chỉ còn lại một hố bom sâu hoắm. Vài chiếc cuốc xẻng, vài chiếc nón rách bươm chơ vơ trên mặt đường. Trong làn khói bom mù mịt, đồng đội chạy ào xuống gọi tên từng chị. Nhưng không một ai trả lời. Cả trận địa lặng đi, rồi tiếng khóc òa lên.

Nhà báo Thu Hằng - Trưởng ban Nội Chính - viếng mộ nữ liệt sỹ Ngã ba Đồng Lộc.
Nhà báo Thu Hằng - Trưởng ban Nội Chính - viếng mộ nữ liệt sỹ Ngã ba Đồng Lộc.

Suốt đêm hôm đó và hai ngày hôm sau, đồng đội đã tìm được thi thể của 9 chị. Mười chiếc quan tài song song, 9 chiếc đã có chủ, chỉ còn thiếu thi thể chị Hồ Thị Cúc chưa tìm được. Đồng đội vẫn không dừng tìm kiếm, sợ chị đau, bàn tay bới từng lớp đất nhẹ.

Ba ngày sau đó, khi đã tìm thấy các thi thể, lễ truy điệu tiểu đội 10 nữ TNXP diễn ra dưới tiếng bom nổ và máy bay địch quần thảo. Mười chiếc quan tài làm bằng gỗ tạp thời chiến, thân cây chuối cắt ra làm bát nhang, đồng đội lặng lẽ.

Câu chuyện ấy đến nay đã 50 năm. Chiến tranh đã qua đi, sự sống hồi sinh trên tọa độ chết năm xưa. Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989, được đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm TNXP toàn quốc. Năm 2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Phút mặc niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Việt – Lào.
Phút mặc niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Việt – Lào.

2. Sau khi thắp những nén nhang trên phần mộ các chị, dâng nhành hoa trắng, đoàn công tác Báo PLVN rời Đồng Lộc khi cái nắng đã chói chang. Điểm đến cuối cùng trong hành trình là Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Sát quốc lộ 7 đường lên cửa khẩu Nậm Cắn (biên giới Việt - Lào), với diện tích gần 7 ha, Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào là nghĩa trang lớn nhất quy tập các mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1976. Đến năm 1982, Đảng và Nhà nước ta đã đưa toàn bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào về nước, quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào. Đến nay, Nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các liệt sĩ hi sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ. 

Trong đó có khoảng 6.900 phần mộ chưa rõ tên và quê, 570 mộ có tên, nhưng chưa rõ quê. Trong những ngôi mộ ấy có ngôi mộ có từ thời mới xây dựng nghĩa trang cho đến những ngôi mộ mới nhất, dấu sơn vẫn còn mới. Phần mộ ghi “Liệt sĩ chưa biết tên”. 

Đặc biệt, một trong những liệt sĩ chưa biết tên đang nằm tại Nghĩa trang này chính là anh trai của đồng chí Đặng Ngọc Luyến, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo PLVN. Liệt sĩ Đặng Đình Cung, hy sinh năm 1972 khi mới tròn 19 tuổi, trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào. Sau giải phóng, liệt sĩ Cung được quy tập tại Nghĩa trang Việt - Lào. Nhưng trong quá trình quy tập, các liệt sĩ bị mất thông tin, không rõ tên. Liệt sĩ Cung là một trong 5.700 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm ADN tại Nghĩa trang Việt - Lào, hiện đang chờ kết quả để đối chiếu với thân nhân. 

Phó Tổng Biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến (trái) trao quà cho Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Phó Tổng Biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến (trái) trao quà cho Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Ông Đặng Ngọc Luyến chia sẻ cảm xúc hết sức bùi ngùi và xúc động khi mỗi lần ông trở lại Nghĩa trang này. Lần đầu tiên ông đến khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức khai quật để lấy mẫu hài cốt liệt sĩ năm 2012. Mong muốn của gia đình ông cũng giống như tất cả các gia đình liệt sĩ khác là Nhà nước tiến hành xét nghiệm ADN nhanh chóng để trả lại tên cho các liệt sĩ, để gia đình có thể làm các thủ tục chăm sóc, thờ cúng chu đáo.

Hàng chục nghìn ngôi mộ liệt sĩ trải dài dưới cái nắng chói chang và gió Lào lộng thổi. Cúi đầu trước anh linh các liệt sĩ, thắp nén tâm nhang, không gian lặng im, dường như chỉ còn tiếng thỉnh chuông ngân vang giữa mênh mang đất trời xứ Nghệ.

“Hồi chuông cầu nối âm dương

Nén nhang tâm phúc, gió vương chiều buồn

Lắng đau ngửa mặt cầu trời

Mây ngàn gió núi, bạn tôi nơi nào

Mắt nhòe bước thấp, bước cao

Lửa nhang khóc bạn cháy vào lòng tôi”.

“Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn, Tri ân tháng 7 miền Trung” là hoạt động thường niên của Báo PLVN nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ và làm công tác thiện nguyện 11 năm. Hành trình năm nay từ ngày 2-4/7, Báo PLVN dâng hương tại các điểm: Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn ở Quảng Trị, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình; Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh và Nghĩa trang Việt - Lào tại Nghệ An.

Cũng trong chuyến đi, Báo PLVN đồng thời thực hiện công tác xã hội, trao tặng 1 căn nhà trị giá 50 triệu đồng và cho Hộ chính sách tại huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) và 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 20 triệu đồng cho hai cán bộ tư pháp tại tỉnh Quảng Trị. 

Ngoài ra, Báo PLVN cũng trao tặng 1 năm báo miễn phí (5 tờ/ngày) cho Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Đọc thêm