Cần có nhiều kế hoạch riêng để triển khai các nghị quyết của Đảng

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) kiến nghị tới đây trong triển khai các nghị quyết của Đảng sẽ có các kế hoạch riêng, bên cạnh kế hoạch hành động chung. 
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Kế hoạch hành động chung sẽ do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương, trước Bộ Chính trị.

Trong Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các giải pháp phòng chống tham nhũng (PCTN). Theo ông, các giải pháp này hiệu quả chưa và ông có đề xuất nào về giải pháp PCTN không?

- Về mặt đường lối thì Văn kiện trình Đại hội Đảng không thể cụ thể các giải pháp được nên tôi thấy những giải pháp trong Văn kiện là rất căn bản. Trong đó đã đề cập đến những giải pháp về đường lối, chủ trương của Đảng, về tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, về công tác cán bộ – công tác căn bản nhất.

Còn những giải pháp về chế tài, về kinh tế hay phát huy phong trào toàn dân giám sát PCTN đặt ra đều đúng cả. Quan trọng là chúng ta đưa vào tổ chức thực hiện như thế nào và quá trình chúng ta cụ thể, thể chế hóa các nghị quyết. 

Theo đó, cụ thể hóa là chúng ta đưa những chủ trương này vào các văn kiện của Đảng ra sao, cụ thể cho các cơ quan, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đưa vào nghị quyết từ cấp trên đến cấp cơ sở và đến đảng viên.

Cụ thể nhưng phải quyết liệt, tránh ban hành ra nghị quyết nhưng triển khai hời hợt, thậm chí không để có tình trạng cấp cơ sở coi PCTN là nhiệm vụ của cấp trên bởi cho đây là nhiệm vụ lớn, còn cấp trên thì khoán trắng cho cấp cơ sở. 

Đây là những vấn đề cần quán triệt kỹ càng và chính bản thân các tổ chức đảng phải kiểm soát rất kỹ vấn đề cụ thể hóa đường lối của Đảng, các chủ trương đặt ra trong nghị quyết trong hệ thống của mình.

Về vấn đề thể chế, phải lãnh đạo các tổ chức đảng của các cơ quan nhà nước. Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng TANDTC, Ban Cán sự Đảng VKSNDTC, Đảng đoàn Quốc hội thì lãnh đạo các tổ chức này nghiên cứu rà soát lại tất cả các quy định về PCTN xem đã đảm bảo chưa.

Vấn đề này liên quan đến quá trình tổng kết, phải tổng kết tất cả các quy định liên quan. Nghĩa là chúng ta phải có công cuộc triển khai hành động hết sức bài bản thì mới tiến hành được. Điều này đòi hỏi phía Đảng và phía Nhà nước phải thống nhất, từ cụ thể hóa đến thể chế hóa.

Song song với đó, phải tập huấn cho các tuyên truyền viên, báo cáo viên, các cán bộ chịu trách nhiệm trực tiếp làm công tác PCTN.

Thông thường, sau mỗi nghị quyết, chúng ta sẽ có kế hoạch hành động. Do vậy, tôi đề nghị, bên cạnh kế hoạch chung, rất mong Bộ Chính trị chỉ đạo xây dựng các kế hoạch riêng, từ các kế hoạch riêng này sẽ xây dựng các đề án riêng để thực hiện theo hướng làm sao kết nối được các kế hoạch, các đề án trong một kế hoạch chung thống nhất.

Nếu được thì kế hoạch chung giao Ban Tổ chức Trung ương  chủ trì, chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương  và Bộ Chính trị, còn kế hoạch kiểm tra thì giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương , kế hoạch tuyên giáo giao Ban Tuyên giáo Trung ương …

Liên quan đến Quốc hội, Văn kiện trình Đại hội đã có những đánh giá về vai trò giám sát tối cao của Quốc hội. Những nhận định này đã đầy đủ chưa và ông có khuyến nghị gì để tăng cường hơn nữa vai trò giám sát tối cao của Quốc hội?

- Xét ở khía cạnh nội dung, những đánh giá đó cơ bản là đầy đủ. Nhưng quan trọng là làm thế nào để sâu sắc hóa các nội dung giám sát và các biện pháp giám sát.

Tôi nhắc lại, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý 5 vấn đề quan trọng nhất trong hoạt động Quốc hội thì cần chú trọng nhất vấn đề giám sát và hậu giám sát. Nếu Quốc hội giám sát đi mà không giám sát lại, hay còn gọi là tái giám sát hoặc giám sát đi rồi bỏ kiến nghị của giám sát sang một bên, không tiếp tục giám sát kiến nghị đó thì là giám sát nửa vời. 

Trên cơ sở này, tôi đề nghị bổ sung hai yếu tố cực kỳ quan trọng. Một là giám sát và tái giám sát. Hai là giám sát việc thực hiện kiến nghị giám sát, tức là hậu giám sát.

Tại Kỳ họp 10 lần này, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng. Đây có thể coi là một trong các biện pháp giám sát nhưng mới chỉ đặt ra những vấn đề lớn, chưa thể đi vào từng vụ việc cụ thể. Ví dụ như, đến thời điểm này, chúng ta chưa tổng kết tất cả chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với một bộ trưởng nên giám sát còn chung chung, thiếu chiều sâu.

Giám sát cần phải làm sao quy trách nhiệm, phải sâu sát, quyết liệt. Chẳng hạn, trong vấn đề được nêu lên thì với lời hứa của bộ trưởng đã thực hiện được những điểm gì, cần phải kèm theo phụ lục về nội dung của các lời hứa cụ thể. Muốn thế, có thể làm giống như báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri mà Ban Dân nguyện tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, giám sát của Quốc hội không thể “đơn thương độc mã” được. Quốc hội muốn giám sát phải dựa vào dân, vào Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị và dựa vào báo chí – cơ quan truyền thông của Quốc hội, là cầu nối của Quốc hội với người dân.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm