Choáng về 'độ phá' ở Việt Nam

(PLO) - Câu chuyện sử dụng vô lý ở khoản tiền đi vay. Nhiều năm qua, trái phiếu Chính phủ (TPCP) là một kênh huy động vốn (Chính phủ đi vay) quan trọng cho Nhà nước, số vốn huy động ngày càng lớn. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), lượng vốn TPCP phát hành giai đoạn 2010-2015 đạt tổng cộng 846.926 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguồn vốn này rất lớn nhưng nếu đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát sẽ ra sao? Tất nhiên là để lại gánh nặng cho tương lai, trở thành gánh nặng nợ công cho cả nền kinh tế. Bình quân mỗi người dân Việt Nam hiện gánh khoảng 30 triệu đồng nợ công. 

Năm 2016 dự kiến phát hành 220.000 tỷ đồng trái phiếu trong tổng số 409.000 tỷ đồng vốn vay. Mục đích chủ yếu là bù đắp cho bội chi ngân sách 254.000 tỷ đồng, chi cho đảo nợ 95.000 tỷ lớn hơn cả cho đầu tư phát triển là 60.000 tỷ đồng. Một khi Chính phủ phải tăng vay để trả nợ, nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngày càng hạn chế. 

Chúng ta đã và đang "đầu tư công như phá". Phá nguồn lực sẵn có hết, nay tiếp tục phá nguồn đi vay.

Thưa các bạn, không phải võ đoán, hàm hồ. Chỉ cần vào google gõ cụm từ “lãng phí đầu tư công”, hay “công trình trăm tỷ, nghìn tỷ đắp chiếu”… sẽ choáng về "độ phá" ở Việt Nam.

Trước đây, khi góp ý vào dự thảo Luật Đầu tư công, nhiều ý kiến đã chỉ đích danh chủ dự án (các Ban Quản lý dự án thay mặt chủ đầu tư là các bộ, ngành, địa phương) thông đồng với tư vấn để nâng khống tổng vốn đầu tư, các địa phương “sáng tạo” nhiều cách để xin dự án, không thẩm định hiệu quả dự án... là những hình thức lãng phí rất lớn trong hoạt động đầu tư công hiện nay. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lúc đó cũng thừa nhận tình trạng lãng phí ngay từ chủ trương đầu tư. Lãng phí trong chủ trương đầu tư mới lớn, có khi hàng trăm tỉ, hàng nghìn tỷ - người đứng đầu cơ quan kế hoạch của quốc gia cũng đã phải kêu trời như thế.

Mặc dù chưa có một cơ quan, tổ chức nào đưa ra được tỷ lệ và số liệu chính xác về thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản là bao nhiêu (10, 20 hay 30% như nhiều chuyên gia nhận định) nhưng thất thoát, lãng phí là có thực và nó xảy ra ở tất cả các khâu, giai đoạn của quá trình đầu tư, từ chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, cấp phát vốn đầu tư, đến khâu nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.  

Kiểm toán Nhà nước vừa kiến nghị giảm trừ, xử lý tài chính hơn 1.000 tỷ đồng tiền vốn trái phiếu Chính phủ chi không đúng quy định ở các bộ, ngành, địa phương là vui hay buồn?.

Trước những khó khăn thách thức hiện nay, chúng ta không thể ứng phó, không thể thành công nếu không quyết liệt cải cách, thay đổi.

Đọc thêm