Đập dâng Vũ Quang: “Vết nứt ổn định sau các trận lũ...”

(PLO) - Cuối tuần trước, dư luận xôn xao về những vết nứt trên thân đập Vũ Quang - một hạng mục của Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh). Một đoàn công tác của Bộ NN&PTNT sau đó đã có mặt tại hiện trường để “cận cảnh” những vết nứt này nhằm xác định đó là vết cũ hay mới, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng, kết cấu của công trình?
Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT tại đập dâng Vũ Quang hôm 25/3
Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT tại đập dâng Vũ Quang hôm 25/3

Không tìm thấy vết “nứt khuyết tật” mới

Đập dâng Vũ Quang được khởi công xây dựng từ đầu năm 2015, dự kiến sẽ  hoàn thành để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp trong tháng 6/2017. “Cách nay một năm rưỡi, tại đây có xuất hiện một số vết nứt trên bề mặt đập, nhưng đơn vị thi công đã xử lý kỹ thuật triệt để bằng phụ gia. Được biết, trong khoảng thời gian ấy, ở đây cũng từng trải qua các trận lũ, nhưng tại những vị trí này đến bây giờ vẫn ổn định, không thay đổi hay mở rộng ra”,  ông Dương Tiến Chung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) trả lời PLVN.

Vị đại diện cục này còn cho biết, sau một buổi sáng đi thực địa tại chân công trình với đơn vị chức năng của tỉnh Hà Tĩnh, các bên liên quan sau đó không phát hiện thêm vết nứt mới nào đáng ngại trên thân đập. 

“Khi soi kĩ trên bề mặt, thì đó là những vết co ngót, tỏa nhiệt của bê tông, nhưng trong phạm vi cho phép. Bởi lớp bê tông vỏ đập được đổ với mác 300, đặc biệt phía trên đỉnh đập do bơm bê tông, trong cốt liệu nhiều xi măng, độ sụt lớn nên khi chịu tác động trực tiếp của nhiệt ánh nắng mặt trời thì sinh ra co ngót. Nhưng tôi khẳng định, điều này là bình thường và không ảnh hưởng gì tới chất lượng công trình”, lời Phó Cục trưởng Chung.

Ông Dương Tiến Chung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình: “Trên bề mặt đập chỉ là những vết co ngót, tỏa nhiệt bê tông”
Ông Dương Tiến Chung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình: “Trên bề mặt đập chỉ là những vết co ngót, tỏa nhiệt bê tông”

Ngoài ra, dưới gốc độ chuyên môn, đại diện Cục Quản lý Xây dựng công trình cũng lưu ý cần phải phân biệt rõ các “khe lún” với vết nứt trên thân công trình. Theo đó, “khe lún” được bố trí có chủ đích tại những vị trí nhất định trên bề mặt công trình, và trong chuyên môn gọi đó là “nứt chủ động”.  Do đó, thuật ngữ này hoàn toàn khác với với “nứt khuyết tật” - có thể ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình.

“Xưa, các cụ chỉ làm đập bằng đá với xi măng”

Theo thiết kế, công trình đập dâng Vũ Quang có chiều dài 200 m, cao 8 m, đáy rộng 15 m, mặt đỉnh đập rộng 2 m, là đập bê tông trọng lực, với lớp “áo” đập được thi công bằng bê tông mác 300, phía trong mác thấp hơn.

“Ngày xưa, các cụ nhà ta chỉ làm đập bằng đá với xi măng cũng đã ổn rồi. Còn đây, là công trình bê tông với các thông số kỹ thuật cao, cùng với hiện trạng đến thời điểm này cho thấy không có gì đáng ngại. Lúc đầu, khi chưa đi thực tế kiểm tra thì cũng hơi băn khoăn, nhưng khi đã đến tận nơi đánh giá thì thấy không vấn đề gì”, ông Chung tái khẳng định.

Theo lãnh đạo của Cục Quản lý Xây dựng công trình, điều đáng ngại nhất đối với con đập là khi tìm thấy nó có vết nứt kết cấu, có nghĩa là có vết nứt từ đỉnh xuống móng. “Nếu có tình trạng như thế thì thực sự rất đáng lo ngại!”, ông Chung lưu ý thêm

Thực tế, đến thời điểm này, dù chưa có bất kỳ biểu hiện nào cho thấy chất lượng và kết cấu công trình đập dâng Vũ Quang có thể bị ảnh hưởng bởi những vết nứt nêu trên, nhưng đoàn công tác của Bộ NN&PTNT vẫn yêu cầu các bên liên quan cần phải tiếp tục theo dõi thân đập xem có phát sinh gì thêm để có biện pháp xử lý kịp thời. “Công trình này đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện để đưa vào khai thác. Khi xong, rất cần có một đánh giá toàn diện cho bài bản”, Phó Cục trưởng Dương Tiến Chung nói.

Được biết, đập dâng Vũ Quang là công trình do Ban Quản lý Dự án Bồi thường, Hỗ trợ tái định cư và Xây dựng hệ thống kênh mương công trình Thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang  (Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư; Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công; tổng giá trị công trình này hơn 230 tỷ đồng.

Đọc thêm