Tốc độ lún sụp tăng
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi thảo luận về những biến động của tài nguyên nước mặt và nước dưới đất, tình trạng sụt lún; cũng như đánh giá mối tương quan giữa việc khai thác nước dưới đất và vấn đề sụt lún. Đồng thời, đại biểu cũng nghe kết quả nghiên cứu sơ bộ Dự án Rise and Fall, dự án nghiên cứu do các Viện, Trường của Hà Lan và Việt Nam phối hợp thực hiện nhằm cung cấp thông tin hỗ trợ cho các điều chỉnh chính sách theo hướng phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Trung -Trường Đại học Cần Thơ cho biết, vấn đề lún ở ĐBSCL không phải là vấn đề mới, tuy nhiên gần đây vấn đề sụp lún trở nên rất “nóng”; tốc độ lún sụp tăng rất nhiều, đặc biệt là ở các khu đô thị và nơi khai thác mạch nước ngầm. Nhưng chúng ta chưa có thông tin rõ ràng để có biện pháp khắc phục hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Cùng quan điểm trên, GS Piet Hoekstra (ĐH Utrecht, Hà Lan), Giám đốc điều hành dự án “Rise and Fall” cho rằng, hậu quả của sụt lún đáng lo ngại hơn rất nhiều so với các dự báo về rủi ro do biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra đối với ĐBSCL. Nguyên nhân của quá trình sụp lún là do những thay đổi nhanh chóng của quá trình đô thị hóa và chuyển đổi sử dụng đất đai ở khu vực. Dẫn đến nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động trên ngày càng gia tăng dẫn đến gia tăng khai thác tài nguyên nước dưới đất trên quy mô lớn làm gia tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước này.
“Nguyên nhân chính của sự sụt lún phần lớn là sự suy giảm áp lực của nguồn nước dưới đất do khai thác không hợp lý. Hậu quả của sụt lún đáng lo ngại hơn rất nhiều so với các dự báo về rủi ro do biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra. Việc khai thác nước dưới đất có khả năng là yếu tố chính chi phối sự sụt lún tại ĐBSCL từ những năm 90 của thế kỷ 20, mặc dù không phải là nguyên nhân duy nhất.” - GS Piet Hoekstra nói.
Theo kết quả của Dự án Rise and Fall cho biết, tại ĐBSCL có nhiều khu vực bị tác động của sụt lún từ 2 - 4 cm/năm chủ yếu tại các khu vực thấp ở vùng ven biển, tuy nhiên quá trình sụt lún với tốc độ ngày càng nhanh. Ảnh hưởng của tác động của biển đổi khí hậu toàn cầu, phần lớn diện tích đất ở nông thôn có mức độ sụt lún khoảng 1 - 2 cm/năm và ở thành thị và các khu công nghiệp mức độ sụt lún lên đến khoảng 2,5 cm/năm.
Đánh giá về những thách thức ĐBSCL đang đối mặt, ông Rik Dierx (Hà Lan) cho biết, tác động của biến đổi khí hậu sẽ gia tăng sự thay đổi lượng mưa theo mùa, mùa mưa và mùa khô đều sẽ khắc nghiệt hơn, đồng thời phân hoá các điều kiện theo mùa của toàn lưu vức với tần suất khô hạn cũng như lũ lụt thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Song song đó, việc phát triển thuỷ điện trên lưu vực sông Mê Kong sẽ thay đổi chế độ thuỷ văn vùng hạ nguồn trong giai đoạn vận hành chính thức và có thể dẫn đến các vấn đề khẩn cấp nghiêm trọng trong thời gian bão.
Các đập thuỷ điện cũng sẽ làm gián đoạn quá trình truyền tải trầm tích, giảm mức độ màu mỡ tự nhiên tại vùng, cũng như các môi trường ven biển. Ngoài ra, xu hướng phá rừng gia tăng, đô thị hoá và mở rộng canh tác nông nghiệp sẽ tiếp tục làm thay đổi sự cân bằng điều kiện thuỷ văn giữa chảy tràn và sự thấm bề mặt.
Bên cạnh đó, nước biển dâng sẽ thay đổi cân bằng giữa vùng ngọt và điều kiện cửa sông của đồng bằng, mặn hoá đồng bằng và ảnh hưởng đến nguồn nước dưới đất cũng như làm nhiều vùng của ĐBSCL ngập vĩnh viễn. Các nhà khoa học khuyến cáo, các vấn đề này ảnh hưởng từ việc xâm ngập mặn và ảnh hưởng đến đồng bằng làm thay đổi sinh kế của người dân ĐBSCL và nguy cơ mất dần các thảm thực vật nước ngọt.
Đề xuất thuế sử dụng nước ngầm
Sóc Trăng là một trong những địa phương, theo các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều có nhiều biến động sụp lún trong việc sử dụng nguồn nước ngầm. Trao đổi tại hội thảo, ông Trần Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận, hiện một số vùng tại Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, TP Sóc Trăng việc khai thác nước ngầm đã vượt quá giới hạn 20%.
Nguồn nước ngầm khai thác được sử dụng vào nhiều mục đích như nước ngầm pha với nước ngọt để nuôi tôm, cứu lúa. Việc sử dụng nước ngầm phục vụ cho nông nghiệp trong điều kiện khó khăn nước ngầm như vậy là hết sức nguy hiểm. Ông Thanh đề xuất, cần bổ sung quy hoạch thăm dò nước để bảo đảm tốt để nguồn nước ngầm, tăng cường thanh tra kiểm tra quản lý tài nguyên nước. Đồng thời thực hiện các mô hình sử dụng nước mưa, tận dụng nguồn nước trời cho để giảm đi việc sử dụng nguồn nước ngầm.
Đề xuất về biện pháp trữ nước hiệu quả để góp phần giảm thiểu sụp lún, ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cho rằng, để đáp ứng nhu cầu nước ngọt trong mùa khô, ĐBSCL cần tạo hệ thống hồ trữ nước trong mùa mưa, mùa lũ trữ dòng nước mặt trữ ở vùng đất trũng và người nông dân cần nạo vét kênh gạch để trữ nước vào mùa mưa. Để có nguồn nước ngọt phục vụ trong thời gian khô hạn sẽ góp phần giải thiểu việc sụp lún. Công tác trữ nước nên phân tán cho người dân tự trữ nước và sử dụng nước, chứ không nên làm những công trình tập trung sẽ tốn kém.
Tại hội thảo các nhà nghiên cứu cũng đồng thuận đề xuất, cần có quy trình áp dụng biện pháp hành chính, xây dựng hướng dẫn sử dụng nước dưới lòng đất. Đặc biệt, là đảm bảo theo dõi chặt chẽ việc thi hành pháp luật về quản lý tài nguyên nước tại các địa phương cũng như xây dựng quy định về thuế sử dụng nước ngầm.