Hôm nay, hơn 1 triệu sĩ tử “vượt vũ môn”

(PLO) - Hôm nay, hơn 1 triệu sĩ tử trên toàn quốc bước vào 2 môn thi đầu tiên: Toán - Tiếng Anh, kì thi trung học phổ thông quốc gia 2015. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong đó 27,8% thí sinh dự thi với mục đích xét tốt nghiệp; 59% thí sinh tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng; 13,2% thí sinh tự do tham gia tuyển sinh xét tuyển đại học, cao đẳng. Đây là kỳ thi đầu tiên ở Việt Nam sử dụng kết quả thi với hai mục đích.  Kỳ thi sẽ diễn ra trong bốn ngày, từ 1 - 4/7. 
Không có sai sót đáng tiếc
Sáng 30/6, thí sinh cả nước đã tới điểm thi để làm thủ tục dự thi. Trong buổi làm thủ tục dự thi, thí sinh nghe giám thị phổ biến Quy chế thi, nhắc nhở các vấn đề cần lưu ý để tránh xảy ra sự cố trong các ngày thi. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, hầu hết các trường đại học (ĐH) chủ trì cụm thi đều cho phép thí sinh điều chỉnh sai sót ngay tại điểm thi. 
Tại cụm thi Trường ĐH Kinh tế quốc dân có 92 trường hợp bị sai sót về chứng minh nhân dân, về ngày sinh đã được nhà trường phát hiện lỗi và sửa xong trước buổi làm thủ tục dự thi sáng 30/6. Tại Hội đồng thi trường ĐH Thủy lợi, cơ sở 1 ở phía Bắc, có hai trường hợp thí sinh báo ốm, trong đó có một thí sinh được phụ huynh đến trường báo bị sốt xuất huyết, đau ruột thừa. 
Một cán bộ quản lý thi của cụm thi do ĐH chủ trì cho biết, ngoài các sai sót về dữ liệu tên tuổi, số chứng minh, môn thi… do người nhập dữ liệu từ địa phương nhầm lẫn, một nhầm lẫn đáng lo ngại hơn là khi nhập dữ liệu, người ta đã quét nhầm ảnh người dự thi. 
Ngoài ra, nhiều nơi báo về  việc thí sinh có nguyện vọng thay đổi môn thi. Ý kiến của Bộ GD-ĐT là đóng cổng  thông tin, không cho thay đổi để giữ tính nghiêm minh của Quy chế. Tuy nhiên, có những Sở báo cáo rằng sự nhầm môn là do Sở và đều đã được điều chỉnh. 
Điều đặc biệt, vì đây là kì thi THPT và xét tuyển ĐH nên có khá nhiều thí sinh lớn tuổi đi thi như bố đi thi cùng con, ông đi thi cùng cháu… Nhiều thí sinh bị tai nạn, đau bệnh cũng đều cố gắng đến phòng thi. Các hội đồng thi đều khuyến cáo, nếu thí sinh chỉ cần lấy bằng tốt nghiệp, nếu bệnh nặng, bất ngờ đều có thể làm thủ tục đặc cách nếu đủ điều kiện. Còn các thí sinh lấy điểm xét ĐH, CĐ thì phải có điểm các môn thi vào trường đó.
Sẽ không cụm thi nào để giám thị dễ dãi
“Bộ cho phép thí sinh sử dụng các công cụ để ghi lại các bằng chứng tiêu cực nếu có. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo Quy chế thi. Vì thế sẽ không có cụm thi nào để cho giám thị của mình dễ dãi trong kỳ thi này”Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga. 
Máy phá sóng tại các điểm thi
Trước lo lắng có thể xảy ra việc bảo mật đề thi, chấm thi… không công bằng giữa các điểm thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định tất cả các quy trình trong kỳ thi THPT quốc gia đều bảo mật. Khác với các năm trước, ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, cơ sở dữ liệu được dùng chung nên bất cứ sự thay đổi nào (nếu có) không chỉ ảnh hưởng đến một vài trường mà sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống. 
Do đó, để quản lý tập trung cơ sở dữ liệu, đảm bảo tính bảo mật cho hệ thống cơ sở dữ liệu chung, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường không được cung cấp dữ liệu của thí sinh dự thi ra bên ngoài. Riêng với thí sinh, bằng tài khoản riêng và mật khẩu đã được cấp, có thể tra cứu các thông tin và điểm thi của mình một cách thuận tiện, chính xác.
Còn nhớ năm 1996, tại Phú Yên, đề một môn thi bị lộ, vậy là toàn quốc phải dừng lại môn thi đó và thiệt hại một số tiền khổng lồ. Thế nên, việc bảo mật đề thi luôn được đặt lên hàng đầu. Tại các điểm thi, không chỉ được trang bị máy phá sóng, lực lượng an ninh còn tăng cường và kiểm tra kỹ lưỡng tất cả đồ đạc của những người vào khu in sao đề thi THPT quốc gia để đảm bảo tính tuyệt mật. 
Quá trình vận chuyển đề thi cũng phải phối hợp với công an A83, lực lượng Công an quận, phường. PGS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác chính trị, công tác sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, tất cả các khâu trước khi đến tay thí sinh, từ đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án… đều thuộc danh mục bí mật của Nhà nước, mức độ tối mật.
Theo lịch thi của Bộ GD-ĐT, năm nay thí sinh sẽ dự thi 8 môn, trong đó các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Các môn tự luận thi 180 phút, các môn trắc nghiệm thi 90 phút (môn Ngoại ngữ thi trắc nghiệm và viết). 
Trong đó, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Tuy nhiên, ở một số hội đồng thi, không ít thí sinh thi đủ cả 8 môn thi. Nhưng ngược lại, có môn thi chỉ có 5-6 thí sinh dự thi, song các hội đồng thi đều tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi.
Theo thống kê, có  959.299 thí sinh đăng ký thi môn Toán, 937.304 thí sinh thi môn Ngữ Văn và 743.067 thí sinh đăng ký thi môn Ngoại ngữ. Về các môn tự chọn, Vật lý có nhiều thí sinh đăng ký thi nhất với 470.867 thí sinh. Các môn khác, xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ là Hóa học: 459.310 thí sinh, Địa lý: 386.941 thí sinh, Sinh học: 283.033 thí sinh, Lịch sử: 153.688 thí sinh.
Ngày mai, thí sinh bước vào ngày thi thứ hai với hai môn thi Ngữ văn và Vật lý. Các em cần lưu ý, đến muộn 15 phút sau khi bóc đề sẽ bỏ lỡ cả kì thi.
Số cụm thi: 99 (gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các đại học, học viện, trường đại học chủ trì và 61 cụm thi tại tỉnh do sở GD&ĐT và Cục Nhà trường chủ trì); Số điểm thi: 1.671; số phòng thi: 34.840;  số thí sinh đăng kí dự thi: 1.006.479; số thí sinh đến làm thủ tục dự thi: 957.52; tỷ lệ thí sinh làm thủ tục dự thi/số đăng kí dự thi: 95%. Dự kiến, số thí sinh dự thi thực tế sẽ cao hơn vì có một số thí sinh, đặc biệt là thí sinh tự do chưa đến đăng ký (theo báo cáo của các cụm thi do trường đại học chủ trì).

Đọc thêm