PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ với PLVN Chủ nhật:
- Kỳ thi THPT quốc gia đang diễn ra là một phần trong lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung. Nhưng kỳ thi quốc gia phải tính toán tới nhiều yếu tố, từ phương pháp học tập của học sinh phổ thông hiện nay đến sách giáo khoa, vùng miền... Để chuyển động cho số đông thì cần có lộ trình, thời gian.
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là trung tâm đào tạo có sứ mệnh tiên phong trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Từ năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho ĐHQGHN thí điểm làm phương thức tuyển sinh mới.
Năm nay, trường sẽ tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực. Đợt 1 vào ngày 30 và 31/5; đợt 2 vào ngày 1 và 2/8. Thí sinh muốn dự tuyển vào ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN cần hoàn thành bài thi đánh giá năng lực và bài thi ngoại ngữ (1 trong 6 ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung, Nhật).
Thí sinh có thể thi vào tháng 5 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy điểm bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Sau khi trường công bố các thí sinh đủ điểm trúng tuyển, các em chỉ cần tốt nghiệp THPT là được gọi nhập học.
Với các thí sinh đã làm bài thi chung nhưng chưa làm bài thi đánh giá năng lực, trường sẽ tổ chức thi vào tháng 8/2015.
Riêng các thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước thì chỉ cần đăng ký làm bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào ĐHQGHN.
Không có đoán mò, ăn may
Thưa ông, vừa qua ĐHQGHN đã đưa ra 1 bộ đề mẫu lấy ý kiến đóng góp của dư luận, đồng thời cũng để cho thí sinh có cơ hội làm quen với cách thi này. Vậy đến nay sự phản hồi của dư luận về bộ đề ra sao?
- Cuối tháng 11 năm 2014 chúng tôi đã công bố bộ đề mẫu trên các trang mạng của ĐHQGHN tại WEBSITE của Viettel Study. Hàng ngày có trên 3.000 lượt người vào làm các đề thi thử. Tuy nhiên, số người làm đủ 140 câu trong một đề có khoảng 60%. Những người đạt số điểm trên 70 chiếm 70%. Theo thống kê, thí sinh miền Bắc nhiều hơn miền Nam.
Các ý kiến phản hồi nhìn chung đều rất tích cực, đánh giá cao cái triết lý, hình thức, cái định hướng của bộ đề thi đánh giá năng lực tổng hợp rất toàn diện không đánh đố mà còn phát huy tính năng động, sáng tạo của thí sinh...
Với đề thi trắc nghiệm được máy tính tổ hợp ngẫu nhiên từ bộ đề nguồn cho từng thí sinh, vậy ĐHQGHN làm thế nào để không xảy ra tình trạng các em đỗ do may mắn vì chọn được đề có nhiều câu hỏi dễ? Và ĐHQGHN có tính tới ngành đặc thù không?
- Chúng tôi đã xây dựng ngân hàng đề thi gồm hàng nghìn câu hỏi được phân theo các nội dung khác nhau. Sẽ có 140 ô, trong mỗi ô là hàng trăm câu hỏi đã được chuẩn hóa. Đề thi được tổ hợp ngẫu nhiên nhưng theo ma trận đề thi gồm 20% khó, 20% dễ và 60% trung bình chứ không phải tổ hợp lộn xộn. Trong quá trình tổ hợp, các đề cũng sẽ được cân bằng độ khó, và mỗi thí sinh được tổ hợp một đề. Vì vậy sẽ không có chuyện đoán mò hay đỗ do ăn may, nhiều câu khó hay nhiều câu dễ.
Tôi nghĩ rằng bộ đề chúng tôi xây dựng đã bao quát một lượng kiến thức rất đa dạng, bao gồm hầu hết các môn học đã có ở chương trình phổ thông và mục tiêu của bộ đề là để đánh giá những năng lực cần thiết để người học có thể học tập tốt ở bậc đại học ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ, khoa học xã hội và nhân văn…
Ngay như ngành Văn học, trong bộ đề chúng tôi đã chú ý đến những câu hỏi cụ thể có những đoạn văn mà thí sinh muốn đạt điểm cần có năng lực thẩm mỹ, năng lực cảm xúc, những chỉ số cảm thụ về văn học tốt. Bởi thế, dù đề hoàn toàn theo hình thức thi trắc nghiệm khách quan nhưng vẫn có thể đo được một số chỉ số cần thiết để thí sinh có thể vào học các ngành khoa học xã hội và nhân văn, ngay cả ngành có tính đặc thù là văn học.
PGS. TS Nguyễn Kim Sơn - Các em có nhiều cơ hội vào đại học |
- Như trên đã nói, đề thi có trọng số theo mức năng lực là 20% dễ, 60% trung bình và 20% khó; nội dung các hợp phần bao phủ toàn diện 3 năm THPT, nhưng có trọng số theo nội dung ở lớp 12. Hai hợp phần Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội bao phủ toàn diện nội dung lớp 11 và 12, với trọng tâm là lớp 12 nên các em không nên lo lắng, chỉ cần nắm chắc kiến thức là được 60% ở mức trung bình.
ĐHQGHN đã có quá trình thời gian để chuẩn bị bộ đề thi, với số lượng đông đảo các nhà khoa học. Các câu hỏi đã qua quá trình phản biện, sàng lọc, chọn lọc, thí điểm trên nhiều trường phổ thông, cho nên những câu hỏi trong bộ đề đảm bảo được tính khách quan, công bằng, tương đương về độ khó giữa các đề thi, ca thi, đợt thi. Các em thí sinh có thể yên tâm với bộ đề đưa ra.
Sở dĩ thi thử chúng tôi chọn THPT Đại Từ vì đây là địa bàn có các thí sinh tập trung ở nhiều khu vực gồm thị xã, thị trấn, nông thôn, miền núi, đối tượng rất đa dạng. 60 thí sinh tham gia thi thử trong phòng máy là những em có nguyện vọng thi đại học và xét tuyển vào các trường đại học ở địa bàn Hà Nội. Học sinh ở khu vực 1 miền núi nên khả năng làm bài của các em sẽ cho trường những thông tin để hoàn thiện bộ đề và quy trình chính thức, phục vụ cho đợt thi sắp tới. Tại đây, thủ khoa của buổi thi thử đạt 119/140 điểm.
Các em sẽ có nhiều cơ hội vào đại học
Thực tế cho thấy học sinh, phụ huynh Việt Nam rất ngại sự thay đổi. Có thể vì lý do này mà từ một đại học top đầu hút thí sinh, năm nay ĐHQGHN ít thí sinh dám đăng ký dự thi. Điều gì khiến ĐHQGHN tin tưởng mình có thể tuyển đủ chỉ tiêu?
- Là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, ĐHQGHN sẽ phát hành cuốn “Những điều cần biết...” để thí sinh có thể tham khảo. Sách có cả bản điện tử và bản in. Chúng tôi cũng đã tính đến khả năng có thể xảy ra. Một là rất ít, hai là rất nhiều thí sinh đăng ký dự thi. Nếu ít, chúng tôi phải chấp nhận những khó khăn vì đổi mới ban đầu sẽ phải đi từ chỗ ít đến nhiều, đó là bình thường. Kỳ thi lại động chạm đến tương lai các cháu nên sự thận trọng của xã hội là đương nhiên.
Tuy nhiên, chúng tôi tin là nhiều phụ huynh, học sinh ủng hộ phương án này của nhà trường bởi vì chúng tôi làm việc với một quyết tâm cao, hỗ trợ tối đa, thuận lợi tối đa và cơ hội tối đa cho thí sinh.
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt một diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia, khi đó các em đã hoàn tất chương trình học nên có thể thoải mái đăng ký dự thi. Chậm nhất là ngày 30/6, ĐHQGHN công bố ngưỡng xét tuyển, do đó thí sinh sẽ biết mình đã trúng tuyển hay chưa. Nếu chưa trúng tuyển đợt 1, các em vẫn dự thi THPT quốc gia và sử dụng kết quả để xét tuyển ở các trường ĐH khác.
Những em chưa trúng tuyển đợt 1, hoặc dự thi xong THPT quốc gia vẫn còn cơ hội đăng ký thi đánh giá năng lực đợt hai được ĐHQGHN tổ chức vào tháng 8. Như vậy, khi đăng ký dự kỳ thi của ĐHQGHN, thí sinh sẽ có cơ hội tối đa, nhân đôi, nhân ba cơ hội vào đại học.
Kỳ thi đánh giá năng lực được ĐHQGHN tổ chức hai lần trong năm, vào trước và sau kỳ thi THPT quốc gia, nếu như kết quả của thí sinh đợt thi đầu tốt, giúp các trường thành viên tuyển đủ chỉ tiêu thì kết quả của đợt thi thứ 2 sẽ được sử dụng như thế nào?
- ĐHQGHN không phân bổ chỉ tiêu cho các đợt thi, tuy nhiên trọng số sẽ dồn vào đợt 1. Ở đợt thi thứ 2, thí sinh có kết quả thi cao nhưng không còn chỉ tiêu thì các em vẫn được bảo lưu kết quả để xét tuyển vào năm sau vì kết quả thi đánh giá năng lực có tác dụng 24 tháng. Điều quan trọng nữa là chúng tôi không cốt tuyển cho đủ thí sinh mà quan trọng là chất lượng. Vì vậy, nếu xét tuyển đợt 1 mà chưa nhiều cháu có năng lực tốt thì tham gia xét tuyển vào đợt sau. Như vậy, với các cháu năng lực tốt, cơ hội sẽ còn nhiều.
ĐHQGHN tách biệt thi và tuyển, đây là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực là để có chứng chỉ, và chứng chỉ đó có tác dụng lâu dài, xét tuyển vào không chỉ ĐHQGHN mà còn bất cứ trường nào có nhu cầu. Mặt khác, các em có thể dùng chứng chỉ đó xét tuyển vào các hệ đào tạo khác của ĐHQGHN. Như vậy, chứng chỉ dành cho nhiều mục đích.
Ngoài ra, trong lúc thi cử đang tạo nên áp lực rất lớn cho học sinh vì chỉ thi một lần duy nhất trong năm, thì 2 đợt thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN đã giải tỏa được áp lực ấy.
Thay vì sử dụng phòng thi truyền thống với bút, giấy và những môn thi thì kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN lại thi trong phòng máy, thí sinh làm bài hoàn toàn trên máy tính. Nhiều em lo ngại những trục trặc kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến kết quả thi. Ông nói gì về những lo ngại này?
- Dựa trên số lượng thí sinh đăng ký dự thi, chúng tôi sẽ chuẩn bị các phòng thi và số lượng máy tính. Nếu ước tính có 40.000 thí sinh thi thì phải chuẩn bị 10.000 máy tính để thi trong nhiều ca. Số lượng máy tính dự trữ khoảng 10-15%.
ĐHQGHN có 7 cụm thi tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên. Do chất lượng máy tính ở các địa phương không như nhau nên chúng tôi đã chuẩn bị đội ngũ kỹ thuật để rà soát từng máy, trong quá trình làm bài mà máy tính có trục trặc thì thí sinh sẽ được chuyển sang máy dự phòng hoặc có thể thi ngay ở ca sau. ĐHQGHN sẽ không để vì lý do kỹ thuật mà ảnh hưởng đến thời gian làm bài của các em.
Trân trọng cảm ơn PGS.