Khủng bố đã “vươn vòi” ra khắp nơi

(PLO) - Ngay trong những ngày đầu năm mới, nước Pháp và cả thế giới đã rúng động bởi vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại thủ đô Paris. Những hình ảnh gây sốc về vụ xả súng đẫm máu đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trên toàn nước Pháp và cộng đồng quốc tế. 
Đưa một nạn nhân ra khỏi Tòa soạn Charlie Hebdo
Đưa một nạn nhân ra khỏi Tòa soạn Charlie Hebdo
Như Báo PLVN đã đưa tin, ngày 7/1/2015, tại trụ sở Tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở thủ đô Paris, Pháp đã xảy ra vụ nổ súng làm 12 người thiệt mạng (trong đó có 10 nhà báo và 2 cảnh sát) và 10 người khác bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong vòng bốn thập kỷ qua tại Paris. 
Vụ xả súng kinh hoàng
Theo các nhân chứng, ba kẻ tấn công đội mũ trùm kín đầu màu đen, mang theo súng tiểu liên đã đi vào tòa nhà nơi đặt trụ sở báo. Chúng hét to “chúng ta trả thù cho Nhà tiên tri” và loạt súng vang lên chỉ vài phút sau đó. 
Cảnh sát Pháp đã xác định được danh tính ba tay súng là Cherif, 32 tuổi và anh trai hắn là Said, 34 tuổi, cả hai cùng mang quốc tịch Pháp. Tay súng còn lại là Hamyd Mourad, 18 tuổi, chưa xác định được quốc tịch. Các tay súng này được cho là thuộc nhánh tổ chức khủng bố Al Qaeda tại Yemen. Và 23 giờ đêm 7/1, nghi can Hamyd Mourad đã ra đầu thú. Cảnh sát cũng đã công bố ảnh 2 nghi can còn lại và phát lệnh truy nã đối với 2 kẻ khủng bố nguy hiểm này.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gọi đây là vụ tấn công khủng bố và không loại trừ vụ xả súng kinh hoàng trên mang màu sắc tôn giáo. Ngay trong ngày, Tổng thống Francois Hollande đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp tại Điện Elysée để đưa ra các biện pháp bổ sung nhằm truy bắt những kẻ tội phạm trong thời gian nhanh nhất có thể. 
Trong bài phát biểu qua truyền hình gửi toàn thể người dân Pháp tối 7/1, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ xả súng. Đây là lần thứ 5 trong vòng 50 năm qua, nước Pháp để quốc tang. Ông cũng kêu gọi người dân Pháp hãy đoàn kết, bởi đó là vũ khí mạnh nhất của nước Pháp để bảo vệ nền tự do, chống lại các hành động dã man. 
Cộng đồng quốc tế lên án
Vào chiều tối ngày 7/1, tại Paris và khoảng 15 thành phố trên toàn nước Pháp, hàng trăm nghìn người thông qua các mạng xã hội đã tập hợp để bày tỏ tình đoàn kết với các phóng viên của Tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động giết người man rợ của những kẻ tấn công. 
Những người biểu tình đã giơ cao thẻ nhà báo, cây bút và các biểu ngữ “Chúng tôi là Tòa soạn Charlie Hebdo”, “Chúng tôi không run sợ”.  Nhiều tờ báo lớn ở Pháp ra sáng ngày 8/1 đã đồng loạt đổi màu măng-séc truyền thống và thay vào đó là măng-séc màu đen như là một cách thể hiện tình đoàn kết với tờ tạp chí Charlie Hebdo. 
Ngày 7/1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) đã cực lực lên án “vụ tấn công khủng bố man rợ và hèn hạ”. Tuyên bố của cơ quan này nêu rõ: “Các thành viên HĐBA cực lực lên án hành vi khủng bố không thể dung thứ nhằm vào các nhà báo và một tờ báo này”.
Liên minh Châu Âu (EU) đã bày tỏ tình đoàn kết với Pháp và cam kết tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố. Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk khẳng định cuộc chiến chống mọi hình thức khủng bố cần phải được đẩy mạnh. Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogherini cho biết Ngoại trưởng các nước EU sẽ thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 19/1 tới sau vụ tấn công đẫm máu tại Paris.
Lãnh đạo các nước trên thế giới cũng đã ngay lập tức lên án vụ tấn công. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là một vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước đồng minh Pháp, đồng thời tuyên bố Washington sẽ cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để “giúp đưa các phần tử khủng bố ra trước pháp luật”. Tuyên bố của Nhà Trắng khẳng định Mỹ lên án với “hình thức quyết liệt nhất” vụ tấn công. 
Thủ tướng Đức Angela Merkel  và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) Jens Stoltenberg  tuyên bố, vụ xả súng tại tòa báo Paris không chỉ là hành động tấn công vào người dân mà còn tấn công vào tự do báo chí và ngôn luận.
Người đứng đầu Chính phủ Anh David Cameron cũng như Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã gọi vụ tấn công là “man rợ”, là thách thức đối với toàn thể loài người nói chung và người dân châu Âu nói riêng. Thủ tướng Cameron khẳng định Anh sẽ chung sức cùng các đồng minh trong cuộc chiến chống lại “mọi hình thức khủng bố”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự chia buồn với gia đình các nạn nhân và cực lực lên án chủ nghĩa khủng bố “ở mọi hình thức”. Liên đoàn Arab cùng lãnh đạo nhiều nước đều bày tỏ chia buồn sâu sắc và lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố tại Paris. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi  cũng lên án vụ tấn công khủng bố trên và coi đây là hành động “đáng bị chỉ trích và hèn hạ”, nhấn mạnh New Delhi sẽ đoàn kết với người dân Pháp. 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc mạnh mẽ lên án vụ tấn công khủng bố ở Pháp, khẳng định Bắc Kinh phản đối tất cả các hình thức khủng bố và ủng hộ nỗ lực của Pháp trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.
Vì sao Tòa soạn Charlie Hebdo bị tấn công?
Vụ thảm sát tại Toà soạn báo Charlie Hebdo không phải là cuộc tấn công đầu tiên vào tờ báo này. Trước đó, tuần báo trào phúng Charlie Hebdo đã từng bị tấn công do nhiều phát ngôn và hành động gây tranh cãi.
Charlie Hebdo là một tuần báo nổi tiếng ở Pháp chuyên về vẽ châm biếm chống các tôn giáo như Hồi giáo, Do Thái giáo, Công giáo… Charlie Hebdo đã trở nên quen thuộc trong dư luận Pháp với những vụ tranh cãi và bị đe dọa tấn công từ các tổ chức cực đoan. Nhưng tờ báo vẫn tiếp tục đường lối hoạt động của riêng mình, thậm chí có những phát ngôn “mạnh miệng” không lùi bước.
Nguyên nhân của vụ xả súng tấn công vào tuần báo Charlie Hebdo vào tối 7/1 được cho xuất phát từ những bức vẽ biếm họa thủ lĩnh nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi. Theo tờ Washington Post, sự bất kính, khiếm nhã trong việc châm biếm nhiều tôn giáo đã khiến Charlie Hebdo rơi vào “tầm ngắm” của các tổ chức cực đoan trong suốt 10 năm qua, đặc biệt là các nhóm Hồi giáo.
Theo đức tin của đạo Hồi, việc vẽ tranh, phác họa chân dung đấng tối cao là điều vô cùng cấm kị, huống chi là vẽ tranh biếm họa. Những tranh cãi bắt đầu được thổi bùng từ năm 2006, khi Charlie Hebdo cho đăng lại 12 bức ảnh biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Mohammad. 
Các bức ảnh đã được một tờ báo Đan Mạch đăng từ năm 2005 và gây nhiều tranh cãi trước đó. Charlie Hebdo đã công bố một bức thư gồm chữ kí của 12 nhà báo. Trong thư, họ dõng dạc tuyên bố: “Chúng tôi, những người trí thức, những nhà báo, kêu gọi chống lại chế độ tôn giáo cực đoan, thúc đẩy tiến trình tự do và bình đẳng”.
NBC News cho biết, Charlie Hebdo một lần nữa đã châm ngòi cho cuộc xung đột với các nhóm Hồi giáo ở phương Tây. Kết quả của vụ đăng tải 12 bức ảnh là hai cộng đồng Hồi giáo ở Pháp đã khởi kiện tờ báo vào năm 2007. Tuy nhiên, vụ kiện bị tòa án bác bỏ vì cho rằng “việc đăng tải những bức ảnh này nằm trong quyền tự do ngôn luận và không hề tấn công đạo Hồi, đó chỉ là một trào lưu”. Kể từ đó, Tòa soạn đã nhận được nhiều lời đe dọa khủng bố.
Vào năm 2011, tuần báo Charlie Hebdo đã bị ném bom xăng sau khi đăng hình biếm họa nhà tiên tri Mohammad lên trang bìa với hình ảnh đấng tối cao có chiếc mũi hề và dòng chú thích “nhạy cảm”. Tổng Biên tập của Charlie Hebdo, ông Stephane Charbonnier đã mạnh dạn tuyên bố: “Mohammad không đe dọa được tôi. Tôi sống theo luật của Pháp với quyền tự do ngôn luận được tôi bày tỏ qua tranh vẽ. Tôi không sống theo luật của Hồi giáo”.
Không dừng lại, vào năm 2012, Charlie Hebdo vẫn cho đăng tiếp nhiều bức ảnh châm biếm nhà tiên tri Muhammad với nội dung gây sốc, được cho báng bổ đấng tối cao của đạo Hồi. 
Năm 2013, một sự việc như “đổ thêm dầu vào lửa” khi một thanh niên 24 tuổi đã bị xử án tù treo vì đã kêu gọi trên mạng internet giết Tổng Biên tập tòa báo vì đã cho đăng bức biếm họa về Mohammad. 
Vụ khủng bố tại Paris diễn ra ngay những ngày đầu năm mới khi thế giới vừa trải qua năm 2014 với vô vàn các thách thức an ninh đến từ các tổ chức khủng bố khét tiếng như Al Qaeda, Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã cho thấy các tổ chức khủng bố đã “vươn vòi bạch tuộc” ra khắp thế giới không ngoại trừ quốc gia nào. 
Là một trong những quốc gia đáng sống nhất thế giới, với các điều kiện an ninh luôn được bảo đảm, nhưng Pháp giờ đây đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh ngày một lan rộng. Đây sẽ là thách thức to lớn đối với chính quyền của Tổng thống Francois Hollande trong thời gian tới.

Đọc thêm