Lạm quyền trong bổ nhiệm: Tại cơ chế hay người thực thi

(PLO) - Cho rằng pháp luật hiện hành không cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo của cơ quan, đơn vị do mình quản lý nên thời gian qua có khá nhiều trường hợp cả vợ chồng, bố con cùng làm lãnh đạo trong một cơ quan. 
Lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cũng là hình thức tham nhũng
Lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cũng là hình thức tham nhũng

Không chỉ bổ nhiệm theo “truyền thống cả họ làm quan”, những vị quan mang danh quyền lực nhà nước còn bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.

Những câu chuyện này không phải là hiếm và mới, nó đã diễn ra từ nhiều năm trước, để lại nhiều hệ lụy xấu mà đến bây giờ nhiều cơ quan, bộ, ngành vẫn chưa giải quyết xong những hậu quả từ “quyết định bổ nhiệm” của người lãnh đạo tiền nhiệm. 

Do “lỗ hổng” pháp luật?

Không phải ngẫu nhiên mà ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua - phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt lưu ý về công tác cán bộ. Nhấn mạnh “công tác cán bộ rất quan trọng, con người là quyết định”, Thủ tướng đã yêu cầu “phải đổi mới công tác cán bộ”, đồng thời kiên quyết phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, từ tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm. “Chúng ta thi tuyển để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”- người đứng đầu Chính phủ nêu quyết tâm. 

Sau đó, tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, Ủy ban Tư pháp đã nêu lại phản ánh của đại biểu QH, dư luận cử tri và báo chí trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua. Đó là tình trạng có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người thân, người trong gia đình…

Vấn đề đặt ra là khi dư luận đã lên tiếng, các cơ quan chức năng cũng đã biết tường tận, tại sao nhiều vụ việc không được xử lý nghiêm khắc đến nơi đến chốn? Trong nhiều trường hợp chỉ có thể giải thích rằng: do thiếu chế tài của pháp luật.

Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH thì Luật hiện hành chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Chính bởi vậy, thời gian qua, tại một số địa phương mới có hiện tượng “cả họ làm quan”, nhưng vẫn “đúng quy trình”. 

Chỉ rõ những “lỗ hổng” luật pháp trong chế tài hình sự, ông Thái Trường Giang (đại biểu QH tỉnh Cà Mau) cho biết, mặc dù Bộ luật Hình sự đã quy định một số tội liên quan đến lạm dụng chức vụ trong quản lý, nhưng chưa có điều khoản nào quy định về tội cố ý làm trái các quy định về tuyển dụng công chức, cán bộ. Để lấp chỗ trống này, theo ông Giang, Bộ luật Hình sự cần bổ sung tội danh cố ý làm trái quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức.

Cùng băn khoăn trên, không ít ý kiến lại bày tỏ nghi ngại khi luật pháp không “rờ” tới được những sai phạm của các quan chức đã nghỉ hưu. Nếu có xử lý thì chỉ là “rút kinh nghiệm sâu sắc”, cùng lắm là khiển trách hoặc cảnh cáo về hành vi lạm quyền trong bổ nhiệm; còn về mặt hình sự thì hầu như được “miễn trừ”, bởi luật… chưa quy định.

Phải xử lý theo tội danh tham nhũng

Trái với quan điểm trên, các chuyên gia pháp luật cho rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay không thiếu các quy định xử lý hành vi lạm quyền trong bổ nhiệm, vấn đề là các cơ quan chức năng có muốn “áp” nó vào thực tiễn để xử lý hay không và “áp” như thế nào mà thôi.

Cụ thể, để phòng tránh nguy cơ tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 đã dành một điều luật quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Theo đó, “người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.  Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, không ít cán bộ lãnh đạo đã bất chấp hoặc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Nói như một cán bộ nguyên là Thứ trưởng Bộ Nội vụ  thì chúng ta đã quy định rất rõ việc hàng năm, cơ quan sử dụng cán bộ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bổ nhiệm… báo cáo cơ quan quản lý để phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, lâu nay việc này chưa được làm chặt chẽ, chưa chuẩn mực và có nhiều “lỗ hổng” nên người ta có thể lợi dụng, “lách” được luật.

Đồng tình với quan điểm lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm để đưa người thân vào bộ máy lãnh đạo là “biến tướng của hành vi tham nhũng”, ông Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Bình) quả quyết: hành vi này phải là hành vi tham nhũng. Theo ông Phương, trong các hình thức tham nhũng thì tham nhũng về quyền lực đang là vấn đề gây bức xúc, bất bình trong dư luận.

“Lợi dụng chức quyền để bố trí, bổ nhiệm con cháu, họ hàng, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó là tìm người nhà mà không tìm người tài… Từ vụ án Trịnh Xuân Thanh đến tất cả các trường hợp báo chí đưa, chỗ này thì em tôi, chỗ kia thì cháu tôi, họ hàng tôi… Mà tất cả đều cho là đúng quy trình. Vậy quy trình đó đúng hay sai, điều này cần có hướng xử lý trong thời gian tới”- vị đại biểu QH tỉnh Quảng Bình đề nghị. 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Không phải tất cả nhân sự được bổ nhiệm thuộc thành phần “con ông cháu cha” đều không có năng lực; trong số họ cũng có người thực sự có tài, có tâm, có chí cống hiến và họ xứng đáng được bổ nhiệm vào vị trí công tác ấy. Chính vì họ có tài, có tâm nên việc bổ nhiệm sẽ “vẹn cả đôi đường” nếu những cá nhân này được bố trí ở nơi khác (không phải cùng cơ quan với bố, mẹ hoặc vợ, chồng… của mình). Làm được như vậy sẽ vừa phát huy được năng lực cán bộ, vừa giữ được uy tín của người lãnh đạo. 

Bởi, đứng trên phương diện pháp luật thì dù là con quan hay con dân, cơ hội thăng tiến cũng phải như nhau, do đó mọi công dân đều được bình đẳng về cơ hội cống hiến cho Tổ quốc và tham gia quản lý xã hội. Nhưng với cương vị là người lãnh đạo, việc bổ nhiệm vợ, con hoặc anh, em của mình trong cùng cơ quan phải hết sức khách quan, cẩn trọng.

“Có những việc luật không cấm nhưng không nên làm. Vì đây là cơ quan, không phải là của riêng ai cả, trọng trách của các đồng chí lãnh đạo do dân giao, Đảng giao cho nên phải tuyển thế nào cho minh bạch, công khai tất cả các tiêu chí”- điều này đã được bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu QH khóa XIII  đề xuất. 

Đọc thêm