Người bị giặc treo giải thưởng “lấy đầu” trong nhà lao Phú Quốc

(PLO) - Khi bị bắt, ông khai mình tên Nguyễn Hoàng, ở xã Vinh Phú, chỉ làm du kích; thay vì tên thật là Lê Hữu Thế, giữ chức Đại đội trưởng C118 huyện đội Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Vì vậy, địch không hề hay biết người vừa bị bắt chính là chiến sĩ quả cảm từng bị chúng treo giải thưởng lùng bắt suốt hai năm ròng.
Ông Lê Hữu Thế
Ông Lê Hữu Thế

Một mình bắt sống hai thám báo

Ông Lê Hữu Thế (SN 1942, ngụ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) tham gia cách mạng khi còn nhỏ. Ngày ấy, cậu bé Thế người ốm tong teo, đen nhẻm, nhưng đôi chân luôn thoăn thoắt băng rừng lội suối không biết mệt làm giao liên của huyện đội.

Với những đóng góp tích cực cho cách mạng, năm 1964, chàng trai được đứng vào hàng ngũ của Đảng, sau đó được tăng phái về làm bí thư xã Phú Hưng.

Khoảng thời gian từ năm 1963 – 1964, anh Thế hoạt động hợp pháp tại địa phương, ngày ngày vẫn như bao người dân khác trong làng tất bật với ruộng đồng. Nhưng đêm đến, người thanh niên ấy không còn là một người nông dân chân lấm tay bùn mà là chiến sĩ trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng, bí mật trừ gian diệt ác.

Kể về “sự cố” khiến mình bại lộ thân phận, phải rút lên rừng, ông Thế nay đã ngoài tuổi 70 nhưng giọng nói vẫn âm vang, hào sảng. Ông nhớ rất rõ hôm đó là ngày rằm, ông đang lên chùa thì người cha hớt hải chạy đến báo tin có hai tên thám báo vào xã. Ông Thế mượn chiếc xe đạp của người dân, hối hả trở vào làng. 

Khi ngang qua cầu Vũng Trèn của thôn Vĩnh Lưu, ông thấy hai tên kia đứng trên cầu, ném cả hai quả bộc phá xuống sông bắt cá. Ông Thế đạp xe đến, hai tên thám báo ngăn lại, bảo ông xuống sông giúp lặn cá.

Cá nổi dập dềnh cả một khúc sông. Nhưng ông lắc đầu không đồng ý, bảo hôm nay ngày rằm không muốn sát sinh. Hai tên thám báo cũng không kì kèo mà để ông đi trót lọt.

Ông Thế trở về nhà, vội vã vào bên trong giở nắp hầm. Dưới hầm bí mật là hai đồng chí bí thư huyện ủy, tỉnh ủy viên và chính trị viên huyện đội. Sau khi bàn bạc kế hoạch, ông Thế được giao cây súng cabin, một mình nhận nhiệm vụ vây bắt hai thám báo. 

Lại nói về hai tên này, vũ khí của mỗi tên là một quả bộc phá, nhưng đã dùng hết vào việc sát cá. Nên khi thấy ông Thế tiến đến giơ cao họng súng về phía mình, cả hai tên hốt hoảng tháo chạy. Ông Thế dùng báng súng khống chế, bắt được một tên. 

Nhân có ông lão đang cày ruộng đem cho ông Thế sợi dây thừng niềng trâu để trói, tên thám báo còn lại lao ra đồng tháo chạy. Ông Thế dốc sức đuổi theo. Hai bên quần thảo một hồi, tên địch mới thôi kháng cự, đưa tay chịu trói.

Hai tên thám báo này chuyên đi “cấy” cơ sở Việt gian trong lòng dân để nắm tình hình cách mạng, gây tổn thất nhiều cho cách mạng.

Tuy nhiên, cấp trên ra chỉ thị cho ông phải bắt sống bằng được. Sau chiến công ấy, ông Thế bị lộ, không thể tiếp tục hoạt động công khai ở địa phương nên ông phải thoát ly. Lần đó, ông được tổ chức khen thưởng cây súng cabin luân lưu.

Trại tù Phú Quốc, nơi ông Thế bị giặc đày đọa suốt nhiều năm trời
Trại tù Phú Quốc, nơi ông Thế bị giặc đày đọa suốt nhiều năm trời

Vòng vây trên trời, dưới nước

Sau ngày thoát ly, ông được tổ chức cho đi học trường quân chính quân khu Trị Thiên. Năm 1968, ông Thế là Đại đội trưởng C118 huyện đội Phú Vang.

Ở bất cứ vị trí chiến đấu nào, ông Thế cũng hoạt động hăng say, cùng đồng đội gây nhiều tổn thất cho địch. Giặc cay cú treo giải thưởng lớn hòng bắt bằng được ông.

Ông bảo, dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng ông vẫn còn nhớ như in cái thời khắc khiến ông rơi vào tay giặc, để nhiều năm liền sau đó phải sống ở “địa ngục trần gian”. 

Đó là một đêm gần cuối năm 1968, ông cùng 3 đồng đội đi trinh sát ở đầm Sam Chuồn của vùng Ân Tài Thiện để mở chiến dịch đánh chiếm cảng Thuận An lúc này đang nằm trong tay địch. Không ngờ có thám báo nên bị lộ, cả 3 rơi vào vòng vây của quân thù. Quân địch sử dụng lực lượng kỵ binh bay để vây bắt. 

Đầm Chuồn ngày hôm đó, trên trời dày đặc máy bay địch, dưới nước chi chít hải thuyền. Ông cùng ba đồng đội ẩn mình trong những dãy nò sáo của ngư dân, ngâm mình trong nước suốt cả ngày. Địch ngày một khép chặt vòng vây. Hải thuyền lao trên phá Tam Giang, nhổ bay các sáo, nò của ngư dân. 

“Sau 12 tiếng đồng hồ cầm cự, chúng tôi rơi vào tay địch. Sợ khai tên thật sẽ làm lộ bí mật, gây nhiều tổn thất cho tổ chức, tôi khai mình tên Nguyễn Hoàng, chỉ là dân quân du kích”, ông Thế cười khoái chí khi nhớ lại chuyện cũ.

Ông hào hứng kể tiếp: “Hồi đó địch treo giải thưởng rất lớn suốt hai năm ròng cho ai bắt được tui. Nhưng khi bị bắt, tui khai tên khác, bọn chúng cũng không mảy may nghi ngờ”. 

Trại tù Phú Quốc, nơi ông Thế bị giặc đày đọa suốt nhiều năm trời
Trại tù Phú Quốc, nơi ông Thế bị giặc đày đọa suốt nhiều năm trời

Người tù bất khuất

Sau khi bị bắt, ông Thế bị địch giam 3 tháng ở nhà tù Non Nước (Đà Nẵng) rồi đưa ra nhà tù Phú Quốc, bắt đầu những ngày tăm tối sống không bằng chết.

Dẫu chịu đau đớn vì đòn roi tra tấn nhưng ông vẫn gầy dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch, phát triển Đảng viên mới, kiên cường đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ cho anh em tù nhân. 

Địch “đánh hơi” được, nên liên tục đưa ông từ nhà giam này sang nhà giam khác. Nhưng dù ở bất cứ đâu, người chiến sĩ kiên trung ấy vẫn hoạt động không ngừng, làm bí thư chi bộ, Đảng ủy viên, phó bí thư Đảng ủy.

Ở chốn “địa ngục trần gian” biết khó có ngày trở về, các tù nhân nhiều lần tổ chức đào hầm vượt ngục. Cơ sở Đảng ở nhà tù nhiều lần tổ chức vượt ngục thành công, nhưng ông Thế luôn tình nguyện ở lại. 

“Mỗi lần vượt ngục không đi được nhiều người vì sợ lộ. Do đó chúng tôi luôn ưu tiên cho những anh em sức khỏe yếu thoát ra ngoài, vì sợ ở lại có thể bỏ mạng do không chịu đựng nổi đòn roi của quân thù và những đồng chí cốt cán được ra trước, để tìm cách liên lạc với tổ chức bên ngoài”, ông Thế cho hay.

Ông vẫn nhớ như in buổi trưa năm 1971, khi ông “bắt” được khoảnh khắc hai tên lính gác trên đài cao ngủ gật. Biết thời cơ đến, ông Thế nhanh chóng trèo qua 13 lớp kẽm gai để thoát ra ngoài. Dây kẽm gai nhọn hoắt, đâm nát da thịt người tù, nhưng chẳng sá gì khi ông nghĩ mình đang dần chạm đến tự do. 

“Tui với một người nữa vượt được ra ngoài, chạy chừng 200 mét thì bị địch phát hiện do anh em tù nhân bắt chước kéo nhau rồng rắn đi theo. Địch lần theo dấu vết cỏ tranh, nên nhanh chóng bắt được. Sau lần vượt ngục không thành, tui bị đưa vào nhà biệt giam suốt 11 tháng trời”, ông kể.

Căn nhà nhỏ được địch dựng lên, phía trên quây bằng bạt, chỉ chừng vài chục mét vuông, nhưng giam giữ cả trăm tù nhân. Mọi sinh hoạt đều được thực hiện tại chỗ.

Khẩu phần mỗi tù nhân chỉ lưng ca nước mỗi ngày. Ăn uống, vệ sinh đều trong ca nước đó. Cơm ngày hai bữa, nhưng địch giao cách nhau chỉ một tiếng. Phần ăn, muối còn nhiều hơn cơm. 

Tù nhân đói quá đành phải ăn, nhưng ăn vào lại khổ sở vì khát khô cổ không có nước uống. Thiếu chất, lại thêm liên tục bị tra tấn, hành hạ, khiến có người nổ tròng mắt, rụng hết răng, có người không cầm cự nổi mà trút hơi thở trong tù. Vậy nhưng chẳng ai sờn lòng, một lòng kiên trung với cách mạng.

“Cứ nghĩ kiếp này tụi tui sẽ bỏ mạng nơi đây, hoặc bị đem bỏ ngoài biển khơi làm mồi cho cá, không ngờ tui cùng các bạn tù của mình cũng có ngày được trao trả tự do”, ông Thế nhớ lại. 

Chỉ còn 3 ngày nữa là được trao trả, nhưng ông Thế vẫn bị địch tra tấn bằng điện dã man. Đau đớn vì phải gánh chịu những đòn roi tra tấn khốc liệt, nhưng ông cùng đồng đội của mình vẫn bí mật may cờ giải phóng.

Giây phút được trao trả tại sân bay Tây Ninh, ông cùng đồng đội đã kiêu hãnh phất cao ngọn cờ giải phóng. 

Sau ngày được trao trả, ông Thế được tổ chức cử đi học tại trường quân chính quân khu Trị Thiên.

Năm 1974, ông vào Nam chiến đấu, sau giải phóng ông về quản lý trại giam ở Phong Điền, rồi về làm ở ban tham mưu huyện đội Phú Vang.

Năm 1977, ông làm chủ nhiệm hậu cần huyện đội Hương Phú cho đến lúc về hưu.

Đọc thêm