Trao kỷ lục cho cụ ông dành cả đời bán... nước lã

(PLO) - Di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam) không chỉ có những mái nhà cổ xưa, rêu phong mà còn có những con người bình dị mưu sinh trong lòng phố cổ. Tại đây, có một nghề mà nghe qua, ai nấy cũng thấy lạ lẫm: bán nước lã! 
Vợ chồng cụ và anh con trai hơn 50 tuổi trong căn nhà nhỏ
Vợ chồng cụ và anh con trai hơn 50 tuổi trong căn nhà nhỏ

Công việc hàng chục năm qua rất nhiều người nghèo bám lấy làm kế sinh nhai rồi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao: “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam” như trường hợp cụ ông Nguyễn Đường (SN 1931, ngụ phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam)… Mà nếu thiếu vắng họ, phố Hội như thiếu mất phần “hồn”.

Từ mưu sinh nhờ nước lã

Trong một con hẻm ngoằn ngoèo, nhỏ xíu, ngôi nhà của vợ chồng cụ ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ (SN 1929, vợ cụ Đường) nằm khiêm tốn như một mảnh ghép nhỏ của phố Hội. Cái khuôn viên rộng chừng 30m2 ấy, là nơi hai vợ chồng cùng anh con trai năm nay gần 50 tuổi, vẫn ngây ngô như đứa bé mới lớn, bắt đầu khởi nghiệp nghề gánh nước thuê của mình.

Trò chuyện với PV, cụ Đường kể về cuộc đời của mình. Từ khi mới cưới nhau, hai vợ chồng trẻ vào Sài Gòn sinh sống và có được cậu con trai đầu lòng Nguyễn Văn Quốc (SN 1959). Những tưởng cuộc sống nơi đất khách sẽ thuận lợi, nhưng khi Quốc lên 3 tuổi, sau trận ốm, cậu được bác sĩ chuẩn đoán bị thần kinh.

Dù gia đình chữa trị ở nhiều nơi nhưng bệnh của Quốc vẫn không thuyên giảm. Hai vợ chồng đưa con về lại Hội An sinh sống. Thời điểm đó, không có đất canh tác, cụ bà Mỹ gánh nước thuê ở giếng cổ Ba Lễ, còn ông Đường bốc vác tại bến thuyền ven sông Hoài. Để có tiền lo thuốc thang cho con, hai cụ quyết định không sinh thêm. Vào năm 1965, cụ Đường mới chuyển hẳn sang nghề gánh nước.

Đến nay, sống hơn 80 năm tuổi đời, hai vợ chồng cụ Đường có thâm niên hơn 50 năm gánh nước giếng đi rao bán. Cả đời, các cụcũng chưa biết cảm giác cầm tay lái chiếc xe đạp, xe máy như bao nhiêu người khác. Đôi thùng nhôm cũ với chiếc đòn gánh tre mòn vẹt trở thành vật dụng bất ly thân với họ.Ngày còn trẻ, ông bà có hai đôi gánh. Cứ chân đất đầu trần, gánh nước đến từng nhà thuê.Bây giờ chân yếu, mắt mờ, ông bà chung gánh.

Sáng sáng người dân phố Hội quen với hình ảnh cụ Mỹ nặng nhọc kéo từng mo nước đổ chừng nửa đôi thùng, sau đó lẽo đẽo đi theo sau chân cụ Đường để giúp ông vượt qua những vật cản dọc đường. Cũng có khi thấy hình ảnh ông lão, bằng  một “đứa trẻ” 50 tuổi- anh Quân con trai ông bà.

“Không có cái giếng này, gia đình tôi không sống nổi đến ngày hôm nay. Chúng tôi làm từ lúc chỉ nhận mấy hào đến mấy đồng cho một đôi nước, giờ lên 10.000 đồng như bây giờ. Mới đây, tui vừa được Tổ chức Kỷ lục VN trao bằng xác lập kỷ lục: “Người gánh nước giếng thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam”, cụ Nguyễn Đường nói.

Từ ngày vinh danh, người dân trong hẻm 30 Phan Chu Trinh không lạ lẫm với hình ảnh một số người tay cầm máy ảnh, máy quay theo gánh nước của cụ Đường. Đôi thùng ngày ngày bên giếng cổ Bá Lễ đã được báo chí trong nước và quốc tế nhiều lần nhắc đến.

Nhiều bức ảnh do các nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế lẫn khách du lịch chụp hai vợ chồng treo khắp nơi. Nhiều người ca tụng, chính nhờ cụ mà di tích giếng cổ Bá Lễ như được “sống lại” và “gánh” thêm hình ảnh Hội An đi xuyên thế kỷ.

Nói như lời ông Võ Phùng, giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao Hội An: Giếng cổ Bá Lễ là nét văn hóa trong đời sống tâm linh người dân Phố Hội. Và chính những người phu gánh nước giếng thuê cũng làm nên một sản phẩm du lịch, làm đẹp hơn cho phố cổ.Sự tồn tại của họ, như cụ Đường, chở “di sản” đáng trân trọng, lưu truyền và tôn thêm vẻ đẹp cho Hội An.

Tuy nhiên, ngược lại với sự “nổi tiếng”, cuộc sống của gia đình cụ vẫn đầy cơ cực với nhiều nỗi lo canh cánh. Căn nhà nhỏ, không giường chiếu. Tối đến, cụ ông, cụ bà cùng đứa con ngây dại, cứ thế xếp dọc ngay lối đi mà ngủ.Ngoài mức lương trợ cấp người già ít ỏi, ông bà già nhưng vẫn gánh nước thuê, chi tiêu tiện tặn với hi vọng, có thể sắm sửa chút vật dụng “để mai này cho con”.

Thế nhưng, thực tế, cụ Đường cho biết, cũng không thể dư dả được. Vậy nên, vợ chồng luôn phải dặn dò “cố dìu nhau mà sống”. Giơ hai bàn chân chai sạn, nứt nẻ, cụ Đường tiếp tục câu chuyện: “Chừ, sức yếu, đi không đã khó, huống chi gánh nước.

Mùa đông, trời mưa, đường trơn lắm.Tui phải cố gắng bám mười đầu ngón chân và cả bàn chân xuống mặt đường để trụ. Có mấy lần trượt ngã, gánh nước văng mỗi đầu một gàu. Bởi rứa, tui mới bảo thằng Quốc theo phụ gánh giúp. Một phần để cho nó ra đường tiếp xúc.

Cụ Đường bên giếng Bá Lễ
Cụ Đường bên giếng Bá Lễ

Giếng cổ hồn phố Hội

Tồn tại gần 1.000 năm, giếng cổ Bá Lễ trở nên vô cùng quan trọng đối với người Hội An. Nhiều món ăn nổi tiếng của Hội An, ngon và có mùi vị đặc trưng như cao lầu, mì quảng, xí mà... không dùng nước giếng Bá Lễ, không thể chế biến ngon được.

Mưa cũng như mùa nắng, mạch ngầm nước dồi dào, trong sạch và ngọt, cộng thêm nguồn nước thanh mát, khiến cho ai đã một lần nếm, không thể nào quên.

Đó cũng chính là lý do mà đa phần người dân Hội An, dù trong nhà đã có nước giếng đóng, nước máy nhưng vẫn thích sử dụng nước giếng Bá Lễ để nấu ăn, pha trà, uống thường ngày. Chẳng ai dùng nước giếng Bá Lễ để tắm bao giờ, vì như vậy là phí phạm.

Cũng vì thế, khách du lịch đến Hội An từ lâu đều bị hút hồn, muốn thưởng thức dòng nước mát lạnh, trong vắt với những câu chuyện huyền bí quanh giếng cổ. Nhiều vị  khách nước ngoài còn đề nghị xin được đưa nước giếng cổ về làm quà. Từ nhu cầu đó, công việc bán nước lã của anh và những nông dân một thuở nơi phố Hội nghiễm nhiên “ăn theo”. 

Với cụ Đường, vào nghề không cần vốn liếng, chỉ việc đầu tư mua vài cái can nhựa cỡ 20 lít, dùng lâu dài. Ban đầu, cụ bán cho những cụ già có thói quen pha trà bằng nước giếng cổ, rồi đến các quầy bán rau xanh ở chợ.

Lâu dần, cả nhà hàng ăn uống, các khách sạn hạng sang phục vụ khách tây, ta đặt hàng. Thu nhập theo đó cải thiện dần. Áp dụng thời giá hiện tại, cụ Đường tính, cứ mỗi can nước 20 lít, giá 7-10 ngàn đồng tùy theo quãng đường đi, trừ chi phí cũng còn dư được 200 ngàn, coi như lấy công làm lãi.

Đến nay có khoảng hơn chục người thường xuyên mưu sinh bằng nước giếng cổ Bá Lễ như cụ. Những người làm nghề này đều có hoàn cảnh na ná nhau: Nhà nghèo, con đông, không một tấc đất canh tác, không có đồng vốn giắt lưng.

“Cái triết lí “nước lã cầm hơi” đã được đổi bằng phương châm “mưu sinh nhờ nước lã”. Giếng cổ nuôi người và chính nó tự cứu nó trong khi bị nhịp sống hiện đại vùi trong quên lãng…”,cụ Đường bộc bạch.

Cũng theo cụ, giếng cổ Bá Lễ đi vào đời sống của người dân phố cổ như một huyền thoại. Cụ và người dân ở đây ai cũng nằm lòng tương truyền, di tích giếng Bá Lễ do người Chăm đào mà thành, có niên đại khoảng 1.000 năm. Giếng sâu khoảng hơn 10 m. Vách giếng được ốp gạch theo dạng hình vuông, dưới có khung gỗ lim rộng. Không ai nhớ chính xác giếng có tên gì, chỉ biết rằng khoảng hơn 100 năm về trước, một người phụ nữ tên Bá Lễ giàu có trong vùng, bỏ ra 100 đồng tiền Đông Dương để tu bổ.

Ghi ơn bà, người dân lấy tên bà đặt cho giếng đến ngày nay. Vào mùa hè dù có nắng hạn bao nhiêu, giếng Bá Lễ cũng không trơ đáy. Khi nước lưng chừng, cụ và người dân múc hết để giếng cạn hẳn.

Sau đó, dùng thang và dây thừng lần xuống vét bùn đất lắng đọng.Cỡ khoảng 1 ngày, giếng lại cho nước.Cứ vào ngày rằm, mùng một hàng tháng, không ai bảo ai, người mưu sinh nhờ nguồn nước giếng lại ghé vào thắp hương, kính cẩn đặt lên bàn thờ một ít trái cây.

“Hành động này được xem như một cách tri ân thần giếng đã giúp những người như anh có kế sinh nhai”, cụ Đường tâm sự.

Đọc thêm