Người tài trăn trở "chỗ đứng" khi về nước

(PLO) - Những ngày này, câu chuyện nhân tài: “có đi, không có về” lại một lần nữa được đưa ra bàn thảo. Trước đó là Đà Nẵng vừa khởi kiện nhân tài thành phố được cử đi học nhưng không trở về làm việc như cam kết ban đầu và một cựu thành viên Đường lên đỉnh Olympia ở Cần Thơ bỗng “nổi tiếng” bởi không chịu làm... Phó hiệu trưởng một trường ĐH.
Đại biểu tài năng trẻ tại Lễ báo công dâng Bác
Đại biểu tài năng trẻ tại Lễ báo công dâng Bác
Cần “đặt đúng người, đúng chỗ”
Mới đây, tại ĐH Tài năng trẻ tại Hà Nội, trong đó nhiều người là du học sinh đã về nước, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân trăn trở, vì sao người Việt có trí tuệ không thua kém các nước khác, nhưng đất nước lại không phát triển nhanh như kỳ vọng?. Và vì sao những người giỏi, đặc biệt là trí thức trẻ, lại không tham gia nhiều hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, trong khi Nhà nước rất cần nhân tài?.
Ông cũng muốn biết nguyên nhân chỉ có số ít người về nước sau khi du học, nhiều người giỏi ở lại nước ngoài không muốn về? Lãnh đạo Bộ KH&CN nhấn mạnh, đất nước muốn phát triển cần người tài. Một phần không nhỏ trong số đó là những trí thức đang học tập ở nước ngoài.
Tháng 5/2010, PGS.TS Lê Anh Vinh nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi, sau đó về Việt Nam công tác và được vinh danh Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm vào năm 2013. Theo PGS.TS Lê Anh Vinh: “Nhiều nhà khoa học trẻ chưa được sắp xếp, bố trí đúng vị trí công việc, chưa có chế độ làm việc thích đáng và chưa nhận được những cơ chế khuyến khích sáng tạo để họ có thể toàn tâm toàn ý cho khoa học”. Cũng theo PGS Vinh, nếu đã thực sự coi các nhà khoa học trẻ là nguồn lực quan trọng thì Nhà nước cần xem xét có những lộ trình cụ thể để triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực này.
PGS Vinh cho rằng, trong những tranh luận ồn ào trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây về hiện tượng “chảy máu” chất xám, người tài “một đi không trở lại” xây dựng đất nước, chúng ta có thể thấy rằng lợi ích về vật chất không phải là lý do cơ bản: “Hầu hết các nhà khoa học hàng đầu chọn sang Mỹ làm việc vì ở đó họ có các đồng nghiệp, những người có cùng mối quan tâm, cùng hợp tác nghiên cứu. Ở đó họ được bao học bởi môi trường làm việc học thuật, phát huy được tối đa khả năng sáng tạo và năng lực nghiên cứu của mình”,  PGS Vinh nói.
Sinh viên Đào Thị Trúc Ngân, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM  kể lại câu chuyện về TS Nguyễn Cúc, giảng viên tại ĐH Melbourne, Australia trăn trở chuyện du học sinh đi hay ở. Theo đó, môi trường công tác tại Australia tuyệt vời cho học sinh mới tốt nghiệp khi áp dụng được những gì học vào công việc. Nhiều người khi về nước, họ thấy chán nản bởi không thể áp dụng được chuyên môn đã học. Nguyên nhân là những kiến thức đó quá mới mẻ tại Việt Nam.
TS Cúc từng nỗ lực quay trở về quê hương. Nhưng ngay cả khi đó, bà cũng nhận ra những người con của mình không thể thích nghi với môi trường học tập tại quê nhà. Điều này khiến bà quyết định định cư lâu dài tại Úc. 
Những trường hợp như TS Cúc đã không còn là câu chuyện hiếm ở Việt Nam, khi các số liệu gần đây cho thấy, đến 70% du học sinh lựa chọn ở lại nơi mình đang học tập, thay vì quay về nước phục vụ. Mới đây, con số 12/13 quán quân của Đường lên đỉnh Olympia đang ở nước ngoài làm nóng dư luận, Trúc Ngân cho biết cho rằng, thực tế người Việt luôn có khát vọng cống hiến và đóng góp. Để giữ được nguồn nhân lực đầy tiềm năng này, vấn đề đặt ra là “đặt đúng người vào đúng chỗ”. 
“Hãy làm đã, đừng kêu ca”
Thực tế, hiện cả nước có hơn 4,2 triệu người có trình độ từ CĐ, ĐH trở lên, trong đó có hơn 24 nghìn tiến sĩ; 101 nghìn thạc sĩ; số người trực tiếp làm công tác nghiên cứu và phát triển là trên 62 nghìn người. Ngoài ra, còn có hơn 100 nghìn du học sinh, 300 nghìn trí thức kiều bào ở nước ngoài. Đây là lực lượng tiềm năng được đào tạo bài bản và được rèn luyện trong môi trường nghiên cứu khoa học và công nghệ trình độ cao.
Tuy nhiên, xét về hiệu quả, Việt Nam chưa có nhiều công trình, sản phẩm  khoa học công nghệ mang tính đột phá ở tầm khu vực và trên thế giới. Cụ thể, số lượng bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam trong 5 năm 2008 - 2012 là 6.356, kém Thái Lan 4 lần; kém Singapore 7 lần, kém Nhật bản 57 lần và kém Hoa Kỳ 256 lần. Số đơn đăng ký bảo hộ của chúng ta vẫn còn khá thấp. Trong giai đoạn 2001- 2010 số đơn đăng ký của người Việt Nam là 1.665 đơn, so với 20.057 đơn của nước ngoài, số bằng độc quyền sáng chế được cấp của người Việt chỉ đạt 257 văn bằng, kém 27 lần so với số lượng văn bằng được cấp của người nước ngoài.
Tiến sĩ Bạch Long Giang, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, ĐH Nguyễn Tất Thành thẳng thắn cho rằng, ở Việt Nam còn quá ít sân chơi khoa học cho các trí thức trẻ. Nên thành lập Viện Khoa học và Công nghệ cho cán bộ trẻ, khuyến khích những người có tuổi đời dưới 35, tiến sĩ Giang đề xuất.
Đồng tình với ý kiến này, TS Vũ Thị Ngân, giảng viên ĐH Quy Nhơn kiến nghị thêm, nên cho các tiến sĩ trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài thêm một thời gian thực hành để nâng cao bản lĩnh nghiên cứu. Bởi theo TS Ngân, nếu tốt nghiệp rồi về nước ngay, họ lại rơi vào môi trường thiếu điều kiện, trong khi phải xây dựng một nhóm nghiên cứu. Điều này là quá khó với các du học sinh vừa tốt nghiệp. Nữ tiến sĩ trẻ cũng góp ý về một số bất cập trong thủ tục, cơ chế ảnh hưởng đến du học sinh. Cô từng gặp bất tiện khi phải nộp bản cứng hồ sơ đăng ký đề tài khoa học từ Bình Định ra Hà Nội. Trước đó, khi còn làm việc ở nước ngoài, các đơn vị khoa học chỉ yêu cầu gửi bản online.
Về vấn đề du học sinh muốn ở nước ngoài để nghiên cứu khoa học cơ bản, TS Dương Trọng Hải, giảng viên ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng, bản thân ông cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau hơn 4 năm nghiên cứu khoa học cơ bản ở nước ngoài, có nhiều bài báo khoa học, ông muốn về nước nhưng nhận ra điều kiện kinh tế ở Việt Nam không phù hợp. Tuy nhiên, ông Hải vẫn quyết định trở về và chuyển hướng từ nghiên cứu cơ bản sang lĩnh vực kết hợp ứng dụng. 
Theo ông, chúng ta có thể tận dụng rất nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản của các nước phát triển. Việt Nam đang trên xu thế hội nhập, nhu cầu về khoa học ứng dụng quan trọng hơn để đổi mới công nghệ và tạo ra thành phẩm. 
TS Nguyễn Thiên Tạo, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ, các trí thức học tập ở nước ngoài cũng rất muốn về nước cống hiến. Tuy nhiên, có 2 vấn đề khiến họ băn khoăn là Nhà nước thực hiện chính sách chậm và chưa có cơ chế lưu thông nguồn lực khoa học.
Bởi giữa những nhà quản lý chính sách và các nhà khoa học vẫn còn nhiều khoảng cách. Chính sách hỗ trợ các nhà khoa học thường bị trì hoãn, tạo ra độ trễ so với thực tiễn.
Từng có thời gian học tập tại Nhật Bản, TS Nguyễn Thiên Tạo cho biết, quốc gia này có chính sách ngoại giao khoa học rất thành công. Họ thành lập ủy ban liên kết với các nước để chia sẻ, lưu thông nguồn lực khoa học. Nếu điều này thực hiện được ở Việt Nam, các trí thức du học về nước sẽ không phải lo môi trường học thuật không đủ đáp ứng năng lực của họ.
Và cũng theo PGS TS Lê Anh Vinh, mặc dù còn có nhiều điều phải bàn về cơ chế, chính sách và môi trường, thế nhưng nếu như chúng ta chỉ kêu ca mà không bắt tay vào nghiên cứu khoa học bằng nhiều cách khác nhau thì câu chuyện sẽ khó thay đổi...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: “Nếu cơ chế chính sách không tốt thì lương tăng 100 lần chưa chắc đã hiệu quả”
Cần xây dựng chính sách ngoại giao khoa học để tận dụng sự chia sẻ tài liệu, kiến thức, sản phẩm khoa học trong khu vực và quốc tế. Sẽ thay đổi cách thức cử trí thức đi đào tạo ở nước ngoài, chỉ tập trung đào tạo những lĩnh vực mà đất nước đang cần thiết. Đẩy mạnh việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để người làm nghiên cứu khoa học yên tâm cống hiến.Thứ trưởng nhấn mạnh việc quan trọng nhất là cải thiện cơ chế, chính sách. Nếu cơ chế chính sách không tốt, chúng ta có thể tăng lương gấp 100 lần cũng chưa chắc tạo ra hiệu quả.
Đà Nẵng sẽ tiếp tục khởi kiện nhân tài không trở về
Vừa qua, TAND TP Đà Nẵng đã mở phiên xử sơ thẩm dân sự, tuyên buộc anh Hồ Viết Luận, học viên Đề án 922 (Đề án nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố) phải bồi thường gần 2,7 tỉ đồng cho thành phố vì vi phạm hợp đồng. Đồng thời, tòa này cũng tuyên buộc một học viên khác thuộc đề án là Huỳnh Thị Thanh Trà phải bồi thường cho thành phố hơn 3 tỉ đồng.
Trước đó, Đà Nẵng cũng đã khởi kiện 5 trường hợp khác ra tòa cũng vì vi phạm hợp đồng như trên. Tính đến nay, đã có 7 nhân tài vi phạm hợp đồng của thành phố bị khởi kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường và thu về hơn 10 tỷ đồng. Theo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố, hiện còn 17 trường hợp vi phạm hợp đồng, nếu không thực hiện nghĩa vụ, Trung tâm sẽ tiếp tục khởi kiện để đảm bảo công bằng.

Đọc thêm