Phải phòng chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm

(PLO) - Đó là yêu cầu được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo 138 (Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm) và Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hôm qua (29/1).
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Tội phạm núp bóng doanh nghiệp 

Báo cáo của Bộ Công an do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày cho biết: Năm 2017, phạm pháp hình sự xảy ra 52.947 vụ. 

Hoạt động của các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nổi lên là: Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, hoạt động của tội phạm núp bóng doanh nghiệp, các băng, nhóm tội phạm ở một số địa phương có biểu hiện lộng hành, tính chất lưu manh, côn đồ, liều lĩnh, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. 

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho biết năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với năm 2016), thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế trên 23.000 tỉ đồng (tăng 7,17% so với cùng kỳ 2016), khởi tố 1.637 vụ án (tăng 4,87% so với cùng kỳ) và khởi tố 2.118 đối tượng vi phạm (tăng 13,69% so với cùng kỳ). 

Các lực lượng đã phát hiện trên 17.000 vụ phạm tội về kinh tế, gần 950 vụ việc phạm tội sử dụng công nghệ cao, hơn 19.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xấp xỉ 22.000 vụ phạm tội về ma tuý; khám phá 324 vụ mua bán người, bắt 425 đối tượng, tiếp nhận và giải cứu 517 nạn nhân.

Tội phạm giết người giảm về số vụ, nhưng tính chất, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức, xảy ra một số vụ việc đối tượng có biểu hiện tâm thần, “ngáo đá” giết người.

Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương. Tội phạm chống người thi hành công vụ tính chất, mức độ ngày càng liều lĩnh, nguy hiểm, manh động, thách thức, coi thường pháp luật; tái diễn tình trạng cướp tiệm vàng, ngân hàng, quỹ tín dụng, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng. 

Về kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, năm 2017, toàn quốc xảy ra 376 vụ với 491 đối tượng, 991 nạn nhân; xác minh, giải cứu, tiếp nhận 1.450 trường hợp. Lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá 324 vụ, bắt 425 đối tượng…

Tuy tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài được kiềm chế, nhưng nước ta vẫn là “điểm nóng” của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em gái để hoạt động mại dâm, kết hôn bất hợp pháp, đẻ thuê... 

Về tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng đất, bảo hiểm y tế, cấp phép các dự án vốn đầu tư nước ngoài, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, sản xuất kinh doanh các mặt hàng trọng yếu... Sai phạm, tiêu cực, dấu hiệu lợi ích nhóm tại nhiều dự án BT, BOT giao thông tiếp tục được xác minh làm rõ. 

Không có nơi nào là “vùng cấm” 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ còn một số tồn tại, hạn chế, trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hiện nay, các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu... vẫn diễn ra phức tạp; có nơi, có lúc tội phạm hình sự hoạt động ngang nhiên “lộng hành”, gây bức xúc trong dư luận; việc phát hiện và xử lý tham nhũng ở một số địa phương còn hạn chế. 

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn xảy ra trên diện rộng, với thủ đoạn tinh vi và gắn với tệ nạn tham nhũng, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế. Để chủ động phòng ngừa, đối phó với các loại tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền cần xác định, việc quán triệt công tác phòng ngừa tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài và cần huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, toàn dân tham gia; kiên quyết không cho phép có “vùng cấm”. 

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, các cơ quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết “không có vùng cấm” trong công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

“Phải phòng chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả” - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đọc thêm