Đồng thời mở nhiều đợt tấn công cao điểm trấn áp tội phạm, tập trung vào tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Theo Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tội phạm năm 2017 do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức vừa qua, năm 2017, tình hình hoạt động của các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia. Các đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển heroin, ma túy tổng hợp (MTTH), cần sa ở các tỉnh Bắc Lào hoạt động mạnh. Riêng việc mua bán, vận chuyển MTTH tăng tới 7 lần so với năm 2016. Các đối tượng tập kết ma túy ở khu vực biên giới đối diện như Phong Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt, sau đó chúng móc nối với các đối tượng trong nước vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam và đưa sang nước thứ ba tiêu thụ.
Đối với tuyến biên giới Việt - Trung nóng nhất là ma túy “đá”. Ma túy “đá” được sản xuất chủ yếu từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sau đó các đối tượng thiết lập đường dây vận chuyển với số lượng lớn về các địa bàn sát biên giới Việt Nam. Tại đây, chúng chủ yếu thuê đối tượng người Việt vận chuyển qua biên giới vào nước ta. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, lượng MTTH được vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh so với năm trước. Các đối tượng trên tuyến này chủ yếu tập kết ma túy tại một số sòng bạc, khách sạn sát biên giới, sau đó tìm mọi cách đưa vào Việt Nam và đưa qua nước thứ ba tiêu thụ.
Thời gian gần đây, các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức liên lạc, vận chuyển mới, tinh vi hơn như lợi dụng triệt để các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...) để tránh các lực lượng chức năng theo dõi. Chúng cũng tăng cường sử dụng người Trung Quốc, người Lào, người Việt gốc Lào để trực tiếp vận chuyển ma túy qua biên giới.
Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường, nhất là mặt hàng xăng dầu. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu chủ yếu tập trung trên vùng biên giới tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Đà Nẵng, Phú Yên và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ngoài các thủ đoạn cũ, thời gian gần đây, lực lượng BĐBP đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép hóa chất, dung môi để pha trộn sản xuất xăng giả, xăng kém chất lượng với số lượng lớn. Trên biên giới các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn... tội phạm buôn lậu gỗ luôn là nỗi nhức nhối. Các đối tượng đều có một điểm chung là rất liều lĩnh. Trước những khoản lợi ích kếch xù, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, chúng sẵn sàng chống trả và không ngần ngại sử dụng vũ khí nóng như súng, lựu đạn để tấn công lực lượng chức năng.
Với tinh thần chủ động tấn công tội phạm đến cùng, năm qua, các đơn vị BĐBP đã chủ trì phối hợp đấu tranh, bắt giữ, xử lý 9.826 vụ/14.732 đối tượng (tăng 1.179 vụ với 1.291 đối tượng so với năm 2016); khởi tố, bàn giao cho cơ quan điều tra 1.222 vụ với 1.538 đối tượng, xác lập 115 chuyên án, đấu tranh thành công 92 chuyên án, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP chủ trì đã yêu cầu các đơn vị BĐBP trong toàn lực lượng, nhất là các đơn vị phụ trách địa bàn phức tạp như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và các tỉnh miền Tây Nam bộ phải rút ra bài học sâu sắc sau mỗi chuyên án, mỗi đợt tấn công trấn áp tội phạm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã có chỉ đạo Bộ Tư lệnh BĐBP tăng cường lực lượng, phương tiện, tiến hành đồng bộ các biện pháp, tổ chức thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Mậu Tuất 2018.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là các đơn vị Công an, Cảnh sát Biển, Hải quan và Kiểm lâm cùng cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương chủ động nắm chắc tình hình mọi mặt, xây dựng kế hoạch khoa học, tiến hành đồng bộ các biện pháp, chú trọng thực hiện phòng ngừa xã hội là chính kết hợp chặt chẽ với biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ là mũi nhọn, nắm chắc mọi diễn biến tình hình trên biên giới, đất liền, trên biển, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm, vi phạm theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để phát sinh điểm nóng phức tạp về tình hình an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán.