Quân khu 2 nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ

(PLO) - Mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khiến các tỉnh vùng núi phía Bắc thuộc địa bàn Quân khu 2 bị ảnh hưởng nặng nề. Công tác tìm kiếm, cứu nạn (TKCN), khắc phục hậu quả lũ quét tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ… vẫn đang được cán bộ, chiến sĩ các lực lượng Quân khu 2 khẩn trương thực hiện.
Thiếu tướng Vũ Sơn Hoàng - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 2 thăm hỏi, động viên người dân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La.
Thiếu tướng Vũ Sơn Hoàng - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 2 thăm hỏi, động viên người dân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La.

3 ngày qua, tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ… trên địa bàn Quân khu 2 đã xảy ra mưa to, gây lũ lớn và sạt lở đất đá, gây thiệt hại nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản, hoa màu của người dân và làm ách tắc giao thông trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Nhiều địa phương tại huyện Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên và huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu bị cô lập hoàn toàn. 

Đêm mồng 2, rạng sáng 3/8/2017, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đã xảy ra mưa lũ lớn làm hàng chục người chết và mất tích, cùng nhiều nhà cửa của nhân dân bị cuốn trôi, sập đổ..., thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng hơn 150 tỷ đồng. Ngay sáng 3/8, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Mù Cang Chải điều động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ tập trung tìm kiếm người mất tích và giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. 

Ngày 4/8/2017, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái tiếp tục huy động 150 cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Yên Bái cùng gần 500 dân quân thường trực của các xã trên địa bàn huyện Mù Cang Chải tổ chức khoan phá đá, lật bùn đất để tìm nạn nhân mất tích và giúp nhân dân tu sửa, củng cố nhà cửa, vệ sinh đường giao thông để ổn định cuộc sống. Bộ CHQS tỉnh cũng vận chuyển 4 xuồng máy cùng 30 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội Trinh sát có khả năng bơi, lặn giỏi cơ động lên khu vực hồ thủy điện Mù Cang Chải để TKCN.

Theo báo cáo tổng hợp tình hình mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ ngày 1/8 đến ngày 4/8 của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, mưa lũ đã làm 9 người chết, 24 người mất tích, 12 người bị thương; cuốn trôi hoàn toàn 74 nhà, làm hư hỏng, đổ 183 nhà, 7 công trình công cộng bị thiệt hại nặng; cuốn trôi 2 cây cầu, 1 kè, 2 đường dẫn đầu cầu, sạt lở 200m đường quốc lộ 32 và khoảng gần 50.000m3 đất đá; hư hại 251 ha lúa và hoa màu, 141 công trình thủy lợi và hàng trăm gia súc. Thiệt hại ước tính riêng tại tỉnh Yên Bái khoảng 150 tỷ đồng.

Để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã phối hợp với chính quyền địa phương điều động 8.994 người, trong đó có 1.285 cán bộ, chiến sĩ, 1.869 dân quân tự vệ, hàng trăm chiến sĩ công an và gần 6.000 người thuộc các lực lượng khác, cùng 97 phương tiện, tập trung khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất tại Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên...

Để kịp thời giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống, hôm qua - 4/8/2017, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tiếp tục chỉ đạo Bộ CHQS các địa phương tập trung huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả, đồng thời dự kiến điều động 250 cán bộ, chiến sĩ, cùng nhiều phương tiện của Sư đoàn 316 tăng cường cho tỉnh Yên Bái; điều động 250 cán bộ, chiến sĩ và các phương tiện tăng cường cho tỉnh Điện Biên...

Theo dự báo, trên phạm vi các tỉnh miền núi phía Bắc, mưa lũ có thể kéo dài đến ngày 6/8. Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa - Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu), Chánh Văn phòng UBQG TKCN khuyến cáo: “Để chủ động giúp người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra, cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng các địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ mưa lũ để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống.

Các địa phương phải tổ chức rà soát ngay những vị trí xung yếu, nguy hiểm, triển khai các phương án, kế hoạch chủ động phòng, tránh. Tổ chức sẵn lực lượng gần những khu vực dự kiến có thể xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét để khi có tình huống xử lý kịp thời, hiệu quả. Một trong những biện pháp quan trọng trong thời điểm này là các địa phương phải kiên quyết, chủ động cưỡng chế, di dời nhân dân ra khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở cao, không để người dân qua lại các đập tràn, khu vực nguy hiểm, không để người dân đi vớt củi, gỗ trên các sông, suối để bảo đảm an toàn...”.

Đọc thêm