Buổi diễn tập đã triển khai đúng kế hoạch đề ra với mục tiêu đảm bảo an toàn hồ đập, tính mạng, tài sản của nhân dân khi mưa bão.
Tham dự có đại diện các cơ quan ban ngành hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, lãnh đạo hai huyện Tuyên Hoá - Hương Khê, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân cơ động, y tế và hàng chục phương tiện tàu xuồng, xe máy, cùng đông đảo người dân vùng hạ du thủy điện. Chính quyền địa phương đánh giá cao công tác chuẩn bị diễn tập của Nhà máy Hố Hô và sự phối hợp giữa các đơn vị.
Từ trái qua: ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty điện lực miền Bắc, ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn |
Trao đổi với PLVN, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn, kiêm Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô cho biết: Rút kinh nghiệm từ mùa mưa lũ năm 2016, Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn đã khẩn trương triển khai các công tác khắc phục thiệt hại theo chỉ đạo từ trung ương.
Ngoài ra, ngay từ đầu năm, công ty đã phối hợp với UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hương Khê xây dựng các quy chế phối hợp giữa nhà máy với các xã cùng hạ du để thực hiện trong quá trình điều tiết lũ.
Củi rác trên mặt hồ, "dư âm" 2 cơn bão số 2 và số 4 vừa qua |
Về công tác diễn tập PCTT, ông Hùng cho biết hàng năm Nhà máy vẫn làm độc lập. Nhưng năm nay, Nhà máy đề nghị “ghép” với địa phương để sát hơn với các tình huống thực tiễn, theo nguyên tắc “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
Ông Hùng cũng nhấn mạnh sự phối hợp giữa Nhà máy và chính quyền địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác PCTT. Bởi khi điều tiết lũ, chính quyền chính là cầu nối đưa thông tin sớm nhất với nhân dân vùng hạ du để chuẩn bị các phương án đối phó.
Diễn tập mở cửa xả nước. |
Phía công ty cũng chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn cho người dân kiến thức, kinh nghiệm về PCTT, khuyến cáo nhân dân xây dựng nhà cửa theo mô hình vượt lũ, chuẩn bị lương thực dự trữ, các nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc men, thuyền bè… để thích ứng với một địa bàn được coi là “rốn lũ”. Đặc biệt, mỗi người đều phải chủ động thực hiện phương châm tự cứu mình, gia đình và cộng đồng khi thiên tai xảy đến.
Buổi diễn tập có sự tham dự của nhiều cơ quan, ban ngành |
Nhà máy Thủy điện Hố Hô là chi nhánh thuộc Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn (trụ sở tại Yên Bái). Trong đợt mưa lũ tháng 10/2016, Hố Hô “nổi tiếng” vì được cho là đã xả lũ, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân huyện Hương Khê. Trong đó, phía địa phương cho rằng nhà máy thông báo xả lũ chậm, khiến người dân không kịp trở tay.
Bộ Công Thương điều tra sau đó kết luận việc xả lũ đã làm tăng lưu lượng về hạ du trung bình khoảng 192 m3/s, tuy nhiên Hố Hô xả lũ trong tình huống khẩn cấp là phù hợp với quy trình vận hành hồ chứa để tránh nguy cơ xảy ra sự cố lớn hơn cho vùng hạ du.
Vùng hạ du của Thủy điện Hố Lô hiện gồm 8 xã của huyện Hương Khê, với hơn 7000 hộ dân, hơn 28.000 nhân khẩu.
Công ty cổ phần thủy điện Hồ Bốn được thành lập năm 2007, đóng tại địa bàn bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, với chức năng nhiệm vụ chính là đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện. Cổ đông của Công ty là Tổng công ty điện lực miền Bắc chiếm 93.09% vốn điều lệ,
Công ty tiếp quản Nhà máy thủy điện Hố Hô theo hợp đồng sáp nhập ngày 1/7/2016 về việc sáp nhập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện miền Bắc 1 vào Công ty cổ phần thủy điện Hồ Bốn, chỉ khoảng 2 tháng trước vụ xả lũ "đúng quy trình" nhưng vẫn gây "ồn ào" năm ngoái.
Một số hình ảnh trong buổi diễn tập:
Đường kè cánh phải thủy điện đang được xây dựng lại |
Diễn tập cứu nhà dân bị trôi |
Cứu người bị lũ cuốn trôi tại xã Hương Trạch |
Dìu nạn nhân vào khu vực y tế |
Khu vực quân y cứu nạn |