Quy định mới đáp ứng mong đợi đa số người dân

(PLO) - Quy định giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện của Luật TTHC 2015 đã đáp ứng được mong đợi, kỳ vọng của đa số người dân bởi Luật hiện hành rất khó đi vào cuộc sống. 
Một phiên tòa hành chính.
Một phiên tòa hành chính.

Có ý kiến lo ngại về việc TAND cấp tỉnh sẽ quá tải khi án hành chính đang ngày càng gia tăng nhưng TANDTC phủ nhận điều này.

Không kiện ra tòa – khiếu nại sẽ kéo dài, phức tạp

Mặc dù chủ trương cải cách tư pháp hiện nay là tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện, bảo đảm cho thẩm phán và tòa án độc lập xét xử nhưng do nhiều nguyên nhân, TAND cấp huyện vẫn phụ thuộc nhiều vào cấp ủy và cơ quan hành chính.

Tính độc lập của thẩm phán bị chi phối nhiều bởi việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, trong nhiều trường hợp, các bản án quy định của TAND cấp huyện khi giải quyết đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện bị ảnh hưởng và chi phối.

Điều đó làm vị thế, vai trò của thẩm phán cấp huyện yếu đi, về lâu dài khiến người dân không tin tưởng vào tòa án hành chính và sẽ tiếp tục lựa chọn giải quyết bằng con đường khiếu nại, khiến tình trạng khiếu nại kéo dài, phức tạp.  

Vì thế, rất nhiều ý kiến hoan nghênh quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như Luật năm 2015 là phù hợp với thực tế. Bởi nếu để TAND cấp huyện xét xử các vụ khiếu kiện liên quan đến quyết định của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện thì trong quá trình xét xử, tâm lý người được phân công làm chủ tọa cũng ngại và trên thực tế là có sự tác động, chi phối. 

Đa số người dân cho rằng Luật Sửa đổi lần này đã giải quyết được vấn đề tại sao Luật năm 2010 chậm đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến việc xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả. Đây là một Luật rất đặc thù vì quy định việc dân đi kiện quan, người dân đi kiện rất e ngại việc đến “cửa quan” để thực hiện vụ kiện. Việc xác định thẩm quyền xét xử là vấn đề mấu chốt đầu tiên để người dân đi kiện, đi tìm công lý tìm đến nơi phân xử mà họ tin là khách quan.

Chỉ giải quyết thêm khoảng 60 vụ/năm

Qua công tác tiếp dân cho thấy, người dân thường khởi kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai, vốn là những loại việc khó và phức tạp đòi hỏi thẩm phán cấp huyện có trình độ phải thực sự chuyên sâu. Trong khi đó, thẩm phán hành chính ở cấp huyện quá ít điều kiện giải quyết án hành chính nên gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng giải quyết các khiếu kiện này của TAND cấp huyện còn hạn chế, số vụ án bị hủy, sửa khá cao (khoảng từ 4% đến 5%/năm, các loại án khác chỉ khoảng trên dưới 1%/năm). Bởi vậy, việc giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện một mặt không làm quá tải về công việc cho TAND cấp tỉnh, mặt khác, khiến cho tính độc lập, chuyên sâu của thẩm phán hành chính tăng cường và đảm bảo hơn. 

Trong quá trình góp ý xây dựng hoàn thiện Luật Tố tụng Hành chính, Phó Chánh tòa Hành chính TAND TP HCM Nguyễn Thị Thùy Dung từng lo ngại, nếu giao cho tòa cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định, hành vi hành chính của cấp huyện sẽ tạo ra sự quá tải ở tòa cấp tỉnh, kéo theo là sự quá tải của các tòa cấp cao trong việc giải quyết phúc thẩm.

Ngược lại, báo cáo của TANDTC có nêu, các vụ án hành chính tòa cấp tỉnh xử ít, cấp huyện cũng không nhiều. Cho nên để tòa án cấp tỉnh lấy vụ việc tòa án cấp huyện lên xử sẽ không quá tải, không ảnh hưởng tới hoạt động của tòa hành chính cấp tỉnh. 

Cụ thể, TANDTC cho rằng việc giải quyết khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện và của UBND cấp huyện, đặc biệt là các quyết định có liên quan đến đất đai là loại việc khó, đòi hỏi phải có thẩm phán chuyên trách chuyên sâu thì việc giải quyết mới hiệu quả. Nhưng theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, ở các TAND cấp huyện không có tòa hành chính chuyên trách như ở TAND cấp tỉnh nên chưa có thẩm phán chuyên trách giải quyết các vụ án hành chính. 

Tuy nhiên, quy định tích cực trên vẫn vướng ở chỗ theo suy luận logic, những vấn đề liên quan đến UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh phải giao cho TANDTC thực hiện. Có điều, theo Luật Tổ chức TAND, TANDTC không có chức năng xét xử sơ thẩm. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện tố tụng hành chính hết sức cần thiết. “Như dân gian nói, những vụ án hành chính như “con kiến kiện củ khoai”. Cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa những chế định để củng cố niềm tin trong nhân dân” – một chuyên gia phát biểu.

Theo số liệu thống kê việc giải quyết các vụ án hành chính những năm gần đây cho thấy trung bình hàng năm các TAND cấp tỉnh thụ lý, giải quyết từ 700 đến 800 vụ; các TAND cấp huyện thụ lý, giải quyết khoảng 4.500 vụ/năm, trong đó các khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai chiếm khoảng 80%, tương ứng với 3.600 vụ.

Nếu giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì trung bình mỗi năm TAND cấp tỉnh sẽ giải quyết thêm khoảng 60 vụ/năm. Như vậy là không gây quá tải về công việc cho TAND cấp tỉnh khi giao việc giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện cho Tòa án này giải quyết.

Đọc thêm