Tạo công bằng và nghiêm minh trong xử lý vi phạm hành chính

(PLO) - Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 hiện đang được các địa phương tổ chức tổng kết để gửi báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp. Trong quá trình này, địa phương mong muốn Bộ Tư pháp tập trung nghiên cứu, trao đổi và đề xuất những phương án hiệu quả nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về XLVPHC tại các địa phương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một trong những vướng mắc được địa phương phản ánh là vấn đề giao quyền xử phạt cho cấp phó theo các quy định tại Điều 54 (giao quyền xử phạt); khoản 2 Điều 87 (thẩm quyền quyết định cưỡng chế); khoản 2 Điều 123 (thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính) của Luật XLVPHC. Tuy nhiên, Luật chưa quy định việc giao quyền cho cấp phó được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính khác (như tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…) dẫn đến sự lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 126 Luật XLVPHC quy định đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phản ánh, thực tế nhiều tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị lớn, cá nhân vi phạm là người làm thuê, có thu nhập thấp, không có khả năng nộp phạt và nộp khoản tiền nêu trên, nhất là trong lĩnh vực khoáng sản.

Đáng chú ý, vấn đề khiến địa phương băn khoăn nhiều nhất chính là về thời hạn. Cụ thể, Điều 66 Luật XLVPHC nêu rõ: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính”. Nhưng theo phân tích, thực chất chỉ có 05 ngày làm việc và 02 ngày nghỉ. Với thời hạn này, nếu trùng vào ngày nghỉ, việc cơ quan chuyên môn hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện để ra quyết định xử phạt thường không bảo đảm thời gian. 

Giải đáp vướng mắc liên quan đến giao quyền cho cấp phó, Bộ Tư pháp cho biết, đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (dự kiến ban hành trong tháng 7/2017). Trong đó, quy định cụ thể hơn nhằm giải quyết vướng mắc nêu trên, theo hướng: “Cấp phó của những người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được giao quyền thì có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 Luật XLVPHC”.

Đối với vấn đề về thời hạn chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 63) và thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 66), Bộ Tư pháp khẳng định, Luật XLVPHC quy định thời hạn chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính là 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định và thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính là nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt đối với việc giải quyết vụ việc phải nhanh chóng, công khai, nghiêm minh trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang triển khai xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách hành chính. Mặt khác cũng là để bảo đảm sự công bằng, bảo đảm và bảo vệ quyền của cá nhân, tổ chức vi phạm được xử lý vi phạm của họ một cách công bằng, công khai, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật. 

Riêng về quy định tại khoản 1 Điều 126, Bộ Tư pháp cho rằng, đây là quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp trong trường hợp tài sản của họ bị đối tượng vi phạm chiếm đoạt, sử dụng trái phép làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính. Đồng thời, việc quy định đối tượng vi phạm hành chính phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá phương tiện bị tịch thu thực chất là để buộc đối tượng vi phạm trong trường hợp chiếm đoạt, sử dụng trái phép phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm hành chính phải thực hiện hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm hành chính bằng tài sản của bản thân mình (một khoản tiền) để bảo đảm sự công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật.

Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị lớn, cá nhân vi phạm là người làm thuê, có thu nhập thấp, không có khả năng nộp phạt cũng như các khoản tiền khác liên quan đến thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Luật XLVPHC có quy định hình thức giảm, miễn tiền phạt (Điều 77) và hoãn thi hành quyết định phạt tiền (Điều 76), chỉ không có quy định về việc hoãn, giảm, miễn đối với khoản tiền khác như số lợi bất hợp pháp thu được, khoản tiền tương đương... 

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiến hành tổng kết thi hành Luật XLVPHC trên phạm vi toàn quốc. Từ cơ sở đó, Bộ Tư pháp ghi nhận các vấn đề mà địa phương phản ánh và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội quy định cụ thể hơn trong thời gian tới.

Đọc thêm