Thực hiện đặc xá hơn 18.500 người từ ngày 31/8

(PLO) - Từ 31/8, các trại giam của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng bắt đầu thực thi quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.
Theo quyết định của Chủ tịch nước, gần 18.300 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2015; 225 người được hoãn chấp hành án phạt tù và 16 trường hợp được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Trong số này có 34 phạm nhân nước ngoài
Quá trình xét, quyết định đặc xá cho các phạm nhân được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định được xem xét đặc xá.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm rất thấp, những năm gần đây đều dưới 1%. Điển hình là đợt đặc xá năm 2013 có hơn 15.000 phạm nhận nhưng chỉ có 114 người tái vi phạm pháp luật, chiếm tỷ lệ 0,73%. Các trường hợp đã được đặc xá mà tái phạm không được đặc xá đợt này.
Trong tổng số các phạm nhân được đặc xá đợt này có 2.026 phạm nhân nữ; phạm nhân được đặc xá già nhất là ông Nguyễn Văn Bảy (85 tuổi), trẻ nhất là Nguyễn Văn Thảo (15 tuổi), bị phạt tù về tội Cướp giật tài sản, hành vi rất nghiêm trọng. Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý cũng được đặc xá dịp này do đã đủ các điều kiện được xét.
Đợt đặc xá này có 325 phạm nhân phạm tội về chức vụ được đặc xá. Các phạm nhân này đã khắc phục hậu quả về kinh tế với số tiền hơn 13,7 tỷ đồng. Phạm nhân nộp nhiều nhất hơn 1,2 tỷ đồng là Nguyễn Thị Nguyệt phạm tội Tham ô tài sản.
Trong năm 2015, các phạm nhân đã nộp 256 tỷ đồng khắc phục hậu quả, trong đó có gần 64 tỷ đồng do các phạm nhân được đặc xá đợt này khắc phục. Nộp nhiều nhất là Lê Thị Bích Hạnh, chấp hành án tại trại giam Gia Trung, phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã khắc phục gần 17,8 tỷ đồng.
Không có trường hợp nào được đặc xá đợt này thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Trong số các phạm nhân được đặc xá có 1.449 người phạm các tội về ma túy; 2.188 người phạm tội giết người; 1.365 người phạm tội Hiếp dâm; 2.651 người phạm tội cướp, cướp giật tài sản; 505 người phạm tội Trộm cắp tài sản; 512 người phạm các tội xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế; 325 người phạm các tội về chức vụ; còn lại hơn 90 người phạm các tội hình sự khác.
Báo cáo của Bộ Công an cho thấy đa số phạm nhân được đặc xá đã có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái hòa nhập cuộc sống, cộng đồng với 82% có việc làm. Trong năm 2013, tỷ lệ tái phạm chỉ chiếm 0,3% trong hơn 15.000 phạm nhân được đặc xá.
Ông Giang Sơn - Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước cho biết, đợt đặc xá 2015 nhân dịp 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Đặc xá, người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá khi có đủ các điều kiện sau đây:
Có đủ điều kiện (chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác) được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành hình phạt tù ngắn hơn so với thời gian (ít nhất là một phần ba thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn; ít nhất là mười bốn năm đối với hình phạt tù chung thân) khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam.
b) Là thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người có thân nhân là liệt sỹ; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của Gia đình có công với nước
c) Là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền.
d) Khi phạm tội là người chưa thành niên
đ) Là người từ 70 tuổi trở lên.
e) Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú
g) Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.

Đọc thêm