UBPL QH tán thành chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng

(PLO) - Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật công chứng (sửa đổi). Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban pháp luật (UBPL) QH đã bày tỏ quan điểm tán đồng chủ trương xã hội hóa và quản lý tổ chức hành nghề công chứng.
UBPL QH tán thành chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng
Trong Báo cáo thẩm tra được Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UBPL QH  Phan Trung Lý trình bày nêu rõ: “UBPL QH  tán thành với chủ trương cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng với các giải pháp được đề ra trong Tờ trình và dự thảo Luật”.
Dự thảo Luật công chứng quy định theo hướng khuyến khích việc xã hội hóa hoạt động công chứng. Việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo quy định của Luật này và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
Phòng công chứng chỉ được thành lập tại những địa bàn chưa có điều kiện phát triển Văn phòng công chứng; Văn phòng công chứng thành lập ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi.
Báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh: Do hoạt động công chứng là một loại hình dịch vụ công, công chứng viên do Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện dịch vụ này, đồng thời đây là hoạt động đòi hỏi tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao, nên việc xã hội hóa hoạt động này cần phải có lộ trình thích hợp.
Hiện còn có một số ý kiến một mặt tán thành với việc cần có quy hoạch để bảo đảm quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng nhưng còn băn khoăn về việc lập Quy hoạch và xác định số lượng tổ chức hành nghề công chứng tại mỗi địa phương.
Bởi lẽ hiện nay, trình độ phát triển của các vùng miền trên cả nước còn chưa đồng đều, cùng với tính phức tạp, thiếu ổn định của hệ thống pháp luật đã khiến cho nhận thức cũng như nhu cầu về hoạt động công chứng trong dân cư có sự khác biệt giữa các vùng miền, khó có điều kiện phát triển thêm các Văn phòng công chứng tư nhân tại các địa bàn nông thôn xa trung tâm, vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.... như quy hoạch mà Chính phủ đã đề ra.
UBPL QH  đề nghị trong công tác quy hoạch, quản lý các tổ chức hành nghề công chứng, cần đặc biệt lưu ý đến tính chất, đặc điểm cũng như nhu cầu của từng địa phương, tránh cách làm áp đặt, chủ quan, gây khó khăn cho công chứng viên, cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu công chứng cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của xã hội nói chung.
Báo cáo thẩm tra của UBPL QH cũng khẳng định Luật công chứng được Quốc hội ban hành năm 2006 đã tạo điều kiện cho việc phát triển hoạt động công chứng và các tổ chức hành nghề công chứng, tuy nhiên trong quản lý và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực này đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế.
Theo Chương trình xây dưng luật, pháp lệnh năm 2013 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 23/2012/QH13 thì đây là dự án luật sẽ được trình để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 này theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 22 (tháng 10 năm 2013), trên cơ sở xem xét Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo đó dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng được chuyển thành dự án Luật công chứng (sửa đổi) và được trình để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Đọc thêm