Vết thương không mảnh đạn sau trận đánh cuối cùng

(PLO) - Ông Duy nhìn tôi rồi lại nhìn con gái. Mắt ông rưng rưng như muốn khóc: “Đó là vết thương đau nhất không mảnh đạn, là hậu họa của chiến tranh, mặc dù nó đã lùi xa 40 năm rồi”.
Ông Dương Đức Duy kể chuyện “trận đánh cuối cùng” tại nhà riêng ở số 71 đường Hàn Thuyên, phường Rạch Dừa, Vũng Tàu
Ông Dương Đức Duy kể chuyện “trận đánh cuối cùng” tại nhà riêng ở số 71 đường Hàn Thuyên, phường Rạch Dừa, Vũng Tàu
Trận cuối cùng của một thời hoa lửa
Sáng 7 tháng 4 năm 1975, Đại đội 2 Tiểu đoàn 24 Sư đoàn 5 Phòng không không quân được giao nhiệm vụ: Vận dụng các hình thức chiến thuật, phục kích, tập kích, ghìm chân 3 Sư đoàn 7, 9, 21 của địch, chặn đường không cho chúng hành quân lên Sài Gòn chi viện lực lượng.
Sau khi nhận nhiệm vụ, đêm 7 tháng 4 năm 1975, Đại đội trưởng Dương Đức Duy chỉ huy bộ đội vượt sông Vàm Cỏ bằng thuyền của dân, hành quân khẩn trương chiếm lĩnh trận địa. Sông Vàm Cỏ không rộng lắm, nhưng đại đội phải vượt hơn 6 giờ đồng hồ mới sang bờ bên kia, vừa bơi vừa giữ bí mật và tránh bom đạn địch. 
Vào vị trí bí mật, Duy nhanh chóng giao nhiệm vụ cho các trung đội và triển khai đào hầm hào công sự, sẵn sàng chiến đấu ngay trên cánh đồng lúa đã gặt của dân. 
Đúng như dự đoán, sớm ngày 8 tháng 4 năm 1975, một đoàn xe tăng và bộ binh địch gầm rú như rung chuyển mặt đất ùn ùn tiến từ đầu cầu Tân An đến Cầu Voi, vừa đi chúng vừa bắn pháo dẹp đường. Chúng không hề biết ở địa hình trống trải, dưới đống rạ khô 2 bên quốc lộ 4 là những ụ súng cao xạ, những tiểu đội B40, 41,  trung đội DKZ của ta sẵn sàng nổ súng. 
Chờ cho chúng “lọt lõng”, Đại đội trưởng Duy hô: “Nổ súng. Tất cả nổ súng tiêu diệt địch”. Ắt thì hàng chục ụ súng máy cao xạ 12,7 ly, đại liên, cối 82B10, cối 60, ĐKZ, súng chống tăng B41 bắn xối xả vào 3 xe tăng và toàn bộ đội hình địch. 
Bị bất ngờ, chúng rút chạy ngược lại về cầu Tân An rồi gọi máy bay đánh phá vào đội hình chiến đấu của ta. 
Trước tình hình ấy, Duy đã chỉ huy các tiểu đội súng cao xạ tiêu diệt máy bay trong tầm bắn hiệu quả, phát huy tác dụng bắn thẳng, các khẩu đội 82B10, B40, B41 tiêu diệt xe tăng, xe bộc thép địch. Quân ta bắn ráo riết, chúng lại rút chạy về Tân An và chờ thời cơ tấn công đợt mới, ta lại phục kích, tập kích bất ngờ không cho chúng tiến lên. 
Cứ như thế, Đại đội 2 của Duy phối hợp với Trung đoàn bộ binh 5 chiến đầu giằng co với địch suốt 22 ngày đêm ngoan cường.
10 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, bỗng hàng loạt máy bay địch lượn trên đầu nhưng không bắn phá vào trận địa. Duy mở chiếc rađio nhỏ thì nghe tiếng Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi: “Hỡi sĩ quan binh lính Việt Nam cộng hoà. Tôi Dương Văn Minh Tổng thống Việt Nam cộng hoà, kêu gọi tất cả binh lính, sĩ quan cộng hoà ở đâu cố gắng giữ ở đó, tránh đụng độ với bộ đội giải phóng, để Chính phủ Việt Nam cộng hoà liên hệ với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đi đến hoà bình, tránh đổ máu”. 
Và chưa đầy 3 phút sau, tất cả binh lính nguỵ xung quanh đó đứng ào dậy như rừng người, hô lớn: “Ới các anh bộ đội giải phóng ơi, chúng tôi đầu hàng rồi, đừng bắn chúng tôi nữa”. Đại đội trưởng Duy dùng súng AK bắn một loạt chỉ thiên và hô: “Hỡi sĩ quan binh lính Việt Nam cộng hoà. Theo chính sách của Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, các anh đã đầu hàng rồi. Hãy bỏ vũ khí tại chỗ và về sum họp với gia đình”. 
Nghe thế, tất cả lính nguỵ cởi bỏ áo dài, giày, mũ, vũ khí tại chỗ và hô to “hoan hô hoan hô”. 
Sau đó chúng tràn ra quốc lộ 4 leo lên xe tải và hành quân về Sài Gòn. Duy chỉ huy đại đội về Long An tiếp tục nhận nhiệm vụ mới.
Đại đội trưởng Dương Đức Duy “thời binh đao hoa lửa”
Đại đội trưởng Dương Đức Duy “thời binh đao hoa lửa” 
Ước nguyện 
Trong niềm vui ngày giải phóng, quốc lộ 4 Tân An - Cầu Voi, thị trấn Long An rực rỡ cờ hoa. Nhân dân hai bên đường ra chào đón các anh bộ đội giải phóng chiến thắng về làng. 
“Đi giữa hàng quân trong ngày đại thắng, chúng tôi rạng rỡ niềm vui, chúng tôi reo hò trước sự đón chào nồng nhiệt của bà con Long An. Tuy nhiên trận chiến đấu ấy có đồng đội vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Đại đội tôi có chiến sĩ Nguyễn Văn Hiến bị mảnh bom văng vào đầu, vỡ sọ. Trước khi ra đi, anh gọi tôi đến và nói rằng: “Em biết một vài tiếng nữa là em chết. Nếu sau này anh còn sống trở về quê, anh về quê em nói với cha mẹ em là em chết ngày hôm nay”. 
Ông Duy nghẹn ngào khi nói về đồng đội và lật từng trang nhật ký cho tôi xem. Trong ấy ghi đầy đủ từng trận chiến đấu và tên đồng đội của ông đã hy sinh.
Lần theo địa chỉ, ông Duy về Hưng Yên để báo tin cho cha mẹ Hiến - người đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Giữa mùi hương trầm ngan ngát, bao ký ức chiến tranh ùa về, hình bóng Hiến trước lúc hi sinh như hiển hiện trước mặt ông. 
Mắt ông Duy cay cay. Ông khóc cho đồng đội, khóc về niềm vinh quang của cuộc đời quân ngũ và khóc cho cả nỗi đau của những người đang nằm dưới mộ. 
Đến hôm nay, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đã lùi xa 40 năm, đồng đội của ông Duy người còn người mất, người tật nguyền, người mất  mát một phần cơ thể. Bản thân ông Duy cũng là thương binh hạng 3 và nhiễm chất độc da cam.  
Ông bảo: “Nguyện vọng của tôi những ngày cuối của cuộc đời tìm về những đồng đội cũ, anh em chúng tôi đã chung nhau trên chiến hào giải phóng miền Nam. Trong trận chiến cuối cùng ấy có nhiều đồng đội thân yêu của tôi nằm xuống”.
Cựu binh Dương Đức Duy bên con gái nhiễm chất độc da cam
Cựu binh Dương Đức Duy bên con gái nhiễm chất độc da cam 
Vết thương không 
mảnh đạn
Ngày rời quân ngũ trở về, cũng là ngày ông Duy đem trong mình chất độc dioxin mà bản thân ông cũng không hề biết. Như bao người lính khác sau thời cầm súng, ông Duy lấy vợ rồi sinh con. Đứa con gái đầu lành lặn nhưng đầu óc “khác thường”. 
“Tuy không vui nhưng vợ chồng ngậm ngùi chấp nhận. Vợ chồng hi vọng sinh đứa sau sẽ trọn vẹn. Rồi ngày vui ấy cũng tới. Niềm hi vọng dồn nén vào đứa con thứ hai. Ai ngờ nó còn nặng hơn. Lúc đó tôi nghi mình nhiễm chất độc da cam, còn vợ tôi chỉ nhìn con mà khóc”, ông Duy chia sẻ.
Ông Duy kể cho chúng tôi về đời lính của mình. “Năm 1965, tôi lên đường nhập ngũ. Ngày 3/2/1966 tôi đi. Các chiến trường miền Đông Nam bộ, Quảng Trị, Tây Ninh, Bình Dương, biên giới Campuchia tôi đều có mặt. Trong nhiều lần đơn vị tôi hành quân trong rừng Tây Ninh và miền Đông Nam bộ, tôi đã tận mắt nhìn thấy máy bay C130 lượn trên đầu và phun nước gì đó trắng như nước vôi. Ba ngày sau, toàn bộ cây ở cánh rừng Tây Ninh rụng hết lá. Lá rụng xuống đất dày nửa mét, ba ngày mà vẫn xanh như ướp đá lạnh, không úa héo. 
Lúc đó cả đơn vị không ai biết chúng rải chất độc nên không phòng tránh gì, mà chỉ đi lùng máy bay tiêu diệt. Chất độc da cam đã lột trụi cánh rừng rộng lớn, nhưng lạ lắm anh à, chất độc ấy chỉ làm cây rụng lá chứ thân cây không chết. 
Từ đó bộ đội chúng tôi gọi là cây bất khuất. Mấy hôm sau, chúng rải bom Na-pan (bom cháy). Cả cánh rừng bùng cháy như biển lửa, đơn vị tôi phải di tản đào hầm ẩn nấp. Ngày dưới lòng đất, đêm mới dám lên trên. 
Cả đất trời Tây Ninh lúc ấy như núi lửa phun trào. Đất lở, nhựa cây rừng chảy như nham thạch. Sau đó, tôi tiếp tục chiến đấu ở chiến trường Bàu Lâm, Hòa Bình, Long Khánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đơn vị của tôi, có nhiều người cùng chung số phận nhiễm chất độc da cam”. Ông Duy nghẹn ngào, những giọt nước mắt như đặc quánh không rịn ra được nữa. 
“Có ai ngờ chất độc quái ác đó đã ăn sâu vào máu thịt tôi nên đã sinh ra một đứa con đáng thương này”. Ông khóc. “Gia đình tôi chỉ có một cháu bị nhiễm, có gia đình 3, 4 người, có dòng họ 3 đời bị nhiễm. Nỗi đau truyền kiếp này có gì bù đắp được. Chất độc da cam đã tàn phá con tôi”...
Nói về sức khỏe, sinh hoạt của cháu Hương, chị Vòng cho biết: “Gia đình tôi làm riêng cho cháu một tấm phản để cháu lết trên ấy. Tất cả sinh hoạt phải có người giúp đỡ.”. Chị Vòng lo ngại: “Điều trăn trở nhất của vợ chồng tôi là khi chúng tôi già yếu chết đi, ai là người chăm sóc cháu, cháu sẽ sống ra sao? ”. 
Ông Duy nhìn tôi rồi lại nhìn con gái, mắt rưng rưng: “Đó là vết thương đau nhất không mảnh đạn, là hậu họa của chiến tranh, mặc dù nó đã lùi xa 40 năm rồi”.

Đọc thêm