Việc ngân sách chỉ còn 45.000 tỷ đồng: Bộ Tài chính nói gì?

(PLO) - Không phủ nhận con số ngân sách 45.000 tỷ đồng của năm 2016 mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra tại diễn đàn Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng con số đó chưa tính đến ODA mà bản chất cũng là tiền ngân sách. 
Bộ Tài chính chỉ đạo tập trung giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời để đảm bảo cân đối ngân sách trung ương
Bộ Tài chính chỉ đạo tập trung giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời để đảm bảo cân đối ngân sách trung ương
Thừa nhận cân đối ngân sách (NS) đang gặp khó khăn song Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng không phải không có giải pháp nếu quyết liệt các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là các khoản nợ chây ỳ…
Chỉ cần thu được 50% nợ chây ỳ, ngân sách đã có 17.000 tỷ đồng
Trao đổi với báo chí sáng qua (26/10), Thứ trưởng Tuấn cho biết, năm nay ngân sách nhà nước (NSNN) vượt dự toán 17.400 tỷ đồng, tuy nhiên NS trung ương hụt 31.000 tỷ đồng, NS địa phương tăng thu 47.700 tỷ đồng. 
Lý giải về NS trung ương hụt, ông Tuấn cho biết do giá dầu thô giảm (đầu năm là 100 USD/thùng, thực tế chỉ có 54 - 55 USD/thùng), cộng với việc điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết ASEAN giảm, trong khi cơ cấu nhập khẩu xăng dầu ASEAN tăng lên, dẫn đến giảm thu NS trung ương 31.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Tuấn cũng cho biết, trong khi trình Quốc hội, Chính phủ có kiến nghị cho phép sử dụng 10.000 tỷ đồng từ phần đã thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để bù, nhưng trong tổ chức thực hiện, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tập trung giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời để đảm bảo cân đối NS trung ương, số 10.000 tỷ này sử dụng càng ít càng tốt. 
“Hiện nay nợ đọng thuế khu vực DN là 76.000 tỷ đồng, trừ đi nợ bất khả kháng, nợ khó thu, còn 34.000 tỷ đồng có khả năng thu nhưng DN chây ỳ. Chúng ta không thể không có giải pháp,  34.000 tỷ đồng này phấn đấu thu được 50% cũng đã được 17.000 tỷ đồng rồi...” - ông Tuấn quả quyết.  Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra. 
Theo luật, DN tự khai tự nộp, với 506 nghìn DN hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó theo yêu cầu của Luật Quản lý thuế, theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Quốc hội cách đây 2 năm, cơ quan thuế phải thanh tra, kiểm tra tối thiểu 15-20% số này. 
“Vừa rồi, kết quả 9 tháng khá khả quan, đã lập biên bản trên 8.000 tỷ đồng, đã thu vào ngân sách 5.000 tỷ đồng, còn 3.000 tỷ đồng nữa không có lý gì không thu được. Mặt khác, chúng ta còn 3 tháng nữa, sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra những DN có rủi ro cao, đặc biệt những DN có rủi ro về hoàn thuế. Chúng ta đấu tranh khai thác đúng pháp luật, không tận thu, đảm bảo công bằng…” - Thứ trưởng Tuấn cho biết.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng lưu ý một số DN lớn ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, cố tình chiếm dụng NS và dẫn ra trường hợp của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga. Năm 2014, giá dầu bình quân 104 USD/thùng, theo pháp luật, hiệp định đã ký, phần giữa giá kế hoạch và giá thực hiện đơn vị phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), sau khi nộp thuế TNDN phải nộp sau thuế quyền lợi nước chủ nhà số tiền 86 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng). 
“Chúng tôi đã xin ý kiến Chính phủ nhưng DN lấy hết lý do này đến lý do khác, trong đó có lý do giá dầu xuống không chịu nộp...”- Thứ trưởng Tuấn phát biểu.
Phải thẳng thắn trong khâu xây dựng dự toán
Không phủ nhận con số 45.000 tỷ đồng NS còn lại năm 2016 mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh đưa ra tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội và thực hiện NS năm 2015 và kế hoạch năm 2016, tuy nhiên Thứ trưởng Tuấn cho rằng Bộ trưởng Vinh đã không tính 50.000 tỷ đồng ODA. 
Thứ trưởng Tuấn giải thích, trong dự toán chi tiêu NS có khoản vay ODA để đầu tư. Năm 2014 khi xây dựng dự toán, mặc dù biết phải chi 36.000 tỷ đồng nhưng vẫn ghi 16.000 tỷ đồng. Khi thực hiện 36.000 tỷ đồng, Quốc hội phải chấp nhận, do đó hơn 20.000 tỷ đồng thành bội chi. Năm 2015 cũng vậy, dự toán ghi 20.000 tỷ đồng nhưng báo cáo 2 bộ đưa ra là giải ngân phải là 50.000 tỷ đồng, vậy là bội chi 30.000 tỷ đồng.
“Mấy năm vừa rồi chúng ta chưa nói thật với nhau ở khâu dự toán để tăng số được chia lên…”- ông Tuấn giải thích.
Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Tuấn cho biết, dự toán năm 2016 rút kinh nghiệm các năm trước, không thể nói chưa đúng rồi bội chi ngân sách, trong chi ODA, Bộ Tài chính đề nghị và được chấp nhận ghi 50.000 tỷ đồng ODA cho đầu tư phát triển. “45.000 tỷ đồng Bộ trưởng Vinh nói là đúng sau khi trừ ODA 50.000 tỷ đồng…”- Thứ trưởng Tuấn xác nhận.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định năm 2016, tổng đầu tư vẫn tăng vì ODA cũng là tiền ngân sách, là khoản đầu tư chịu lãi để đầu tư, phát triển theo các địa chỉ được ký kết trong các hiệp định…

Đọc thêm