Xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật: Ít nhưng chất lượng còn hơn nhiều không đi vào cuộc sống

(PLO) - Đó là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại phiên họp toàn thể thứ 5 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) diễn ra hôm qua (13/4) để cho ý kiến về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Phiên họp toàn thể lần thứ 5 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Phiên họp toàn thể lần thứ 5 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trong năm 2017, Chính phủ có nhiệm vụ trình QH, Ủy ban Thường vụ QH 27 dự án luật. Hiện tại Chính phủ đang đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2017  và nếu được chấp thuận thì tại Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp thứ 4 Chính phủ sẽ có nhiệm vụ chỉnh lý và trình QH 32 dự án luật. 

Còn nhiều dự án xin… rút

Trình bày tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát các quy định pháp luật về điều kiện đầu tư, kinh doanh để kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản nhằm thi hành Luật DN, Luật Đầu tư. 

Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất xây dựng trình QH một số dự án luật liên quan nhằm tháo gỡ rào cản, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, kiên quyết loại trừ quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, cản trở phát triển, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình năm 2016 và triển khai Chương trình năm 2017 vẫn còn một số hạn chế như hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao, vẫn còn nhiều dự án phải xin điều chỉnh (15 dự án, trong đó xin rút 10 dự án, bổ sung 5 dự án) tăng 10 dự án so với năm 2015. Có dự án thuộc Chương trình năm 2017 nhưng phải xin lùi thời hạn trình, như Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Cùng với đó, việc tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành văn bản trong một số trường hợp chưa nghiêm…

Xây dựng luật kiểu “khó thì bỏ, dễ thì làm”

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, có thời điểm chúng ta quá ôm đồm, “đút vào - đưa ra” nhiều dự án luật; cá biệt, có nhiều luật đã được thông qua nhiều năm nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống. “Ví dụ như vấn đề hỗ trợ gia đình người có công để cải tạo nhà cũ, nát đến bây giờ chúng ta chưa làm được dù đã 3, 4 năm rồi. Thà ít mà chất lượng còn hơn nhiều mà chưa làm được” - ông Lưu nói và đề nghị cần phải báo cáo nguyên nhân xin rút dự án luật mà QH đã đưa vào chương trình, đã cho ý kiến (như Luật Biểu tình, Luật về Hội). 

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) bày tỏ băn khoăn trước tình trạng dự án luật đã trình ra QH, sau khi có nhiều ý kiến gay gắt, chưa giải trình được lại “biến mất” khỏi chương trình dự án luật, pháp lệnh. Đề cập đến việc Nghị quyết của QH không được thực hiện một cách nghiêm túc, ông Cương nhìn nhận có 2 nguyên nhân chính. Một là, trách nhiệm của một số cơ quan soạn thảo chưa cao. Hai là, chất lượng dự án luật của một số cơ quan quá thấp, cho nên khi trình ra QH, có nhiều ý kiến của đại biểu thắc mắc mà không giải trình được hết, không tiếp thu được hết nên để lại. 

“Có tình trạng không phải là điển hình nhưng đúng ở một số dự án luật, tôi thấy rằng có một số dự án luật thích thì làm, không thích thì thôi, khó thì bỏ, dễ thì làm, đây là tình trạng cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm”, ĐB Cương nói.

Cho rằng Chính phủ đang có áp lực nợ văn bản quá nhiều nên khi trình các dự án luật thấy sức ép, ĐB Nguyễn Thanh Bình (tỉnh Quảng Nam) đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là việc phân bố thời gian không đều, lúc thì thong thả, lúc dồn ép, bởi vậy việc chuẩn bị đầu tư nghiên cứu chưa kỹ càng, nhiều nội dung thay đổi lớn (như Luật về Hội). 

Do đó, ĐB Bình đề nghị khi QH đã cho ý kiến, nếu không đưa vào chương trình năm 2017 thì phải cho vào năm 2018 chứ không thể rút luôn. Mặt khác, khi đã lấy ý kiến người dân và đoàn đại biểu QH thì phải nghiên cứu và chỉnh sửa, bởi có nhiều trường hợp đã kiến nghị sửa lỗi chính tả nhưng cuối cùng khi trình vẫn “y như cũ”; ngoài ra, ý kiến nào không tiếp thu thì cũng phải giải trình rõ để đảm bảo hiệu lực của Chương trình xây dựng luật, pháp luật đã được QH thông qua.

Đọc thêm