Nhiều đồi cát di động ven biển thường xuyên bị gió thổi, xâm thực sâu vào trong đất liền, đe dọa môi trường và cuộc sống của người dân. Đặc biệt, tại vùng đất nắng gió này lại có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu - một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới cần được bảo tồn khẩn cấp. Với sinh cảnh rừng đa dạng bao gồm nhiệt đới cây lá rộng rụng lá mùa khô, rừng nhiệt đới cây lá rộng nửa rụng lá và rừng cây lá rộng, rừng Tà Kóu là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm như Voọc bạc Trường Sơn, Chà vá chân đen...
Tuy vậy, tại Tà Kóu còn hơn 100ha rừng nghèo kiệt ven biển và đồi cát di động cần được phủ xanh để hạn chế hiện tượng cát bay, sa mạc hóa, góp phần làm giàu nguồn nước ngầm cho khu vực.
Đứng trước nhu cầu trồng rừng khẩn thiết tại Tà Kóu, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã nghiên cứu lên kế hoạch và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để cùng biến đồi cát thành rừng.
Ngày 6/8/2024, Gaia đã thành công kết nối các nguồn lực xã hội trồng 6,465 cây, phủ xanh 5.17ha đất trên các đồi cát bay ven biển tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng, các loài cây được trồng tại đây bao gồm những loài cây bản địa chịu hạn như Bằng lăng, Giáng hương, Xoay, Thiết đinh lá bẹ, Sắn me, Mận rừng, Cách và Nhãn rừng...
Trong 5 năm liên tục, đội ngũ cán bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu cùng với cán bộ Gaia sẽ thường xuyên giám sát sinh trưởng, tưới bổ sung định kỳ và tiến hành các can thiệp kỹ thuật lâm nghiệp khi cần để khu rừng được hình thành tốt nhất.