Trọng tài thương mại - Doanh nghiệp: Hợp tác nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  19 hiệp hội doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - sự kiện được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế đang trong một thế giới đầy biến động.
Các Hiệp hội DN cùng VIAC hợp tác nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro.

Các Hiệp hội DN cùng VIAC hợp tác nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW 2023) do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Câu lạc bộ luật sư Thương mại Quốc tế tổ chức (từ ngày 8 - 12/5), hôm qua (8/5), VIAC và 19 Hiệp hội ngành hàng và Hiệp hội địa phương tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Trong đó có những hiệp hội lớn như: Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam; Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam…

“Trong nguy có cơ, khi thị trường gặp nhiều trở ngại, biến động thì sẽ xuất hiện cơ hội làm ăn, đầu tư mới xuất hiện, đây là những vấn đề mà chúng ta cần thảo luận dưới nhiều góc nhìn để có thể định hướng cho các DN, đặc biệt là chú ý đến góc nhìn về mặt pháp lý, rủi ro pháp lý, phương thức phòng ngừa tranh chấp…

Thực tế cho thấy, rất cả các hợp đồng sản xuất kinh doanh dều có điều khoản về giải quyết tranh chấp, nhưng rất ít DN quan tâm đến vấn đề này, các DN chỉ ghi trong điều khoản này là khi tranh chấp xảy ra thì ưu tiên thương lượng, không thì đưa ra Tòa án như là một công thức chung của DN Việt Nam. DN vẫn chưa biết tới có một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nữa đó là trọng tài và hòa giải. Phương thức này có rất nhiều ưu thế đây chính là phương pháp hòa bình, an toàn, bảo mật trong thông tin kinh doanh và tiết kiệm thời gian. Đặc biệt là trọng tài áp dụng được trong 170 các nước trên thế giới. Chúng ta cần đưa điều khoản về trọng tài vào hợp đồng mua bán, đầu tư trong thời gian tới. Đây là điều quan trọng trong thời gian tới để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…”.

(TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC)

Phát biểu tại Toạ đàm “Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động, DN cần làm gì?” được tổ chức ngay sau lễ ký kết, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC nhấn mạnh, đây là thời điểm đầy thách thức với nền kinh tế của Việt Nam và trên thế giới. Theo TS Vũ Tiến Lộc, sau gần 3 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, các DN hiện nay đang đối diện với vô vàn khó khăn.

Dẫn Báo cáo PCI năm 2022, TS Vũ Tiến Lộc lo lắng khi tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh DN tư nhân đều ở mức thấp kể từ đại dịch COVID-19. Cụ thể, năm 2022 chỉ 42,6% DN tư nhân cho biết họ có lãi, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019; tỷ lệ DN báo lỗ năm 2022 là 35,3% trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi một loạt những DN lớn, những doanh nhân - đại gia vướng vào vòng lao lý, theo Chủ tịch VIAC, có thể thấy đó là hậu quả của một giai đoạn phát triển quá nhanh, quá nóng của nền kinh tế. “Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, DN cần phải hướng đến phát triển bền vững, phát triển xanh, bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị thì việc nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp là những điều DN đặc biệt phải lưu tâm…” - ông nhấn mạnh.

TS Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định vai trò của các Hiệp hội DN trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Bên cạnh chức năng hỗ trợ DN tìm kiếm và mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh, các Hiệp hội cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò đầu mối để tập hợp những khó khăn, vướng mắc của DN, tham gia vào việc tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các DN, hội viên.

Đề cập đến sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VIAC và 19 Hiệp hội DN, Chủ tịch VIAC khẳng định: “Sự tham gia đông đảo các Hiệp hội cũng chính là thể hiện việc cam kết đồng hành cùng DN trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro và hướng tới phát triển vững chắc trong tương lai…”.

Cũng theo Chủ tịch VIAC, nhiều Hiệp hội cũng mong muốn ký kết trong sự kiện này nhưng do điều kiện khách quan không thể tham dự, VIAC sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện tương tự như thế này tại các khu vực như miền Trung, miền Nam hay Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2020, Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam dự kiến sẽ trở thành sự kiện thường niên kết nối cộng đồng những người hành nghề trọng tài và hòa giải tại Việt Nam và quốc tế.

VAW 2023 diễn ra với sự phối hợp hơn 60 đối tác cùng sự tham gia của gần 80 chuyên gia trong nước và quốc tế. Một loạt sự kiện trong VAW 2023 gồm: Hội thảo Đầu tư kinh doanh tại Hàn Quốc và Việt Nam – Tìm cơ hội trong nghịch cảnh; Hội thảo Phòng ngừa rủi ro pháp lý trong giao thương quốc tế trong bối cảnh biến động thị trường; Hội thảo Hòa giải thương mại - Phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả: Hướng tới hội nhập quốc tế; Hội thảo Đầu tư kinh doanh tại Nhật Bản và Việt Nam – Tìm cơ hội trong nghịch cảnh; Hội thảo Sẵn sàng cho các đột phá trong Trọng tài quốc tế tại Việt Nam hướng tới sửa đổi Luật Trọng tài thương mại 2010; Hội thảo Vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho nhà thầu xây dựng Việt Nam.

Đọc thêm