Trực tuyến với lãnh đạo CSGT Hà Nội về Nghị định 46

(PLO) - Nghị định 46 triển khai bước đầu góp phần lập lại trật tự giao thông, cải thiện bộ mặt giao thông cả nước nói chung, giao thông đô thị Hà Nội nói riêng. Trước hiệu ứng tích cực trên, bên cạnh sự đồng tình của hầu hết người dân, vẫn còn không ít băn khoăn trước các quy định khá mới này. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an Tp. Hà Nội giải đáp mọi câu hỏi của độc giả liên quan đến Nghị định 46.
Báo PLVN, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội cảm ơn sự quan tâm của độc giả đối với những quy định mới của NĐ 46

- Thu nhập bình quân của người dân còn thấp, xin hỏi tại sao Nghị định 46 lại đề ra mức phạt nặng như vậy? (Bình An, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Việc xây dựng Nghị định 46 đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan nghiên cứu, khảo sát, trưng cầu dân ý rộng rãi, kỹ lưỡng truuwocs khi ban hành, trên tinh thần xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông và ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng đường bộ để đủ sức răn đe, giáo dục chung. Qua theo dõi, kể từ khi Nghị định số 46 có hiệu lực thi hành nhìn chung tình hình trật tự, ATGT đã ổn định hơn, TNGT giảm trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Đối với các hành vi vi phạm khác về cơ bản Nghị định vẫn giữ nguyên chế tài xử phạt như các Nghị định trước đây.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội đang trực tiếp giải đáp các thắc  mắc của độc giả Báo PLVN 

- Xin ông cho biết những quy định mới mà người tham gia giao thông phải thực hiện từ ngày Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực? (Phạm Văn Lai, Nho Quan, Ninh Bình)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Những quy định mới mà người tham gia giao thông cần chú ý:

(1) Nghị định sửa đổi mô tả lại để làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm (ô tô: 65; mô tô: 08; xe máy chuyên dùng: 06; tổ chức cá nhân vi phạm quản lý hành lang an toàn GTĐB: 10; kinh doanh vận tải: 10; chủ phương tiện 23; đào tạo lái xe: 05...)

Ví dụ:

- Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô: chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) (điểm c khoản 3 Điều 5, điểm a khoản 4 Điều 6); 

Nghị định 171 không quy định cụ thể như ở phần in đậm nên quá trình thực hiện CBCS còn vận dụng khác nhau

- Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng: không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn (điểm g khoản 3 Điều 5, điểm c khoản 2 Điều 6, điểm e khoản 3 Điều 7);

Nghị định 171 không quy định cụ thể giờ các phương tiện phải sử dụng đèn chiếu sáng, gây khó khăn cho công tác xử lý và xác định như thế nào là trời tối.

Phó TBT Báo PLVN Vũ Hoàng Diệp tặng hoa cảm ơn Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng đã tham gia trả lời trực tuyến các câu hỏi của độc giả Báo PLVN

 (2) Bổ sung 45 hành vi và nhóm hành vi chưa được quy định trong các Nghị định trước đây như:

- Người điều khiển xe ô tô, xe mô tô: lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định hoặc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định đối với xe được quyền ưu tiên

- Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm: chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy (điểm l khoản 1 Điều 5) để phù hợp với Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 mà Việt Nam vừa mới gia nhập;

Lưu ý: Việc áp dụng quy định này trong trường hợp người được chở ở hàng ghế phía sau trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy được thực hiện kể từ ngày 01/01/2018.

- Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm: dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường (điểm l khoản 3 Điều 5) để phù hợp với Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ mà Việt Nam vừa mới gia nhập;

Lưu ý: Việc áp dụng quy định này được thực hiện kể từ ngày 01/01/2017.

- Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm: điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) (điểm c khoản 4 Điều 5);

(3) Điều chỉnh mức tiền phạt và hình thức tước quyền sử dụng GPLX đối với 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm giao thông đường bộ và 68 hành vi và nhóm hành vi vi phạm giao thông đường sắt gồm:

- Nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn;

- Nhóm hành vi vi phạm quy định về tốc độ;

- Nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc;

- Một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông;

- Nhóm hành vi chở hàng quá trọng tải cho phép chở của phương tiện;

- Một số hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ;

Cụ thể:

* Nhóm vi phạm về nồng độ cồn:

- Đối với ô tô: Đối với người điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ bị tăng mức tiền phạt từ 10-15 triệu lên 16-18 triệu, đồng thời tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 02 tháng lên khung từ 04 tháng đến 06 tháng 

- Đối với mô tô: Người điều khiển xe trên đường mà hơi thở có nồng độ cồn quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ tăng mức phạt tiền từ 500-1 triệu lên 1 triệu đến 2 triệu và tăng thời hạn tước GPLX từ 02 tháng lên khung từ 03 tháng đến 05 tháng.

Đối với người điều khiển xe trên đường mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, sẽ bị tăng từ 2-3 triệu lên mức 3 - 4 triệu và tăng thời hạn tước GPLX từ 02 tháng lên khung từ 03 tháng đến 05 tháng; 

* Nhóm hành vi vi phạm quy định về tốc độ:

- Đối với ô tô: chạy quá tốc độ từ 20km/h đến 35km/h, bị tăng mức phạt tiền từ 4-6 triệu lên mức từ 5-6 triệu

- Đối với mô tô: chạy quá tốc độ trên 20km/h, bị tăng mức phạt từ 2-3 triệu lên mức 3-4 triệu.

*Nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc:

- Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc, tăng mức phạt tiền từ 200-400 nghìn lên mức 500-1 triệu; tước quyền sử dụng GPLX từ 01 đến 03 tháng;

- Điều khiển xe máy, xe đạp, xe thô sơ đi vào đường cao tốc: tăng mức phạt tiền từ 100-200 nghìn lên mức từ 400-600 nghìn;

- Người đi bộ đi vào đường cao tốc: tăng mức phạt tiền từ 80-100 nghìn lên mức từ 100-200 nghìn;

- Đón, trả hành khách trên đường cao tốc: tăng từ 1-2 triệu đồng lên 5-6 triệu 

* Nhóm hành vi chở hàng quá trọng tải cho phép chở của phương tiện:

- Đối với người điều khiển phương tiện: Tách thêm hành vi chở hàng quá trọng tải cho phép chở của phương tiện trên 150% và tăng mức phạt từ 7-8 triệu lên 8-12 triệu (trước đây chỉ có quy định xử phạt đối với hành vi chở quá trọng tải trên 100%).

- Đối với chủ phương tiện là cá nhân: tách và tăng mức xử phạt đối với hành vi giao phương tiện cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện chở quá trọng tải cho phép trên 150% từ 16-18 triệu  lên 18-20 triệu.

* Đối với các hành vi vi phạm về kinh doanh vận tải đường bộ: 

- Chở quá số người trên xe ô tô chở khách, ô tô chở người đối với tuyến có cự ly đến 300km: tăng từ 300-500nghìn /1 người chở quá lên 400-600nghìn/1 người chở quá 

- Chở quá số người trên xe ô tô chở khách, ô tô chở người đối với tuyến có cự ly trên 300km tăng từ 800-1triệu/1 người chở quá lên 1-2 triệu/1 người chở quá

- Điều khiển xe vận chuyển khách du lịch, xe hợp đồng không có hoặc không mang theo danh sách hành khách theo quy định hoặc chở người không có tên trong danh sách hành khách, không có hoặc không mạng theo hợp đồng vận chuyển hoặc có hợp đồng vận chuyển nhưng không đúng theo quy định: tăng từ 500-800 nghìn lên 1-2 triệu.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng thông tin về rất nhiều quy định mới của NĐ 46 mà người tham gia giao thông cần lưu ý

* Các hành vi vi phạm quy tắc giao thông:

- Đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (gộp vượt đèn vàng và vượt đèn đỏ thành 01 hành vi) tăng từ 600-800 lên nghìn 1,2 - 2 triệu; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông tăng từ 800-1,2 triệu lên 1,2 triệu – 2 triệu.

- Đối với người điều khiển xe ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ, tăng từ 800-1,2 triệu lên 2-3 triệu;

- Đối với người điều khiển xe ô tô lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông tăng từ 15-20 triệu lên 18-20 triệu.

+ Người đang điều khiển xe mô tô sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính tăng  từ 60-80 lên 150-250.

- Người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe trên đường sẽ bị phạt. Xin hỏi người đang điều khiển xe nghe, nói hoặc nghe nhạc qua điện thoại bằng tai nghe và các phụ kiện khác thì cảnh sát sẽ xử lý thế nào? (Trần Văn Đức, Yên Bái) 

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Đối với ô tô: Tại điểm 1 khoản 3 điều 5 Nghị định 46 quy định người điều khiển xe ô tô sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng khi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.

Việc xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị áp dụng từ ngày 1/1/2017.

Đối với mô tô: Tại điểm o khoản 3 điều 6 Nghị định 46 quy định người điều khiển xe mô tô sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng khi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thâm, trừ thiết bị trợ thính.

Như vậy, trường hợp người đang điều khiển xe nghe, nói hoặc nghe nhạc qua điện thoại bằng tai nghe và các phụ kiện khác sẽ bị xử phạt và chỉ áp dụng đối với người điều khiển xe mô tô.

Thưa ông, một số trường hợp đèn đỏ nhưng CSGT ra hiệu lệnh cho người đi bộ, người điều khiển xe mô tô, xe máy được phép đi. Nếu những người được phép đi vẫn dừng lại thì có bị phạt không? (Hoàng Hà, Bồ Đề, Long Biên)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu những người này được phép đi mà vẫn dừng lại có thể bị xem xét xử phạt với hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông hoặc hành vi dừng xe, dỗ xe ở lòng đường, đô thị gây cản trở giao thông theo quy định tại Nghị định.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: những trường hợp được phép đi mà vẫn dừng cũng có thể bị xử phạt

Nghị định 46 quy định phạt tiền tới 800.000 đối với người điều khiển xe không sử dụng đèn từ 19h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau. Trong trường hợp mới 17h trời đã tối hoặc 6-7h vẫn sương mù dày đặc, người điều khiển xe không bật đèn xe thì có bị phạt không?. (Đỗ Huy, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Theo quy định tại Nghị định 46, người điều khiển xe ô tô khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng (điểm g, khoản 3, điều 5); xử phạt đối với người điểu khiển xe mô tô từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng… với hành vi vi phạm không sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng
Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định xử phạt đối với hành vi không sử dụng đèn chiếu sáng khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Như vậy, trong trường hợp mới 17h trời đã tối hoặc 6-7h sáng vẫn sương mù dày đặc, người điều khiển xe không bật đèn chiếu sáng vẫn có thể bị xem xét, xử lý theo quy định.

Tôi là một lái xe taxi ở thành phố khác, xin hỏi quy định xử phạt vi phạm giao thông ở Hà Nội có gì khác so với các tỉnh, thành khác? (Nguyễn Tường Minh, Hàm Yên, Tuyên Quang)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Về đối tượng áp dụng của Nghị định số 46 được áp dụng đối với tất cả cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, đối với các hành vi vi phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội và tất cả các tỉnh thành khác trên toàn quốc đều bình đẳng như nhau.

- Người tham gia giao thông cần tuân thủ những quy định nào để tránh bị phạt ở khu vực có đèn xanh, đèn đỏ tại Hà Nội? (Nguyễn Thu Mai, Phú Thọ)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Người tham gia giao thông cần tuân thủ các quy định sau:

- Phải hiểu rõ về ý nghĩa của từng màu đèn tín hiệu giao thông theo quy định tại Luật giao thông đường bộ.

- Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng phần đường, làn đường, chú ý quan sát và chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

- Phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình hoặc ở nơi có biển báo cự ly tối thiểu giữa hai xe. 

- Phải điều khiển xe chạy đúng tốc độ quy định. Khi đến gần đường giao nhau người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ.

- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định khác của Luật giao thông đường bộ.

- Theo nghị định 46, từ ngày 01/8/2016, Cảnh sát giao thông được phép sử dụng những kết quả, hình ảnh do các tổ chức cung cấp để xác định căn cứ xử phạt hành chính. Vậy đối với những trường hợp không cố ý vi phạm thì xử lý như thế nào? Ví dụ người dân cung cấp clip vi phạm giao thông nhưng việc vi phạm từ clip đó là không cố tình, xuất phát từ việc đuổi bắt cướp. (Trần Tiến Hải, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Tại khoản 1 điều 79 Nghị định số 46 quy định người có thẩm quyền xử phạt tại điều 71, 72, 73 trong đó có lực lượng CAND được sử dụng kết quả thu được từ thiết bị cân kiểm tra trọng tải xe cơ giới, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh, thiết bị ghi âm và ghi hình, thiết bị đo tải trọng trục bánh toa xe do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Không có điều khoản nào quy định về việc Cảnh sát giao thông được phép sử dụng những kết quả, hình ảnh do các tổ chức cung cấp để xác định căn cứ xử phạt hành chính.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: CSGT có thể sử dụng những hình ảnh, kết quả do các tổ chức, cá nhân cung cấp

Đối với những kết quả, hình ảnh do các tổ chức, cá nhân cung cấp cho CSGT thì không có giá trị pháp lý để trực tiếp sử dụng vào việc xử phạt hành chính. Các kết quả, hình ảnh này là nguồn thông tin, tài liệu có nhiều khả năng liên quan đến vấn đề cần chứng minh nên cần phải kiểm tra, xác minh tính xác thực, tính liên quan và chỉ được sử dụng cùng với các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức.

Như vậy, đối với trường hợp người dân cung cấp clip vi phạm giao thông nhưng người thực hiện hành vi trong clip đó là trong tình thế cấp thiết, do phòng vệ chính đáng, do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng, cụ thể là trong trường hợp người tham gia giao thông đuổi bắt cướp như trên… thì sẽ không bị xem xét xử phạt và pháp luật bảo vệ các quyền đó của họ.

- Nghị định 46 không có một từ nào nói về xử phạt lỗi vượt đèn vàng, tại sao lỗi vượt đèn vàng bị phạt bằng mức đèn đỏ? Đèn vàng chỉ xuất hiện khoảng 2 giây, cảnh sát giao thông bắt quả tang người vi phạm bằng cách nào? (Hoàng Hữu Hải, Ba Đình, Hà Nội)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh HùngTại Khoản 3 Điều 10 Luật GTĐB năm 2008 quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ, tín hiệu đèn giao thông có 3 màu như sau:

- Tín hiệu đèn xanh là được đi;

- Tín hiệu đỏ là cấm đi;

- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Theo quy định tại Nghị định số 46 đối với người điều khiển xe ô tô, mô tô và các loại xe tương tự… sẽ bị xử phạt nếu có hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Như vậy, có thể hiểu đèn tín hiệu giao thông ở đây là xanh, đỏ và vàng. Vì vậy, hành vi vi phạm vượt đèn đỏ hay đèn vàng đều bị xem xét xử lý về hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Và đây không phải là quy định mới, các Nghị định trước đây cũng đã quy định chế tài xử lý đối với hành vi “vượt đèn vàng”.

Đối với hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn vàng) lực lượng CSGT có thể trực tiếp phát hiện thông qua công tác tuần tra kiểm soát, chỉ huy điều khiển giao thông hoặc thông qua các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Bạn đọc Nguyễn Đức Dũng ở Nam Từ Liêm hỏi: Nếu người dân quay, chụp được các hành vi vi phạm giao thông thì gửi hình ảnh tới đâu và có được thưởng vì đã phát hiện, tố giác vi phạm không?

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: Người dân quay, chụp được các hành vi vi phạm giao thông thì có thể gửi hình ảnh đến Cục CSGT, Phòng CSGT hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, tiếp nhận trình báo các hành vi vi phạm mà người dân quay, chụp được.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: "người dân có thể gửi clip đến Cục CSGT, Phòng CSGT hoặc Công an nơi gần nhất"

Theo quy định tại điều 14 Luật xử lý VPHC: Mọi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống hành vi VPHC. Tuy nhiên, đối với từng vụ việc cụ thể, thành tích của người đã phát hiện, tố cáo và đấu tranh các hành vi VPHC thì thủ trưởng cơ quan đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử phạt có thể xem xét quyết định việc khen thưởng cho phù hợp đối với người cung cấp tin.

- Việc xử phạt bấm còi ngoài 22h – 5h sẽ vận dụng thế nào trong những trường hợp đặc biệt như bắt cướp, đưa người đi cấp cứu? (Phạm Hà Anh, Đống Đa, Hà Nội)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh HùngTại Điều 11 Luật xử lý VPHC quy định về những trường hợp không bị xử phạt VPHC như sau:

1.Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

 2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này. (Điểm a khoản 1 Điều 5: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính)

Như vậy, đối với hành vi bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau mà người điều khiển phương tiện đang đuổi bắt cướp, đưa người đi cấp cứu thì sẽ không bị xử phạt VPHC theo quy định tại khoản 1 điều 11 Luật xử lý VPHC vì trong trường hợp này người vi phạm vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của nhà nước, tổ chức, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác, gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

- Ngoài cảnh sát giao thông, còn có những lực lượng nào được phép dừng xe xử phạt lỗi giao thông theo nghị định 46? Những lực lượng đó được xử phạt trong những trường hợp nào? (Nguyễn Thế Bảo, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội)

- Thiếu tá Nguyễn Mạnh HùngNgoài lực lượng CSGT, còn có các lực lượng khác như: Cảnh sát trật tự; Cảnh sát phản ứng nhanh; Cảnh sát cơ động; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng Công an cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ; Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa; Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về thẩm quyền xử phạt của các trường hợp nêu trên được phân định cụ thể, chi tiết tại điều 70 Nghị định số 46 theo chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng ví dụ như:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình.

- Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định này như sau:

a) Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ; các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực đường sắt được quy định tại Nghị định này;

b) Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4, Khoản 5 Điều 15 Nghị định này.

- Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí, cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ, khi phương tiện (có hành vi vi phạm) dừng, đỗ trên đường bộ; hành vi vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới và một số hành vi vi phạm khác quy định tại các Điểm, Khoản, Điều của Nghị định.

- Xin ông cho biết những lỗi vi phạm phải tạm giữ xe? Nếu nộp tiền tại chỗ theo biên lai xử phạt thì có bị tạm giữ xe không? (Hà Quang Minh, Hồng Bàng, Hải Phòng)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh HùngĐể ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm như: Điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn; Không có GPLX; Không có giấy đăng ký xe; Không có giấy chứng nhận, tem kiểm định ATKT và BVMT hoặc có nhưng đã hết hạnh; Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ…

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng: đánh giá ban đầu có thể thấy, người dân rất đồng tình với các quy định tại Nghị định 46

Việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Tuy nhiên, đối với các hành vi vi phạm trên đều có mức tiền phạt lớn nên không thể áp dụng việc xử phạt tại chỗ cho người vi phạm.

Theo quy định tại Điều 14, Nghị định 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ: 

Giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản có quy định như sau:

1. Phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đủ một trong các điều kiện dưới đây thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ:

a) Cá nhân vi phạm phải xuất trình sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị về nơi công tác; nếu tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận; có nơi giữ, bảo quản phương tiện đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định này;

b) Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện.

2. Khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, khối lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, nơi giữ, bảo quản, tình trạng của phương tiện (nếu có) và phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm và người có thẩm quyền tạm giữ. Biên bản được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.

3. Cơ quan có thẩm quyền tạm giữ phải thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đang có phương tiện do tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản để phối hợp giám sát, quản lý.

4. Tổ chức, cá nhân trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện được thay đổi nơi giữ, bảo quản nếu có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.

5. Phương tiện vi phạm trong thời gian được giao cho tổ chức, cá nhân giữ, bảo quản sẽ không được phép lưu hành, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sẽ bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt (trừ trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm đã đặt tiền bảo lãnh).

6. Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành đúng quy định về nơi giữ, bảo quản, tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện, sử dụng phương tiện vi phạm được giao giữ, bảo quản trái quy định của pháp luật thì sẽ chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ theo quy định; trường hợp để xảy ra mất, bán, đánh tráo, trao đổi, cầm cố hoặc có hành vi định đoạt khác đối với phương tiện thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Sau 3 tuần triển khai, Công an Hà Nội nhận định thế nào về tính khả thi và hiệu quả của nghị định 46? (Nguyễn Quân, Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh HùngTính khả thi và hiệu quả của Nghị định 46/2016/NĐ-CP thể hiện:

- Nghị định đã khắc phục được các nhược điểm, tồn tại, hạn chế của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và các cơ sở pháp lý phục vụ công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt nói riêng. Theo đó, tất cả mọi hành vi gây nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đều bị xem xét, xử lý nghiêm theo Nghị định, góp phần ổn định tình hình TT,ATGT, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số quần chúng nhân dân.

- Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ra đời là phù hợp với tình hình, nhiệm vụ đảm bảo giao thông trong tình hình hiện nay. Các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã được quy định bổ sung và nâng cao mức phạt tiền, kéo dài thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe; đảm bảo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, tính răn đe đối với người vi phạm và tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 - Một số hành vi vi phạm, đã được nghị định quy định, mô tả cụ thể, rõ ràng, hạn chế được các vấn đề còn gây tranh cãi do có cách hiểu, vận dụng khác nhau giữa các lực lượng thực thi công vụ và người tham gia giao thông. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và cách vận dụng thống nhất đối với các lực lượng có chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên toàn quốc nói chung và lực lượng CSGT Công an Thủ đô nói riêng.

Những câu hỏi bạn đọc đang tiếp tục gửi về Tòa soạn sẽ được chúng tôi gửi tới Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng và sẽ có phản hồi trong thời gian sớm nhất

* Trong 2 tuần thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP Phòng PC67 Công an thành phố Hà Nội đã xử phạt: 25.261 trường hợp (t/h); phạt thành tiền: 6.117.545.000 đồng; tạm giữ: 32 xe ô tô, 606 xe mô tô; tạm giữ: 6.714 bộ giấy tờ; tước GPLX: 1.026 trường hợp. Các hành vi vi phạm đặc trưng: Không chấp hành tín hiệu đèn giao thông: 465 t/h; Chạy quá tốc độ quy định: 223 t/h; Dừng đỗ sai quy định: 2.238 t/h; Không đội mũ bảo hiểm: 17.084 t/h; Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông: 28 t/h; Chở quá trọng tải cho phép: 31 t/h… 

- Công an Hà Nội có đề xuất thêm quy định xử phạt nào phù hợp với đặc thù giao thông Hà Nội? (Phạm Tấn Sang, Trần Hưng Đạo, Hà Nội)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh HùngHiện nay Nghị định số 46 mới đưa vào triển khai, thực hiện, trong thời gian tới chúng tôi sẽ sơ kết, đánh giá những thuận lợi, ưu điểm cũng như các tồn tại, hạn chế, tập hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị TTKS, xử lý vi phạm trực tiếp về GTĐB. Nếu có các vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh chúng tôi sẽ báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền để quy định, bổ sung cho phù hợp với đặc thù tình hình TT, ATGT trên địa bàn Thủ đô.

Do thời lượng chương trình trực tuyến có hạn, những câu hỏi khác của độc giả sẽ được chúng tôi chuyển tới  Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an Hà Nội để lãnh đạo  Cảnh sát giao thông Hà Nội trả lời qua email hoặc văn bản.

Trân trọng cảm ơn Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng và Quý độc giả Báo Pháp luật Việt Nam đã tham gia chương trình.

Đọc thêm