|
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình tăng gia sản xuất của Trung đoàn, Thiếu tá Phạm Ngọc Thái phấn khởi cho biết: “Hiện tại, công tác hậu cần của Trung đoàn đã và đang phát huy, thực hiện xuất sắc nội dung “3 khâu đột phá”, “Bốn tốt”.
Trung đoàn luôn quán triệt các nội dung chỉ tiêu của phong trào thi đua, “Nuôi quân giỏi, quản lý tốt”, tổ chức khai thác lương thực thực phẩm đảm bảo đúng nguyên tắc, duy trì tốt trạm chế biến tập trung bảo đảm đầy đủ lương thực thực phẩm chất lượng tốt, giá cả hạ so với thị trường như: thịt xô lọc giảm 8,5%, cá giảm 15%, rau củ quả giảm 25%.
Từ rất lâu rồi, riêng rau xanh, đơn vị tự cung cấp 100%, không phải mua ngoài. Rau, củ, quả được các chiến sỹ trồng, “mùa nào thức đấy” đủ loại. Ngoài ra, với việc đầu tư xây dựng cơ bản trạm chế biến tập trung thì các sản phẩm như giò, chảm chả cá, đậu phụ, nước mắm, tương, giá đỗ… phục vụ bữa ăn của các chiến sỹ được đảm bảo và vượt chỉ tiêu.”
Được biết, cứ nửa tháng hội đồng giá của Trung đoàn lại họp một lần để tìm hiểu thị trường, giá cả các loại thực phẩm thiết yếu để cung cấp giá cho các đơn vị. So sánh cho thấy, hầu như các loại thực phẩm phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của các chiến sỹ đều được chăn nuôi, trồng trọt nên thực phẩm bao giờ giá cũng thấp hơn so với thị trường.
Theo thống kê, trong năm 2014, ngành quân nhu của Trung đoàn đã tiếp kiếp từ chất đốt 500đ/người/ngày = 204,4 triệu đồng, chế biến giết mổ tập trung + dịch vụ hậu cần = 90 triệu đồng, giá thực phẩm thấp hơn 8% đến 10% giá thị trường = 396,65 triệu đồng, giá rau rẻ hơn giá thị trường từ 20% đến 25% = 206,03 triệu đồng; ngành quân y tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, tham gia Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” = 5 triệu đồng; ngành doanh trại tiết kiệm 15% điện sinh hoạt; xăng dầu tiết kiếp 468,2 lít = 8,7 triệu đồng.
|
Khu trạm chế biến tập trung của Trung đoàn 246 được xây dựng ở một khu tách biệt hẳn doanh trại, diện tích khá rộng rãi và thoáng mát. Nếu ai có chứng kiến quy mô khu trạm chế biến tập trung của Trung đoàn 246 thì mới thấy được tính chuyên nghiệp trong sản xuất các sản phẩm. Chỉ có 9 cán bộ, nhân viên làm việc tại khu trạm nhưng họ luôn đảm bảo cho 100% nhu cầu các loại thực phẩm như giò, chả, bánh cuốn, nước tương,.. của Trung đoàn.
Trung tá, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 346, Nguyễn An Thuyên cho biết, mô hình trạm chế biến tập trung của Trung đoàn 246 không những là mô hình điểm của Sư đoàn mà đây còn là một mô hình điểm, điển hình của Quân khu.
Cùng với việc thực phẩm được khai thác tại chỗ, giá thành giảm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì trạm chế biến tập trung đã trực tiếp góp phần nâng cao đời sống bộ đội. Như sản phẩm bánh cuốn, giò chả, nước tương được cán bộ, chiến sỹ đón nhận tích cực.
Quê ở Đại Từ, Thái Nguyên vừa nhập nhũ chưa đầy 3 tháng thì được phân công làm việc tại Trạm chế biến, Binh nhất Nguyễn Văn Linh được sự chỉ bảo của các anh em, giờ đây Linh đã thành thạo làm các loại thực phẩm như bánh cuốn, giò chả, nước tương, đậu phụ.
Vừa cuốn bánh cuốn, Linh vừa cho biết: 9 anh em tổ chế biến, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của Ban chỉ huy Trung đoàn nên mọi người làm việc rất thoải mái, nhiệt tình. Mới đây, đơn vị xuống Nam Định đặt dây chuyền sản xuất bán cuốn với công suất 90kg/1h, nhờ đó mà anh em tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí. Sau mỗi bữa ăn, anh em chiến sỹ, ai cũng khen sản phẩm của tổ chế biến. Bọn mình rất vui!
|
Ban chỉ huy luôn sát sao, quan tâm từ Nghị quyết tháng đến Nghị quyết năm. Trong đó, Ban hậu cần sẽ phải tập trung vào những mặt làm được, chưa làm được, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Trên cơ sở nghị quyết, Ban chỉ huy tạo mọi điều kiện cho người chỉ huy trực tiếp phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế còn tồn tại để công tác hậu cần phát triển theo hướng bền vững, thiết thực, hiệu quả gắn với phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy.