3 phi hành gia Trung Quốc Nie Haisheng, Liu Boming và Tang Hongbo đã trở thành những phi hành gia đầu tiên bay đến trạm vũ trụ Thiên Cung. Họ sẽ dành ba tháng để thử nghiệm hệ thống hỗ trợ sự sống và các thiết bị khác, tiến hành thí nghiệm và chuẩn bị mở rộng các khu vực sống trước khi 2 module tiếp theo được phóng lên vào năm sau.
Trung Quốc sẽ thực hiện tổng cộng 11 sứ mệnh trong năm nay và năm tới để hoàn thành trạm vũ trụ. Trạm vũ trụ của Trung Quốc có thể sẽ sớm trở thành trạm vũ trụ duy nhất trên quỹ đạo sau khi Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) dự kiến sẽ dừng hoạt động vào năm 2025 do cạn kiệt kinh phí duy trì.
Trước đó, vào tháng 4, Trung Quốc đã phóng thành công module Thiên Hà - một trong những module lõi - lên trạm Thiên Cung.
“Sau khi hoàn thành trạm vũ trụ của Trung Quốc, trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy phi hành gia Trung Quốc và cả nước ngoài cùng tham gia chuyến bay của trạm vũ trụ Trung Quốc,” Ji Qiming - trợ lý của Giám đốc Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc - cho biết.
Các phi hành gia trên tàu vũ trụ Thần Châu-12 từ phải sang trái, Nie Haisheng, Liu Boming, và Tang Hongbo. Ảnh: The Washington Post. |
Việc thành công đưa 3 phi hành gia lên trạm Thiên Cung đã đánh dấu lần đầu tiên sau 5 năm Trung Quốc cử một phi hành đoàn lên vũ trụ. Thành công này cùng với một loạt các thành tựu về không gian của Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ đẩy nhanh một số kế hoạch của ngành hàng không vũ trụ.
Năm 2019, cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nhận định rằng Mỹ đang ở trong một cuộc chạy đua không gian. Bình luận của ông được đưa ra hai tháng sau khi Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ không người lái đến nửa không nhìn thấy của mặt trăng. Ông Pence cho rằng hành động này đã tiết lộ tham vọng của Trung Quốc trong việc trở thành quốc gia đi đầu thế giới về vũ trụ.
Năm 2011, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật yêu cầu NASA phải được Quốc hội phê duyệt trước khi hợp tác với Trung Quốc, cũng như phải có FBI chứng nhận rằng việc hợp tác này sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Đạo luật này về cơ bản đã cấm Trung Quốc bay lên ISS, tuy nhiên nó vẫn không thể làm chậm những bước phát triển của Trung Quốc trong ngành hàng không vũ trụ.
Tháng trước, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ hạ cánh thành công tàu thám hiểm lên sao Hỏa . Giám đốc NASA Bill Nelson đã chúc mừng Trung Quốc, đồng thời cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng đây là hồi chuông báo động đối với ngành hàng không vũ trụ của Mỹ. Ông nhận định Trung Quốc là một đối thủ “đáng gờm”: “Họ sẽ đưa con người lên mặt trăng. Điều đó cho thấy chúng ta cần nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó khăn và đưa chương trình Human Landing System hoạt động mạnh mẽ trở lại."