Trung Quốc mở đường sắt đến Thái Lan và Lào: Nhiều thách thức cho xuất khẩu nông sản Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với việc khai trương chuyến tàu chở hàng khứ hồi đầu tiên giữa Trung Quốc - Lào và Thái Lan, nông sản thực phẩm Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức để xâm nhập sâu hơn vào thị trường tỷ dân.

Nỗ lực mở rộng thị trường

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Tọa đàm.

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)” diễn ra hôm qua (10/2) do Tổ Công tác 970 (Bộ NN&PTNT) vừa diễn ra, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) được hơn 53 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. “Đây là thị trường rộng lớn. Nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc là trên 260 tỷ USD, thì chúng ta mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%” - ông Hòa cho hay.

Theo ông Hòa, các nhóm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam XK sang Trung Quốc gồm gỗ, sắn, rau quả, cao su. Trong đó, cao su XK sang Trung Quốc chiếm đến 70% thị phần xuất đi thế giới, chủ yếu qua đường Vân Nam.

Nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng XNK với Trung Quốc trong tổng XNK của Việt Nam chiếm đến 24%. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường XK quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó, mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,47%; cao su 71%… Trung Quốc cũng là thị trường XK lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thời gian qua đã triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định tại Lệnh 248 và 249 về đăng ký DN XNK sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm. Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.492 mã số DN XNK theo Lệnh 248. Bộ NN&PTNT cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản XK sang thị trường Trung Quốc. Bộ NN&PTNT đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đạt chuẩn phục vụ XK.

Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa nhận định, trong thời gian tới, nông sản Việt Nam vào Trung Quốc qua ngả Vân Nam sẽ có khởi sắc. “Riêng hàng hoa quả, Bộ NN&PTNT đã cấp hơn 2.000 mã số cho các DN xuất khẩu. Các DN muốn xuất khẩu vào Trung Quốc cần hoàn thiện hồ sơ, từ nay đến 30/6” - ông Hòa lưu ý.

Lãnh đạo Văn phòng SPS cho biết Bộ NN&PTNT đang phối hợp tốt với Hải quan Trung Quốc để giữ cho việc XK thuận lợi. Bộ NN&PTNT cũng đang đàm phán với đối tác Trung Quốc về việc đề xuất nhóm hoa quả tiếp theo là: bưởi, bơ, na, roi, thảo quả, dứa.

Cũng theo ông Lê Thanh Hòa, một trong những chiến lược xuất khẩu của Việt Nam là tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, kết nối với đường biển, đường bộ từ các nước ASEAN qua. Đây là vấn đề cần hoàn thiện, đẩy nhanh tốc độ triển khai.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều thách thức.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều thách thức.

Nhận diện thách thức

Ghi nhận sự nỗ lực mở rộng thị trường, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương thẳng thắn: “Chúng ta thường nhắc đến tầm quan trọng của việc chiếm lĩnh, mở rộng những thị trường mới. Tuy nhiên, trước khi muốn làm được điều đó, cần phải đảm bảo việc giữ được những thị trường truyền thống bấy lâu nay, trong đó có thị trường Trung Quốc”.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng, trong đó, mỗi tỉnh là một thị trường lớn cần hợp tác nắm thông tin. “Cách đây 2 ngày Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là một vấn đề đặt ra cho chúng ta” - Thứ trưởng lo ngại, đồng thời lưu ý, nếu DN của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức trong vấn đề XK nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho rằng việc Trung Quốc mở cửa thị trường từ ngày 8/1 vừa qua là tin mừng đối với DN hai nước song cũng là thách thức với các DN XK Việt Nam. “Về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao, đặc biệt là yêu cầu từ Lệnh 248, 249, do vậy các DN thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu phía bạn. Các DN cần chủ động liên hệ các đơn vị như Ban Quản lý cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải…” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý.

Nỗ lực để nhiều nông sản sang Trung Quốc

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện có 16 mặt hàng thực vật đang XK sang Trung Quốc là chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo. Trong đó, 7 sản phẩm đã có Nghị định thư và Bộ đang hoàn thiện chuẩn hóa các Nghị định thư cho khoai lang, ớt.

Hiện Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, đàm phán với các cơ quan phía bạn để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Cục Chăn nuôi sớm trình Thông tư hướng dẫn về xác định mã số nhà nuôi yến, hang nuôi yến, để sớm hoàn tất các thủ tục.Về chuẩn bị cho XK ớt, khoai lang, chanh leo, Thứ trưởng lưu ý các tỉnh có nhiều sản phẩm này cần rà soát cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu để đăng ký; các tỉnh muốn tổ chức lễ xuất hàng lô đầu tiên cần đề nghị sớm với Bộ.

Bên cạnh đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần liên hệ Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc để thảo luận nội dung; cử đoàn sang tỉnh Vân Nam đẩy mạnh xúc tiến nông sản vào thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản.

Đọc thêm