Trung Quốc muốn thiết lập vùng độc quyền quân sự trên biển Đông?

(PLO) - Hãng tin CNN ngày 21/5 cung cấp thông tin độc quyền cho biết, Hải quân  Trung Quốc đã 8 lần phát đi cảnh báo yêu cầu một máy bay giám sát của Mỹ rời khỏi vùng trời bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép trên biển Đông.
Hình ảnh từ video do Mỹ công bố cho thấy hành động cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc.
Hình ảnh từ video do Mỹ công bố cho thấy hành động cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc.
Reuters dẫn thông tin từ CNN cho hay, máy bay của Mỹ đã thực hiện cuộc tuần tra tại khu vực Trung Quốc (TQ) đang đẩy mạnh xây đảo nhân tạo là P8-A Poseidon – máy bay giám sát hiện đại nhất của quân đội Mỹ.
Máy bay này bay ở độ cao thấp nhất là 4.500m. Những hình ảnh do P8-A Poseidon ghi lại và được CNN công bố cho thấy TQ đang tiến hành một tổ hợp hoạt động xây dựng và nạo vét ở các đảo nhân tạo mà máy bay do thám của Mỹ đã bay qua cũng như sự hiện diện của các tàu hải quân TQ ở gần đó.
“Chúng tôi vừa bị thách thức 30 phút trước và thách thức này đến từ Hải quân TQ. Tôi tin rằng lời thách thức này đến từ trên đảo, từ cơ sở này” – Đại úy Mike Parker, chỉ huy máy bay do thám Mỹ nói với CNN trên máy bay và chỉ về một trạm radar cảnh báo sớm trên đá Chữ Thập.
Khi phát hiện máy bay Mỹ, Hải quân TQ đã liên tục dùng radio phát đi thông điệp yêu cầu máy bay này rời khỏi khu vực đó. Tại một thời điểm, sau khi các phi công đáp trả phía TQ rằng máy bay của họ đang bay ở không phận quốc tế, một người điều hành đài phát thanh của TQ đã nói với vẻ đầy bực tức: “Đây là Hải quân TQ… Đi đi”.
CNN cho biết, đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc có video cho thấy rõ hoạt động xây dựng của TQ cũng như đoạn ghi âm những thách thức từ phía TQ đối với máy bay của Mỹ.
Các nhà quan sát cho rằng, vụ việc vừa xảy ra cùng với những cảnh báo gần đây của TQ với máy bay của Philippines, theo đó yêu cầu máy bay này rời khỏi các khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa ở biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập một vùng độc quyền quân sự trên những đảo mà nước này mới xây dựng lên.
Một số chuyên gia về an ninh tỏ ra lo ngại về nguy cơ đối đầu, đặc biệt là sau khi một quan chức Mỹ hồi tuần trước cho biết Lầu Năm Góc đang xem xét điều máy bay quân sự và các tàu hải quân tới để đảm bảo tự do hàng hải xung quanh các đảo mà TQ đang xây dựng trái phép. 
Trả lời CNN, cựu Phó Giám đốc CIA Michael Morell cho rằng, cuộc đối đầu vừa xảy ra cho thấy hoàn toàn có nguy cơ Mỹ và TQ sẽ xảy ra chiến tranh ở thời điểm nào đó trong tương lai nếu TQ vẫn tiếp tục các động thái mà nước này đang thực hiện trên biển Đông nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình cũng như các động thái khác nhằm gia tăng ảnh hưởng của nước này trên thế giới. 
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị đã khẳng định “chủ quyền” của TQ đối với bãi đá này. Ông Vương nói TQ “quyết tâm bảo vệ lợi ích của họ”. Trước đó, TQ cũng từng lên tiếng họ hoàn toàn có quyền thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông nhưng tình hình hiện tại chưa cho phép.
Vào lúc máy bay do thám P8-A Poseidon đang bay trên biển Đông thì phi công của một máy bay thuộc hãng Delta Airlines đang bay trong khu vực cũng  nhận được lời cảnh báo từ phía TQ. Phi công này đã thông báo máy bay của ông ta là máy bay thương mại. Phía TQ đã trấn an phi công này và chuyến bay của hãng Delta vẫn bay tiếp theo lịch trình - theo CNN.
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều qua (21/5), khi được đề nghị cho biết quan điểm của phía Việt Nam trước việc các máy bay Mỹ bị tàu hải quân TQ xua đuổi nhiều lần trên biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ, khu vực biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng của thế giới, đồng thời cũng là hành lang hàng không quốc tế rất quan trọng.
Việc duy trì hòa bình, ổn định hàng hải, hàng không ở biển Đông là nguyện vọng chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. “Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, an  ninh hàng hải, hàng không ở biển Đông, đồng thời tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS, không làm phức tạp thêm tình hình” – ông Bình nói./.

Đọc thêm