Một ca nhóm máu P, được coi là hiếm hơn cả nhóm "máu khủng long" hay "máu gấu trúc", được phát hiện tại tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, tờ Global Times đưa tin.
Theo Nhân dân Nhật Báo, nhóm máu Rhesus âm (Rh-, còn được gọi là “máu Panda”), chiếm khoảng 0,4% dân số Trung Quốc. Nhóm máu kiểu hình (phenotype) para-bombay, được gọi là "máu khủng long", chiếm khoảng 1/10.000 tới 1/100.000. Trong khi số ca nhóm máu P hiếm tới mức chỉ có 1/1 triệu.
Trước ca ở Giang Tô, Trung Quốc chỉ có 9 ca thuộc nhóm máu P được ghi nhận.
Ngân hàng dữ liệu gen GenBank, do Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ duy trì, đã xác nhận rằng trình tự nucleotide ở ca này cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy ở ca nhóm máu P nào khác trên thế giới.
Ngoài nhóm máu hệ ABO và Rh có ý nghĩa quan trọng nhất trong truyền máu, còn có 36 nhóm máu được công nhận khác.
Nhóm P được phát hiện vào năm 1927. Dữ liệu cho thấy, trong hệ thống nhóm máu P có 5 kiểu hình thông thường là P1, P2, P1k, P2k và P.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), mỗi nhóm máu sở hữu một hỗn hợp đường và protein riêng biệt được gọi là kháng nguyên, hiện diện trên bề mặt tế bào hồng cầu. Với hơn 600 kháng nguyên, có tiềm năng đáng kể về sự đa dạng nhóm máu giữa các cá thể.