Trung Quốc: Quan ngại sâu sắc về trung tâm cai nghiện Internet

(PLO) - Một thanh niên  18 tuổi ở Trung Quốc đã chết vài ngày sau khi anh ta được đưa đến một trung tâm điều trị cai nghiện Internet đã gây nên một làn sóng tranh cãi dữ dội ở nước này.
Hình ảnh về một trại cai nghiện Internet ở Trung Quốc
Hình ảnh về một trại cai nghiện Internet ở Trung Quốc

Nguyên nhân chưa xác định

Theo Telegraph, thanh niên này có tên là Li Ao, 18 tuổi, bị đa chấn thương, nhưng nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết vẫn chưa được xác định. 

Được biết, khi nhận thấy con trai nghiện Internet ngày càng trầm trọng và sau nhiều lần không thể kiểm soát nổi hành vi của con, cha mẹ của Li Ao đã quyết định gửi anh ta tới trại cai nghiện vào hồi đầu tháng ở thành phố Bộc Dương, tỉnh An Huy, một khu vực nghèo phía Đông Trung Quốc. 

Trước khi sự việc đau lòng xảy ra, trại cai nghiện này nói rằng sẽ sử dụng biện pháp điều trị nhẹ nhàng và hứa sẽ không sử dụng biện pháp vũ lực, hành hạ cơ thể của người cai nghiện. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 48 giờ kể từ khi được nhập trại, cha mẹ  của Li Ao nhận được thông báo con trai đã qua đời. Nhưng nguyên nhân cái chết đến nay vẫn chưa được giải thích rõ ràng. 

Mẹ của Li Ao nói rằng, họ được các bác sĩ khám nghiệm tử thi cho hay có 20 vết thương bên ngoài, cũng như một số thương tích bên trong cơ thể của con trai họ. “Cơ thể của con trai tôi toàn là những vết sẹo, từ trên xuống dưới... Khi tôi đưa con trai đến trung tâm cai nghiện, nó vẫn ổn, tại sao nó có thể chết trong vòng 48 giờ đồng hồ?” Bà Li đau lòng chia sẻ. 

Sau vụ việc, chính quyền địa phương ngay lập tức đã yêu cầu trại này ngừng hoạt động. Giám đốc quản lý và 4 giáo viên của trường cũng đã bị cảnh sát bắt giữ và tiến hành điều tra. 

Trại cai nghiện Internet bắt đầu mọc lên như nấm

Không chỉ có gia đình ông bà Li, rất nhiều cha mẹ khác ở Trung Quốc lo ngại về việc con cái của họ nghiện Internet và game online, cuối cùng vì không thể làm gì khác họ mang con tới trại cai nghiện. Tuy nhiên, thật không may mắn cho thanh niên xấu số này, trại cai nghiện ở thành phố Bộc Dương là trại hoạt động bất hợp pháp và đã nhiều lần bị các cơ quan giáo dục địa phương ra lệnh đóng cửa. 

Chính vì nhu cầu này mà trại cai nghiện Internet bắt đầu mọc lên như nấm và lan rộng ở Trung Quốc trong  những năm gần đây. Một vài cơ sở trực thuộc các bệnh viện lớn nhưng cũng có các cơ sở thuộc sở hữu tư nhân hoặc trường học. Những trại này có khuynh hướng tự cho mình sử dụng các nguyên tắc kỷ luật theo kiểu trại quân đội và bị chỉ trích vì mức độ khắc nghiệt. Một số còn được biết đến là sử dụng vũ lực, điện giật, sốc não trên cơ thể của người cai nghiện. Điển hình là năm ngoái, một thiếu nữ đã bị buộc tội giết mẹ mình sau khi bị gửi tới trung tâm cai nghiện, nơi cô bị bạo hành về mặt thể xác.

Giáo sư Trent Bax của Đại học Ewha Womans, người chuyên nghiên cứu về chứng nghiện Internet ở Trung Quốc cho hay, những trung tâm cai nghiện này sử dụng chiêu trò quảng cáo để thu hút các bậc cha mẹ muốn giải quyết nhanh vấn đề của con cái mình. “Các bậc cha mẹ lúc nào cũng lo ngại và chửi bới con cái rằng, nếu không chịu cai nghiện Internet và tập trung học hành thì tương lai sẽ chẳng đi đến đâu”, ông Bax nói. 

Sau vụ việc, nhiều bài báo, mạng xã hội và truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi quy định chặt chẽ hơn các trung tâm cai nghiện và đồng thời chỉ trích các bậc cha mẹ trong vấn đề giáo dục con cái. Một người bình luận trên mạng Weibo, “Trong chuyện này cũng có phần lỗi do thiếu giáo dục trong gia đình”. 

Một bài viết khác trên nhật báo Trừ Châu lưu ý rằng, “một số bậc cha mẹ, khi phát hiện ra vấn đề của con cái, nhưng lại không có trách nhiệm giáo dục, dạy bảo hay tìm mọi cách để giúp đỡ con, thay vào đó họ tìm đến công cụ thứ 3 để giải quyết vấn đề”. 

Hiện nay, chính quyền Trung Quốc cũng đã bắt đầu đưa ra dự luật cấm việc sử dụng bạo lực hay sốc điện trong cai nghiện Internet. Ngoài ra, các công ty trò chơi điện tử cũng đã bắt đầu chuyển hướng, hạn chế về thời gian các trò chơi trực tuyến đối với trẻ vị thành niên. Cụ thể tháng trước,  Tencent- công ty trò chơi điện tử và truyền thông xã hội thành công nhất của Trung Quốc đã bắt đầu áp đặt những hạn chế về thời gian chơi game đối với trẻ vị thành niên trong những trò chơi phổ biến nhất hiện nay.