Trung Quốc sắp đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên

Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trong việc đại tu một chiếc tàu sân bay mua được từ Ukraina và chuẩn bị đưa nó đi vào hoạt động. Sự kiện đã tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới quan sát và dư luận thế giới, sau khi Trung Quốc liên tiếp "khoe khéo" máy bay tàng hình đời mới và tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay.

Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trong việc đại tu một chiếc tàu sân bay mua được từ Ukraina và chuẩn bị đưa nó đi vào hoạt động. Sự kiện đã tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới quan sát và dư luận thế giới, sau khi Trung Quốc liên tiếp "khoe khéo" máy bay tàng hình đời mới và tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay.

Từ tàu kinh doanh sòng bạc thành tàu sân bay

Nguồn tin từ tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defence có trụ sở tại Hong Kong, Trung Quốc, nói rằng quá trình đại tu con tàu sân bay Shi Lang (tên mới của tàu Varyag mà Trung Quốc mua lại từ Ukraina) đã gần hoàn tất.

fhtfh
Tàu Varyag đang được đại tu ở cảng Đại Liên, Trung Quốc

Các công việc có liên quan tới quá trình này gồm việc phục hồi toàn bộ các trang thiết bị trên tàu như động cơ, hệ thống định vị và dẫn đường, hệ thống cấp phát điện. Tàu hiện chỉ còn phải tu sửa hệ thống thang nâng để đưa máy bay từ hầm chứa lên sàn bay và tu bổ lại phần sàn bay trước khi được đưa vào hoạt động.

Tàu Varyag không động cơ và trang thiết bị bên trong của Ukraina đã được công ty công ty Agencia Turistica & Diversoes Chong Lot của Trung Quốc mua lại hồi năm 1998 với ý định biến thành sòng bạc và khách sạn nổi phục vụ khách hàng Macau. Ukraina, nơi thừa hưởng con tàu sau khi Liên Xô tan rã, đã chấp thuận bán nó cho Agencia với giá 20 triệu USD.

Năm 2000, Agencia thuê tàu kéo Varyag đến Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, thì bị kẹt lại. Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khoản phí khổng lồ để Varyag được đi qua eo biển Bosphorus của nước này, vốn ngăn cách châu Âu và châu Á.

Giới phân tích nói rằng một trong những lý do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra mức phí cao là vì công ty Agencia không có giấy phép kinh doanh sòng bạc và rất có thể nó chỉ là bình phong để mua tàu sân bay cho quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, chịu trách nhiệm kéo tàu là công ty Agencia Macau và một công ty Hong Kong có tên Chin Luck, với cả 2 tổng giám đốc đều là cựu sĩ quan hải quân Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn bí mật theo đuổi cuộc đàm phán với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về chi phí đưa tàu Varyag qua eo biển Bosphorus. Mãi đến tháng 10/2001, Thổ Nhĩ Kỳ mới chấp nhận cho Trung Quốc kéo tàu qua với chi phí 361 triệu USD, một con số khổng lồ so với khoản tiền mua chiếc vỏ tàu sân bay.

Những gì sau đó như người ta đã biết. Thay vì biến thành khách sạn và sòng bạc ở Macau, con tàu được quân đội Trung Quốc mua lại và kéo thẳng tới cảng Đại Liên để tu sửa nhằm giúp nó có thể hoạt động trở lại.

Nền tảng huấn luyện cho các tàu sân bay tương lai

Tàu Varyag là một trong những tàu sân bay thuộc loại Kuznetsov mà Nga chế tạo từ những năm 1980. Ban đầu những con tàu này được thiết kế để có trọng tải 90.000 tấn, chạy năng lượng hạt nhân và trang bị hệ thống phóng máy bay dùng hơi nước giống tàu sân bay của Mỹ.

Do chi phí hết sức đắt đỏ và sự phức tạp của các tàu sân bay Mỹ hiện đại, người Nga đã phải giảm bớt quy mô ban đầu và kết quả là sự ra đời của tàu Kuznetsov với trọng tải 65.000 tấn, không có hệ thống phòng bằng hơi nước mà sử dụng sàn bay dốc để máy bay tự vọt lên cao bằng động cơ phản lực của chính nó. Động cơ sử dụng năng lượng nguyên tử cũng bị bỏ để dùng động cơ bình thường.

Tuy nhiên, Kuznetsov vẫn được xem là loại tàu sân bay đáng gờm. Con tàu dài 323 mét này thường mang khoảng một chục chiếc máy bay Su-27 phiên bản tối ưu cho tàu sân bay (được gọi là Su-33), 14 trực thăng chống tàu ngầm Ka-27PL, 2 trực thăng chống chiến tranh điện tử và 2 trực thăng cứu nạn.

Khi cần thiết, con tàu có thể mang tới 36 chiếc Su-33 và 18 trực thăng các loại. Nó có thể mang theo 2.500 tấn nhiên liệu máy bay, đủ để thực hiện từ 500-1000 lượt bay của máy bay chiến đấu và trực thăng. Kích cỡ thủy thủ đoàn của con tàu là 2.500 người hoặc có thể lên tới 3.000 người. Hiện thế giới chỉ có 2 tàu sân bay thuộc loại này là Kuznetsov, đang trong trang bị của quân đội Nga và chiếc Varyag, hay Shi Lang, nằm trong tay người Trung Quốc.

Nếu thành công trong việc đưa Shi Lang vào hoạt động, Trung Quốc sẽ trở thành nước châu Á thứ ba sở  hữu tàu sân bay sau Ấn Độ và Thái Lan. Hiện họ phải cần cả phần cứng, phần mềm và huấn luyện phi công. Giới phân tích đánh giá các phi công của Trung Quốc phải lĩnh hội kỹ năng cất và hạ cánh từ tàu sân bay. Họ hiện đang nỗ lực tập luyện, tuy nhiên kinh nghiệm bay vẫn còn non nớt hơn rất nhiều những “nhà tiên phong” Mỹ.

“Việc có được một tàu sân bay không có nghĩa là có trong tay khả năng sử dụng nó một cách hiệu quả. Để đạt được khả năng sử dụng hiệu quả cần có một quá trình kéo dài hàng thập niên”, Robert Karniol, một nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu tại Canada cho hay.

Trong một thời gian dài, không ai rõ Trung Quốc có kế hoạch gì với Shi Lang. Bộ Quốc phòng Mỹ thì nói rằng con tàu sẽ được dùng để huấn luyện các phi công và những chuyên gia kỹ thuật cho tàu sân bay thuộc thế hệ đầu của Trung Quốc. Đây cũng là quan điểm của bài báo viết trên tạp chí Kanwar. Tác giả cho hay con tàu còn giúp đào tạo cả các kỹ thuật viên sẽ chế tạo chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc. "Đây là một dự án lớn và nó phức tạp tương đương với việc sản xuất một chiếc tàu sân bay mới tinh" - Kanwa dẫn nguồn tin giấu tên ở cảng Đại Liên, nơi chiếc Shi Lang đang thành hình nói.

Hiện giới chức Trung Quốc chưa có bình luận gì trước bài báo của Kanwar. Song tạp chí này vẫn được xem là nguồn tin quân sự hết sức tin cậy. Tuần trước, Kanwar đã là một trong những tờ báo đầu tiên đưa tin hết sức chi tiết về chuyến bay thử của J-20, mẫu máy bay tàng hình thế hệ đầu của Trung Quốc đang gây chú ý trên toàn thế giới.

Tường Linh

Đọc thêm