Trung tâm tài chính quốc tế: Cần tạo nhiều “dòng hàng” chất lượng thu hút nhà đầu tư

(PLVN) -  Nhiều loại hàng hóa sẽ được giao dịch tại Trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng nguồn hàng từ đâu? Phạm vi thế nào và nên phát triển ưu tiên loại hàng hóa, dịch vụ nào đang là vấn đề quan tâm hiện nay.
Đưa nông sản Việt lên sàn sớm mang lại nhiều lợi ích. (ảnh minh họa)
Đưa nông sản Việt lên sàn sớm mang lại nhiều lợi ích. (ảnh minh họa)

Niêm yết hàng hóa là xu hướng tất yếu

Theo dự thảo Nghị quyết Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT), thành viên TTTCQT được phép thành lập sàn giao dịch, nền tảng giao dịch hoạt động trong TTTCQT trong các lĩnh vực sau giao dịch hàng hóa và phái sinh hàng hóa, giao dịch tín chỉ carbon, các nền tảng giao dịch tài sản số, các sàn giao dịch sản phẩm văn hóa nghệ thuật, giao dịch kim loại quý hiếm, chứng khoán của DN khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm tài chính xanh... và các loại hình nền tảng giao dịch mới khác theo nhu cầu phát triển. Như vậy, trước mắt, các loại hàng hóa nông sản của Việt Nam có thể trở thành những mặt hàng đầu tiên được giao dịch tại TTTCQT.

Hiện nhiều nhà giao dịch đang giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam khẳng định việc đưa hàng hóa niêm yết giao dịch là xu hướng tất yếu của thị trường hàng hóa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, sàn giao dịch hàng hóa tại TTTCQT đang được trông đợi rất nhiều. Nhiều mặt hàng đã sẵn sàng để niêm yết trên các sàn giao dịch hàng hóa cũng như nhiều doanh nghiệp đã “đánh tiếng” về việc sẽ đưa các mặt hàng nào lên giao dịch tại sàn.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dựa vào thông tin thu thập được từ các TTTCQT, trung tâm thương mại, Bộ Công Thương đã rút ra một số bài học về mô hình của các TTTCQT. Về cơ bản, đối với những quốc gia đặc thù, quy mô thị trường bé, dân số ít thì họ tập trung vào thị trường quản lý tài sản. Các quốc gia có quy mô kinh tế, tính chất kinh tế tương đồng với Việt Nam hoặc phát triển hơn Việt Nam ở mức độ nhất định, đều có sở giao dịch hàng hóa, hàng hóa phái sinh rất phát triển. Theo đó, mỗi địa phương cần lựa chọn mặt hàng giao dịch hàng hóa, dịch vụ dựa trên tiềm năng và thế mạnh sẵn có.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, điều quan trọng nhất là làm sao để có người mua, người bán, làm sao để có hàng hóa để nhà đầu tư mua bán tại TTTCQT và làm sao để tạo ra được thói quen mua bán hàng hóa tại TTTCQT ở Việt Nam cho các nhà đầu tư. Do đó, điều quan trọng nhất là tạo được “dòng hàng” chất lượng, đúng “khẩu vị” nhà đầu tư và phù hợp với xu thế hiện nay.

Giao dịch hàng hóa trong phạm vi nào?

Mua bán các mặt hàng thế nào, giao dịch và phạm vi ra sao đang là băn khoăn của nhiều đối tượng quan tâm đến TTTCQT. Theo đó, có ý kiến băn khoăn là hàng hóa, đối tượng giao dịch dịch vụ trong TTTCQT có giới hạn trong khuôn khổ địa lý hành chính của Trung tâm hay không. Đây được đánh giá là một điểm rất quan trọng ảnh hưởng đến toàn bộ phạm vi áp dụng giao dịch của các chủ thể trong Trung tâm hoặc là giữa thành viên của TTTCQT với việc lãnh thổ.

Ví dụ, trong dự thảo, chính sách đất đai cũng đã có những cơ chế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng như là các chuyên gia, người lao động làm việc trong TTTCQT. Cụ thể, người nước ngoài làm việc đầu tư tại TTTCQT được phép mua, nhận chuyển nhượng, thuê mua, nhận tặng cho, thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng bất động sản thuộc phạm vi TTTCQT theo quy định pháp luật nhà ở. Như vậy, bất động sản nhà ở đã được coi là một mặt hàng được giao dịch tại TTTCQT. Tuy nhiên, hiện đang có thông tin dự kiến tại TP Hồ Chí Minh, diện tích đất được cấp cho TTTCQT khoảng 9,2ha, xây dựng tại Thủ Thiêm; ở Đà Nẵng sẽ được cấp khoảng 16ha. Nhưng với số diện tích đã đưa ra chỉ đủ để xây dựng các tòa nhà vận hành trung tâm, các tòa để vận hành hoạt động các sàn giao dịch của các chủ thể ở trong TTTCQT và không thể đủ để phát triển các dự án về nhà ở hoặc bất động sản để đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt, không gian sống cho các nhà đầu tư và chuyên gia hoạt động trong TTTCQT.

Hoặc là quy định về sàn giao dịch cũng chưa rõ ràng. Hiện dự thảo quy định rất rõ về phạm vi đối tượng sàn được phép giao dịch bao gồm cả sàn hàng hóa phái sinh, hàng hóa tín chỉ carbon từ các nền tảng số... Tuy nhiên, cũng cần làm rõ ràng vấn đề là hàng hóa được phép giao dịch giữa các bên trong chủ thể của TTTCQT (là người không cư trú) thì hàng hóa đấy có phải là hàng hóa nằm trong phạm vi của TTTCQT hay được phép là hàng hóa ở ngoài phạm vi TTTCQT. Ví dụ như với mặt hàng tín chỉ carbon, thông thường hàng hóa này sẽ xuất hiện ở những khu vực nhiều rừng, không thể có ở Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh.

Do đó, điều rất quan trọng cần phải làm rõ khi các bên tham gia đầu tư hoặc tham gia mua bán, giao dịch tín chỉ carbon thì sẽ giao dịch cụ thể ở đâu, như thế nào. Nếu chỉ khoanh vùng các giao dịch giữa các chủ thể trong phạm vi khuôn khổ tại TTTCQT thì sẽ rất là hạn hẹp. Nghị quyết của Quốc hội cần phải làm rõ về phạm vi đối tượng hàng hóa được phép giao dịch, có thể nằm ngoài “biên giới” của TTTCQT hay là chỉ thực hiện trong khuôn khổ TTTCQT. Bởi nếu chỉ khoanh vùng trong TTTCQT thì số hàng hóa đạt đủ điều kiện để giao dịch rất ít.

Tiến sĩ kinh tế Trần Văn Bình: Đưa hàng hóa lên sàn giao dịch sẽ triệt tiêu thao túng giá

Tiến sĩ kinh tế Trần Văn Bình.

Tiến sĩ kinh tế Trần Văn Bình.

Hàng hóa giao dịch tại TTTCQT rất đa dạng, nhiều lĩnh vực từ dạng hàng hóa phi vật chất đến hàng hóa vật chất. Ví dụ như, trong TTTCQT có thể có các sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch ngoại tệ chuyên biệt mua bán tỷ giá USD... tức là có thể đưa nhiều mặt hàng vào giao dịch tại TTTCQT. Bởi các giao dịch hiện nay đa phần là kết nối với hệ thống.

Cụ thể, khi giao dịch hàng hóa sẽ kết nối với các hệ thống cảng biển, logistics để có thể vận chuyển hàng hóa, còn tại TTTCQT chỉ là để giao dịch tài chính. Nói một cách dễ hiểu thì nếu nhà đầu tư muốn mua nông sản Việt thì lên sàn giao dịch hàng hóa tại TTTCQT đặt mua một cách dễ dàng và hệ thống sẽ kết nối với người bán. Khi hoàn thành giao dịch, người mua sẽ được thông báo nhận hàng tại cảng nào thì nhà đầu tư chỉ cần ra khu vực cảng đó để nhận hàng và xuất đi đâu tùy thích. Do đó, điều quan trọng nhất trong các giao dịch hàng hóa chính là hệ thống hạ tầng kết nối logistics phải thật sự thuận lợi để giao dịch có thể thuận tiện nhất.

Tôi cho rằng, càng sớm đưa được TTTCQT vào hoạt động và đưa được hàng hóa của Việt Nam lên sàn giao dịch tại TTTCQT sớm thì càng mang lại lợi ích cho người nông dân, nhà sản xuất. Bởi hiện nay, Việt Nam cũng đang có Sở giao dịch hàng hóa nhưng giao dịch tại Sở này khá rủi ro. Do Sở giao dịch hàng hóa đang chỉ đóng vai trò là một bên môi giới, có hệ thống kết nối vào sàn giao dịch hàng hóa của Mỹ và hàng hóa mua bán trên sàn này chỉ là hàng hóa ảo, có nhiều rủi ro, hiện chỉ đang là mua bán chỉ số.

Tuy nhiên, nếu cũng giao dịch tương tự trên sàn giao dịch của TTTCQT lại khác. Bởi mua bán trên sàn này trước mắt sẽ ràng buộc, khi nhà giao dịch mua cà phê hoặc đậu nành hay sắt thép... thì khi mua xong, với kỳ hạn là một tháng thì sau một tháng phải có hàng giao cho người mua với giá đã chốt từ một tháng trước đó. Đây chính là điểm khác biệt của sàn giao dịch hàng hóa trong TTTCQT với mô hình đang tồn tại hiện nay ở Việt Nam. Tức là mua bán ở sàn giao dịch sẽ có hàng hóa thật. Người mua, người bán có trách nhiệm kết nối với các công ty sản xuất hàng hóa để giao hàng đúng hẹn tại địa điểm định sẵn.

Và với sàn giao dịch này, trước mắt chúng ta sẽ ưu tiên đưa các mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu, cao su lên sàn giao dịch. Nếu đưa được các mặt hàng này lên sàn giao dịch hàng hóa ở TTTCQT thì mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân, nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng bởi gần như cắt bỏ hoàn toàn khâu trung gian, hệ thống thương lái như hiện nay. Chưa kể, sẽ không còn hiện tượng thao túng giá bởi giá đưa trên sàn trực tiếp là do nhà sản xuất đưa ra, tự đặt lệnh bán theo đúng giá để có lợi nhất cho việc kinh doanh, sản xuất của mình.

Chuyên gia Michael Jaewuk Chin: Nên tập trung xây dựng thị trường tài chính chuỗi cung ứng

Chuyên gia Michael Jaewuk Chin.

Chuyên gia Michael Jaewuk Chin.

Từ kinh nghiệm xây dựng TTTCQT khu vực Đông Bắc Á của Hàn Quốc, chuyên gia Michael Jaewuk Chin đề xuất TTTCQT cần triển khai hệ thống trái phiếu xanh, dự án giao dịch tín chỉ carbon chung và hợp tác phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời nên tập trung xây dựng thị trường tài chính chuỗi cung ứng và xây dựng trung tâm tài chính thương mại, tạo dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tài chính số fintech, áp dụng tài chính xanh và hệ sinh thái tài chính bền vững. Các chiến lược này có thể đưa TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á.

Hàn Quốc đã áp dụng và đạt nhiều thành quả, trong đó có hỗ trợ giảm phát thải carbon thông qua trái phiếu xanh và trái phiếu bền vững. Chuyên gia này cũng đưa ra phương án hợp tác tài chính của TP Hồ Chí Minh và Hàn Quốc trong tương lai, bao gồm xây dựng hệ thống phát hành trái phiếu xanh giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức tài chính thông qua sự hợp tác tổ chức tài chính Hàn Quốc; phát triển dự án giao dịch tín chỉ carbon chung và phát triển dự án năng lượng dành cho các đối tác của các doanh nghiệp toàn cầu cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Đọc thêm